Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Nhà Nước – Đảng: Thứ chão dai và chắc

 Boxitvn

Đỗ Thúy Hường
Đảng viên từ chối khi được thăng chức. Có thể suy ra khối chuyện
Thăng chức và điều động một giám đốc, thoạt nghe, là việc của Nhà nước, không phải việc của Đảng. Bác sĩ Hồ Phi Long, Giám đốc một bệnh viện lớn ở tỉnh Bình Thuận, vì không chịu nhận chức vụ cao hơn (Phó Giám đốc sở) đã bị ông Chủ tịch tỉnh kỷ luật “cảnh cáo”.
Vị bác sĩ này hiểu Luật Cán bộ – công chức (phải tuân theo sự điều động) nên trước đó đã nêu lý do (chăm sóc mẹ già nhiều bệnh) để khỏi bị thuyên chuyển. Dư luận có thể nêu nhiều lý do khác. Riêng tôi cho rằng: Lên chức, nhưng bác sĩ Long sẽ xa rời hẳn chuyên môn để chuyển sang ngạch hành chính. Nếu còn làm ở bệnh viện, ông giám đốc còn có thể trực tiếp khám – chữa bệnh. Và có thể dùng thì giờ riêng để mưu sinh lương thiện bằng nghề trong tay. Tôi không muốn suy luận rằng chức phó giám đốc sở ít “màu mỡ” hơn chức giám đốc bệnh viện.


Chuyện kỷ luật của bác sĩ Long tuy lạ, rồi sẽ qua nhanh, nhưng nó minh họa cho những chuyện dài “toàn tập” khác; nói lên thực chất chế độ ta.
Hai chức vụ phải song hành ở một nhân sự
Công dân Việt Nam dưới 60 tuổi, ngay từ khi mới sinh ra đã thấy chức vụ trong hệ thống nhà nước đi đôi với chức trong đảng. Ví dụ, làm giám đốc bệnh viện, chắc chắn bác sĩ Hồ Phi Long phải “có chân” trong đảng ủy. Mà ít nhất phải là ủy viên thường vụ; hoặc trên nữa, phải là phó bí thư, hoặc bí thư. Quả vậy; thực tế, khi bị kỷ luật ông đang là bí thư đảng ủy. Bởi vậy, rất có cơ sở để nghĩ rằng bác sĩ Long sẽ còn bị kỷ luật của đảng nữa. Nếu bị ra khỏi cấp ủy, ông sẽ mất nhiều lắm. Vì cấp ủy đi đôi với cái chức vụ hưởng lương, hưởng bổng…
Nghe nói, có những chức vụ mà lương chỉ ba bốn triệu (vẫn sống khỏe là nhờ bổng và lộc) nhưng nếu chưa phải là đảng viên, cũng chưa thể được giao.
Sợi chão dai và chắc
Ở các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước là hai sợi dây bện chặt vào nhau thành cái thừng (chão), chắc tới mức tưởng Trời cũng không gỡ ra nổi. Mà còn dai bền với thời gian. Có lẽ phải tới khi có chế độ cộng sản trên toàn cầu, nhà nước tiêu vong, cái sợi chão này mới hết vai trò.
Một ông nghị sĩ khi phát biểu ở Quốc hội mà khẩu khí cứ như nói năng trong Đảng. Thánh cũng không gỡ nổi cái sợi chão trong đầu ông. Ông mới 50 tuổi, khi ông còn oe oe, thì sợi chão này đã có rồi. Cho nên, chuyện minh bạch chức năng Đảng – Nhà nước, từng nhiều lần được đặt ra ở nước ta, chỉ là chuyện vui trên giấy.
Minh bạch chức năng Đảng và Nhà nước tưởng dễ và vô hại; nhưng nghĩ sâu một chút, hễ minh bạch là… mất chủ nghĩa xã hội như chơi. Đảng sinh ra để đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Mất chủ nghĩa xã hội làm sao tưởng tượng nổi?
Ngu gì không tiến thân trong Đảng?
- Làm vừa lòng ba người dễ gấp ba chục lần (so với) làm vừa lòng 100 người. Cái tỷ lệ 3/100 (3%) này chính là tỷ lệ đảng viên trong nhân dân.
- Bởi vậy, làm vừa lòng 90 triệu dân ắt khó hơn làm vừa lòng ba triệu đảng viên. Một khi đã có địa vị trong Đảng, lập tức (cứ như bỗng dưng…) có ngay địa vị tương đương về mặt Nhà nước, chẳng cần qua bầu cử trước dân. Vậy, ngu gì không tìm cách tiến thân trong đảng? Ví dụ, một ứng viên định giành chức vụ giám đốc (bệnh viện, xí nghiệp, công ty…) chỉ cần làm vừa lòng dăm bảy chục đảng viên trong đảng bộ… thay vì để 500 nhân viên đánh giá mình.
Một nguyên nhân khiến chúng ta không chưa trực tiếp bầu nguyên thủ quốc gia là vậy.
- Tôi đang được chi bộ bồi dưỡng. Tôi suy nghĩ lắm. Tôi viết được bài này thì tôi cũng thừa sức thốt ra miệng những lời phù hợp để được lòng chục đồng chí trong chi bộ. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng như bất cứ ai: Làm gì cũng phải cân nhắc Lợi và Hại. Đó là động cơ thật sự của tôi.
Lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối: thực chất là cai trị
Chức trong Đảng và chức Nhà nước, cái nào phải có trước (để có cái sau)? Rõ là câu hỏi ngớ ngẩn của người trên trời. Nếu được hỏi, hầu hết dân Việt Nam không buồn trả lời, mà trố mắt coi… cái người hỏi này có phải là “Tây” hay không, mà sao cóc hiểu thế nào là lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.
Nhưng câu hỏi tiếp theo thì mọi công dân xã hội chủ nghĩa (trước đây là 1,5 tỷ người) sẽ trả lời khác nhau. Trước một thời điểm nào đó, hầu hết mọi người đều nói: Sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản là sứ mệnh được lịch sử trao cho, không thể thoái thác. Nội dung trả lời này kết tinh thành tựu giáo dục của Đảng đối với quần chúng. Nhưng sau thời điểm đó, mọi người như bừng tỉnh, nói rằng cái cụm từ này (“lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”) chẳng qua là cách chơi chữ. Tuy nhiên, dùng nó để giải thích cai trị là gì, toàn trị là gì… cũng hay ra phết. Hai Bà Trưng khởi nghĩa chính vì dân ta không chịu nổi sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của phong kiến Trung Hoa. Nói vậy, đúng – sai thế nào?
Năm 1991 khi thấy Đảng Cộng sản Liên Xô “thoái thác sứ mệnh” (bỏ cương vị, chạy re) dân ta bắt đầu nghĩ “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” thực chất là gì… Khi đó, tôi đang ở bậc tiểu học.
Đ. T. H.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét