Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Cho vay không bảo đảm tài sản: Tín dụng bế tắc đến mức nào?

VNTB

Chuyện cổ tích
Lại một hiện tượng “lạ lùng” nữa xảy ra từ phía Ngân hàng nhà nước: khuyến khích cho vay không cần tài sản bảo đảm.
Ngày 24/7/2014, cơ quan được coi là “siêu ngân hàng” trên đã phát hành văn bản số 5342 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài “triển khai Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Từ năm 2012 đến nay và cứ đều đặn hàng năm, Ngân hàng nhà nước lại có một văn bản với tinh thần như trên. Tuy nhiên, các điều kiện cho vay vào những năm trước là không hề dễ dàng. Còn tại văn bản năm nay, ngoài yêu cầu thường thấy đối với các tổ chức tín dụng về “chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn”, nội dung đáng quan tâm và có tính lộ diện nhất là giải pháp “nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản”.
Vào năm 2011 và 2012, đã không thể có một quy định “thoáng” đến như thế. Nhiều doanh nghiệp do những khó khăn về tài sản đảm bảo nên đã không thể tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng. Vào thời điểm đó, các ngân hàng còn đang phấn khích trong niềm kiêu hãnh độc tôn và gần như chẳng cần đến ai. Thậm chí từ giữa năm 2012 khi ACB và Vietinbank – những ngân hàng nằm trong top 5 mạnh nhất – bắt đầu phải kêu gào về nguồn vốn ứ đọng trong két sắt mà khó tiêu thụ, hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn tìm đủ mọi cách để gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn. Agribank là một trường hợp điển hình về nạn sách nhiễu khi hàng loạt cán bộ có chức quyền nơi đây đã đòi hối lộ mới cho vay, khiến phát sinh một kỷ lục vụ án tại ngân hàng  này.
Nhưng bây giờ, tình thế đã xoay chuyển gần 180 độ. Quy định khuyến khích cho vay không cần tài sản đảm bảo của Ngân hàng nhà nước là một bằng chứng rất rõ ràng về câu chuyện “tín dụng tăng trưởng vượt bậc” trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của cơ quan này.
Rất nhiều chuyên gia và cả giới kinh doanh ngân hàng đã không thể tin vào con số đột biến 3,52% tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng nhà nước đột ngột công bố. Một phân tích mới đây của báo chí cỏn cho biết về thực chất, chỉ có khoảng 3% tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2014, nhưng đầu cho vay chủ yếu là dành cho một số doanh nghiệp “đặc quyền đặc lợi” như Tập đoàn điện lực Việt Nam chứ không phải đại trà.  
Bế tắc!
Thật ra đã chẳng có sự vượt bậc nào hết. Thay vào đó vẫn là sức ì của thị trường cho vay quá lớn và vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp “không biết vay để làm gì”. Định đề cần suy luận hết sức đơn giản là nếu cho vay được, các ngân hàng và bản thân Ngân hàng nhà nước đã không cần đến chủ trương “cho vay không cần tài sản đảm bảo”, vì đây chính là dạng thức cho vay mang lại quá nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Bây giờ thì mọi chuyện sẽ phải “buông” đến mức tối đa. Từ cơ chế siết chặt và làm nghẽn mạch hầu như toàn bộ nền kinh tế, các ngân hàng bị chính hệ lụy của nó áp đặt: khối lượng khổng lồ đến vài trăm ngàn tỷ đồng nằm chết cứng trong két nhà băng mà không đẩy ra thị trường được đã làm khối ngân hàng chết dở sống dở.
Những dấu hiệu nổi lên trong vài ngày qua về tình hình nợ xấu ở Agribank, vụ bắt khẩn cấp ba quan chức cấp cao của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam càng làm cho tương lai tăng trưởng tín dụng mờ mịt hơn lúc nào hết. Thậm chí một số chuyên gia đã bắt đầu ước báo về triển vọng khủng hoảng ngân hàng có thể sẽ xảy ra trong không bao lâu nữa…
Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét