Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Khảo luận các bài viết của các tác giả Trần Ngân, Huy Đức và Nguyễn Trọng Bình về hiện tượng Việt Nam – Trung Quốc

Vietstudies

Trần Trọng Nghĩa
Tôi đọc khá kỹ các bài viết này và nhận thấy rằng các ý kiến của tác giả rất phong phú và khá toàn diện. Tôi xin chưa có ý kiến gì bổ sung mới về nội dung mà các tác giả đã đề cập, nhưng xin nhấn mạnh lại nhiều ý kiến mà các vị đã nêu ra, và cung cấp thêm một số nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước trong tình hình hiện nay của mối quan hệ Việt – Trung:


Về vụ giàn khoan HD-981, thật khó nói trong diễn biến vừa qua và trong những diễn biến sắp tới, ai sẽ là người được hưởng lợi, bên nào được gì, mất gì. Điều này chỉ có thể xác định khi ván bài giàn khoan HD-981 kết thúc… Nhiều người phân tích việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ra biển Đông hiện nay là một hành vi “thâm hiểm”, được tính toán “kỹ càng”…, nhưng cũng có những nhận định đây là một hành động sai lầm cả ở mức độ chiến thuật lẫn chiến lược của Trung Quốc. Vậy, nhận định nào đúng, nhận định nào chưa đúng, điều này còn tùy thuộc vào cách hành xử tiếp theo của cả Trung Quốc, của Việt Nam và của các bên có liên quan khác. Trong lịch sử của Trung Quốc, mưu mô, thủ đoạn, tàn độc, yếu hèn, vĩ đại, quân tử, cao thượng luôn là các chuỗi diễn biến liên tục không ngừng của một quốc gia khổng lồ với dân số đông đúc nhất thế giới, lãnh thổ rộng lớn, và có thể nói, đã một thời là cái nôi văn minh của nhân loại. Tôi không có ý định đi quá sâu trong bài viết này về việc phân tích các ý đồ, tính toán của Trung Nam Hải đối với Việt Nam nói chung và trong sự kiện giàn khoan HD-981 nói riêng. Tôi chỉ muốn đi thẳng vào hệ quả tức thì của hành động này. Hệ quả đó là: các hoạt động ngoại giao, các mỹ từ mà Trung Nam Hải dành cho các quốc gia láng giềng và thế giới trong suốt thời gian dài vừa qua có độ sai lệch rất lớn, thậm chí là đối lập 180 độ với những điều đã xảy ra trên thực tế. Thể hiện tiêu biểu đặc trưng nhất là trong quan hệ với Việt Nam. Có thể nói, trong thời gian vừa qua, về mặt hình thức khó có một quốc gia nào lại có sự bang giao hữu hảo với Trung Quốc như Việt Nam, nào là 16 chữ vàng, nào là 4 tốt, nào là hợp tác chiến lược, nào là các chuyến thăm viếng cấp nguyên thủ, các nhà tư tưởng, các đoàn thể… muôn mầu muôn vẻ diễn ra rầm rập giữa hai nước trong suốt thời gian qua. Nhưng sự kiện HD-981 trong phút chốc đã đảo lộn tất cả. Mọi thứ chỉ là trò hề, khôi hài… Với hành động này, Trung Nam Hải đã tự cho thế giới thấy rằng mục tiêu độc chiếm Biển Đông là mục tiêu tối thượng. Để đạt được mục tiêu này, Trung Nam Hải sẵn sàng chà đạp lên tất cả. Điều đau đớn hơn nữa đối với Việt Nam là cú tát về ý thức hệ. Chủ nghĩa Marx Lênin, chủ nghĩa xã hội, khái niệm về đồng chí… đều không có giá trị gì đối với Trung Nam Hải. Cú tát này đủ mạnh để cho bất kỳ những ai ảo tưởng nhất, ngụy biện nhất, cũng không còn đủ nhuệ khí để hy vọng dùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa Marx Lênin làm cái ô, hay chỗ trú ẩn cho sự yếu hèn của mình. Thực chất cú tát này là rất có lợi cho sự sụp đổ tất yếu của các tư tưởng giáo điều, trì trệ, ngụy biện còn rơi rớt lại trong hệ tư tưởng một số vị lãnh đạo Hà Nội.
Trung Quốc trong thời gian vừa qua, không chỉ ru ngủ ban lãnh đạo Hà Nội, để chuẩn bị cho những nước cờ bành trướng của họ, và họ đã làm được hơn thế rất nhiều. Về kinh tế, họ là một quốc gia ngoại bang có thể khống chế cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả ở kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng của nền kinh tế Việt Nam. Họ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của mọi địa phương trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Họ đã thử vận hành nhiều “chiến dịch” nhằm test sự phản ứng của các hoạt động kinh tế của Việt Nam ở phạm vi cục bộ tại nhiều địa phương khác nhau trên toàn quốc. Họ đã mua chuộc được nhiều cấp lãnh đạo, từ cấp trung ương đến địa phương và khống chế đội ngũ này phải làm theo ý muốn của họ trong các tình huống nếu họ thấy cần thiết. Việc có một số phần tử ẩn danh đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình bạo động, phá hoại tại Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An cũng là một đợt tập dượt thử nghiệm của họ khi mà tình huống xã hội Việt Nam phát sinh những điều kiện chín muồi theo nhận định của họ. Theo dự kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, tuy Trung Nam Hải bằng sự kiện HD-981 đã dành cho ban lãnh đạo Hà Nội những cú tát nhớ đời, nhưng xét về mặt chiến thuật và chiến lược thì họ cũng không muốn một sự thay đổi quá lớn tại Việt Nam, đặc biệt là thay đổi về chế độ theo hướng dân chủ. Họ, hơn ai hết, hiểu rằng, nếu Việt Nam thoát khỏi được gông tù của tư tưởng xã hội chủ nghĩa lỗi thời, thì chắc chắn Việt Nam sẽ ngả về phía Hoa Kỳ và Phương Tây, điều này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Điều mà Trung Nam Hải mong muốn có là một ban lãnh đạo Việt Nam run rẩy, yếu hèn trước sức ép của Trung Quốc. Do vậy Trung Quốc sẽ không “ra đòn” để cho tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam sụp đổ. Tôi cho rằng nhận định này là chính xác.
Vậy Việt Nam phải làm gì?
Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Huy Đức là nếu năm 1974 không có cuộc chiến tranh Bắc Nam hoặc ít ra không có sức ép của miền Bắc đối với miền Nam và đối với Hoa Kỳ để buộc Hoa Kỳ phải làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa để đổi lấy sư xa lánh của Bắc Kinh với Hà Nội thì Hoàng Sa vẫn luôn luôn là lãnh thổ của Việt Nam. Chữ “nếu” này không nên hiểu là một sự luyến tiếc, mà nên hiểu là một bài học cơ bản nhất của mọi quốc gia muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình. Tôi cũng hoàn toàn tán đồng với ý kiến cho rằng để cứu đất nước trong hoàn cảnh ngặt nghèo này thì ban lãnh đạo Hà Nội phải tự thay đổi mình. Lẽ ra họ phải làm những việc này ngay từ năm 1975 khi mà thế, lực, thời cơ lúc bấy giờ là vô cùng thuận lợi. Nhưng đáng tiếc là ban lãnh đạo Hà Nội ngày càng lún sâu vào tư duy trì trệ về mặt tư tưởng và do vậy ngày càng xa rời dân, thậm chí đối lập với quyền lợi của nhân dân của đất nước. Họ đã ôm khư khư lấy tư tưởng giáo điều, bất chấp rằng việc này đang làm họ ngày càng xa rời và đối lập mục tiêu tối thượng của thế hệ lãnh đạo lớp trước và chính học thuyết hay hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa muốn đạt được. Tôi hoàn toàn tán đồng với nhận định rằng họ đã tự cầm tù họ và cầm tù những người dân Việt Nam trong sự u mê và giả dối. Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng bằng những sự kiện HD-981 sẽ làm cho ban lãnh đạo Việt Nam “đột ngột” thay đổi hệ tư tưởng của mình mặc dù rằng sự đột ngột thay đổi đó là cứu cánh tốt nhất để vớt vát lại những điểm tích cực của hệ tư tưởng này trong quá khứ. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ban lãnh đạo Hà Nội hiện nay không thể lật ngược lại được tình thế và giành chiến thắng trong vụ viêc HD- 981. Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu nhận định nếu ban lãnh đạo Hà Nội tỉnh táo thì hoàn toàn có thể lật ngược lại được tình thế một cách ngoạn mục mà buộc phía Trung Quốc phải rút giàn khoan với lý do là “việc khoan thăm dò đã hoàn tất”. Ngay cả việc ban lãnh đạo Hà Nội đã không kịp phản ứng để cho một nhóm kích động dân chúng tàn phá các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… cũng là một dịp rất tốt để Hà Nội chứng minh với các nhà đầu tư và thế giới rằng những việc bạo loạn trong hai ba ngày vừa qua chỉ là tai nạn ngoài ý muốn vì đã buông lỏng để cho “dân chủ” phát triển một cách tự phát. Cụ thể là nhân cơ hội này, họ sẽ trấn áp thẳng tay các cuộc biểu tình mà không cần phân biệt quá khích hay không quá khích. Hà Nội có thể thực hiện bằng hàng loạt các biện pháp, cả về mặt tinh thần và vật chất để bù đắp cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong thời gian vừa qua, bằng nhiều chính sách khác nhau, như giảm thuế, đền bù vật chất… Đây là dịp hiếm có để nhà cầm quyền Hà Nội PR cho hình ảnh của mình với chi phí không đắt. Còn đối với Trung Quốc, Hà Nội không cần phải dùng đến bất kỳ phương tiện chiến tranh nào để gây sức ép với giàn khoan HD-981 và với các lực lượng tuần duyên bảo vệ giàn khoan này. Hà Nội hoàn toàn có thể mở chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ đối với cộng đồng quốc tế để họ gây sức ép về mặt ngoại giao và các sức ép phi quân sự khác, đối vơi Trung Quốc. Ai cũng biết là việc gây sức êp với Trung Quốc không phải chỉ nhằm bảo vệ Hà Nội, bênh vực Việt Nam, mà chính là ngăn chặn ngay từ đầu những việc làm hiếu chiến, manh động của Trung Quốc trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Hà Nội hoàn toàn có thể biến sự kiện HD-981 trở thành một cuộc đối đầu về mặt tư tưởng, ngoại giao, kinh tế…. giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Tôi tin rằng, nếu lãnh đạo Hà Nội mà làm như vậy thì thiệt hại của Trung Quốc là khôn lường còn Hà Nội sẽ không phải tốn môt viên đạn.Thế giới dân chủ đang vô cùng cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ, mà đứng đầu là Hoa Kỳ đang tìm cái cớ để hãm phanh sự trỗi dậy hiếu chiến này. HD-981 là cái cớ quý giá cho thế giới phương tây.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-5-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét