Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm

GDVN
Xuân Dương
 13/08/16
(GDVN) – Liệu nói về Đà Nẵng “quan thiếu gió tươi, dân thừa ô nhiễm” có phải là “hơi” chụp mũ?
Sự hào nhoáng về du lịch nhưng lại đìu hiu về thu hút đầu tư có khiến… những người đứng mũi chịu sào chắt chiu từng đồng cho việc phát triển kinh tế hơn là chăm chút sức khỏe cho những người ngồi trong phòng lạnh?
Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 10/8/2016, một số đại biểu nêu bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường.


Các điểm nóng về môi trường tại Đà Nẵng như khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang… không phải là chuyện mới.
Còn nhớ tháng 11/2002 đã có cảnh báo về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Đà Nẵng trên thanhnien.vn qua bài “Đà Nẵng đau đầu với nạn ô nhiễm môi trường”.
Trung tâm hành chính tiền tỷ của Đà Nẵng đang có dự định thay đổi. Ảnh Hoàng Tuấn
Mười bốn năm sau, tình trạng được cải thiện như thế nào? Người dân vẫn sống với ô nhiễm, với chất thải công nghiệp và chờ đợi sự “lo lắng” của chính quyền!
Một bài viết của tác giả Gia Huy trên Báo Đà Nẵng hiện vẫn còn lưu trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng viết:
Những ai có dịp đi qua đường Nguyễn Tất Thành – một trong những cung đường ven biển đẹp nhất nước, cũng phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên từ sông Phú Lộc.
Sở dĩ dòng sông này bị ô nhiễm là vì ngay cửa sông Phú Lộc có một cống lớn xả ra dòng sông một lượng lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.

Lo cán bộ thiếu Oxi, Đà Nẵng dự định di dời Trung tâm hành chính

(GDVN) – TP Đà Nẵng có ý định không sử dụng Trung tâm hành chính nữa vì tòa nhà thiếu ô xi nên ảnh hưởng tới sức khỏe của cán bộ công chức thành phố.
Chị T.N.H.N (tổ 24, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho hay:
“Ngày nào cũng vậy, nước thải chưa qua xử lý từ miệng cống này cứ vô tư đổ xuống sông. Những ngày nắng, người dân chúng tôi luôn phải đóng cửa im ỉm, nếu không thì khó mà chịu nổi mùi xú uế bốc lên từ dòng sông”. [1]
Liệu sống trong bầu không khí “phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên” ấy có phải vẫn còn may vì vẫn đủ ôxy để thở, không đến nỗi như các vị công chức ngồi trên nhà gác mấy chục tầng mà vẫn thiếu ôxy mà lại còn thêm “bị nóng”?
Báo chí dẫn lời ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng cho biết, chương trình hành động của Thành ủy đã giao cho các ngành nghiên cứu việc xây dựng khu hành chính mới ở vị trí khác thay thế trung tâm hành chính hiện tại vì lý do “quá nóng, không khí chưa sạch”?
Tuy nhiên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng Thái Bá Cảnh lại cho rằng “môi trường làm việc vẫn bình thường”. Thậm chí ông Cảnh còn cho biết “tôi đã nhiều tuổi rồi nhưng vẫn không thấy vấn đề gì” dù  phòng làm việc của ông ở tận tầng 22?
Không hiểu vì sao quan chức Đà Nẵng lại “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, sao không hội ý, không “thống nhất quan điểm” trước khi thông tin cho dư luận?
Nói về nghĩa vụ người làm quan, danh nhân thời Bắc Tống – Phạm Trọng Yêm – có câu “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” nghĩa là “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Bí thư Đà Nẵng ngay sau khi nhậm chức đã hai lần kiểm tra bãi rác Khánh Sơn, đó là việc làm tốt, đó là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”, thiết nghĩ người đứng đầu thành ủy Đà Nẵng nên thực hiện nốt vế thứ hai của câu châm ngôn “hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
Khi mà người dân Đà Nẵng sống gần những nơi “phải bịt mũi vì mùi xú uế” không thể chuyển nhà đi nơi khác thì thành phố hãy khoan vì lý do “trụ sở nóng, thiếu ôxy” mà trù tính di dời đến nơi mới.

Công bộc Tràng An thanh lịch với “mày” và “chúng…”

Có một lý do người viết cho là hợp lý khi phải xây dựng lại khu hành chính thành phố, đó là chuyện “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Sự thuận lợi cho người dân không phải đi nhiều nơi khi làm việc với cơ quan công quyền mang theo sự bất cập nếu chẳng may các sự cố động đất, sóng thần hay thiên tai… ập xuống.
Nếu những sự cố bất ngờ, không lường trước xảy ra khiến tòa nhà hành chính tê liệt thì hoạt động toàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Và cũng còn một lý do khác, trụ sở các cơ quan công quyền trên thế giới đa phần đều được thiết kế uy nghi, bệ vệ kiểu lâu đài, các kiến trúc “thời trang” ít khi được sử dụng cho cơ quan quyền lực.
Dẫu có như thế thì đó cũng chưa phải là lý do khẩn cấp để nghĩ đến chuyện “thanh lý” tài sản trị giá 2.000 tỷ mới được sử dụng hai năm nhằm xây dựng khu hành chính mới.

Đừng để người dân phải hai lần rơi nước mắt

Sử dụng tiền thuế của dân không nên xem là đặc quyền của người lãnh đạo.
Như ý kiến của ông Đặng Việt Dũng, đây là “chương trình hành động của Thành ủy”, vậy Thành ủy Đà Nẵng có nên xem lại “chương trình hành động” này?
Một bài viết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn [2] cho biết:
Thành phố Đà Nẵng, vốn được coi là đô thị lớn thứ ba trong nước, nhưng dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 xếp tới thứ 12 (11.661 tỉ đồng, chưa bằng nộp ngân sách trong một năm của Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với khoảng 13.000 tỉ đồng).
Dự toán thu trên của Đà Nẵng còn kém xa so với các địa phương trong tốp 10 đã đành, lại còn thấp hơn cả “tỉnh lẻ” Bắc Ninh (13.306 tỉ đồng).
Đà Nẵng có bãi biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh, có cả rừng, sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế nhưng ngay trong khu vực duyên hải miền Trung vẫn đứng sau Quảng Ngãi và Khánh Hòa về dự toán thu ngân sách”.
Cũng cần nói thêm rằng, tuy 6 lần đứng đầu bảng về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và là địa phương nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 5 năm 2011–2015 nhưng năm 2015 Đà Nẵng chỉ thu hút được 44,3 triệu USD trong tổng số hơn 24 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm rót vào Việt Nam, tức là chỉ chiếm 0,18%  xếp thứ 33/53 tỉnh thành cả nước. [3]

Trung tâm hành chính nghìn tỷ, tư duy nhiệm kỳ và 3 câu hỏi phải làm rõ

Về kinh tế là như vậy, về xã hội không thể không nhắc chuyện bức xúc mà người dân cả nước lên tiếng khi chính quyền Đà Nẵng để người Trung Quốc núp bóng người dân thành phố mua đất, làm ăn bất hợp pháp tại các vị trí chiến lược quanh sân bay, bến cảng, các trục đường ven biển.
Liệu người Đà Nẵng có biết những cửa hàng của người Trung Quốc với những con số 18, 36 có ý nghĩa gì? Số 18 đọc theo kiểu cổ sẽ là “bát nhất”, liệu đó có phải là ngày thành lập quân đội Trung Quốc hay chỉ là ngẫu nhiên?
Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đang cố xây dựng thành phố 4 an (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).
Với 4 tiêu chí ấy Đà Nẵng có thể thu hút rất nhiều khách đến du lịch nhưng lại không thu hút được nhà đầu tư, vì sao?
Sự hào nhoáng về du lịch nhưng lại đìu hiu về thu hút đầu tư có khiến ban lãnh đạo Đà Nẵng giật mình, có khiến những người đứng mũi chịu sào chắt chiu từng đồng cho việc phát triển kinh tế hơn là chăm chút sức khỏe cho những người ngồi trong phòng lạnh?
Trong khi Chính phủ có chủ trương ngừng việc đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính bằng vốn ngân sách thì Thành ủy Đà Nẵng lại có “chương trình hành động” ngược lại.
Phải chăng cũng như không ít người, với tư duy nhiệm kỳ, người ta cần để lại một quảng trường, một tượng đài hay một khu hành chính mà sau này, mỗi khi nhắc đến người ta không thể quên, rằng nó được xây dựng vào thời ông X, bà Y còn tại nhiệm?
Liệu nói về Đà Nẵng “quan thiếu gió tươi, dân thừa ô nhiễm” có phải là “hơi” chụp mũ?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chinhquyen/diem_bao?p_pers_id=&p_folder_id=9370276&p_main_news_id=13330886&p_year_sel
[2] http://www.thesaigontimes.vn/127760/Nhin-vao-thuc-te-80-dia-phuong-chua-the-tu-nuoi-minh.html
[3]http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chinhquyen/tin_tuc?p_pers_id=42058&p_folder_id=&p_main_news_id=90819901
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét