Ông Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc về tự
do tín ngưỡng – tại buổi họp báo quốc tế về chuyến thăm VN của mình hôm
31/7/2014. -Photo by Nguyễn Hữu Vinh
Tự do tôn giáo là “quyền”
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Heiner Bielefeldt –
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc (LHQ) về tự do tín ngưỡng – từ
21-31/7/2014, ngày 31/7/2014, ông đã tổ chức họp báo quốc tế về chuyến
thăm của mình.
Cuộc họp diễn ra với nhiều hãng báo chí quốc tế lớn như Reuter, AP,
Đức, các nhân viên Đại sứ quán các nước và báo chí, truyền hình trong
nước.
Điều đặc biệt, có lẽ đây là lần đầu tiên, các blogger, các nhà báo độc
lập và truyền thông “lề trái” cùng tham dự cuộc họp báo Quốc tế tại Hà
Nội. Tôi được mời tham dự cuộc họp báo với tư cách là một Blogger, nhà
báo độc lập vào 12h ngày 31/7/2014.
Cuộc họp quy tụ khoảng gần 100 người trong căn phòng không rộng lắm,
khi tôi đến, các nhà báo, các đài truyền hình đã đông đủ từ VTV đến các
báo lớn. Đặc biệt các hãng truyền thông quốc tế, những người mà tôi
thường gặp tại các điểm nóng về truyền thông có mặt đầy đủ.
Ông Heiner Bielefeldt đã giới thiệu tóm tắt sơ lược về những nội dung
trong bản Tuyên bố báo chí của ông về chuyến thăm. Đọc bản Tuyên bố báo
chí, người ta thấy điều gì?
“Tôn giáo là quyền, không phải ân huệ Xin – Cho”
Có lẽ, ai đã đọc bản Tuyên bố báo chí của vị Báo cáo viên đặc biệt
của Liên Hợp Quốc về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ngày 31/7/2014,
đều thấm thía câu nói của Tổng Giám mục Hà Nội trước cuộc họp của UBND
TP Hà Nội và Tòa TGMHN sáng ngày 20/9/2008: “Tôn giáo là quyền, không
phải ân huệ Xin – Cho”. Cũng chính từ lời tuyên bố này, mà TGM Hà Nội
Giuse Ngô Quang Kiệt đã trở thành nạn nhân của hệ thống cầm quyền độc ác
cũng như hệ thống truyền thông bẩn thỉu đã tiến hành chiến dịch cắt
xén, vu cáo, thóa mạ để kích động cơn lên đồng tập thể ở Việt Nam năm
2008.
Các phóng viên tại buổi họp báo quốc tế về
chuyến thăm VN của Ông Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên đặc biệt của
Liên hợp Quốc về tự do tín ngưỡng – hôm 31/7/2014. Courtesy Nguyễn Hữu
Vinh.
Bản Tuyên bố nêu rõ không chỉ những hạn chế của nhà nước Việt Nam
trong thực tế mà ngay cả về luật pháp, không chỉ về văn bản luật pháp mà
ngày cả những định nghĩa, quan niệm về tự do tôn giáo cũng được giải
thích khá cặn kẽ.
Bản tuyên bố đã nêu rất nhiều những hạn chế về quyền tự do tôn giáo
của người dân Việt Nam ngay trong các văn bản luật pháp đã ban hành.
Chẳng hạn: “Điều còn thiếu trong các quy định pháp luật của Việt Nam về
tôn giáo, trước hết là chưa nêu rõ rằng khía cạnh cá nhân trong niềm tin
và nhận thức tôn giáo, đạo đức hay triết lý của một người – thường được
gọi là “forum internum” (tâm linh, hay thế giới nội tâm) – phải được
tôn trọng vô điều kiện và không bao giờ được áp dụng bất kỳ giới hạn
chính đáng hay can thiệp nào với bất cứ lý do nào, ngay cả trong trường
hợp khủng hoảng nghiêm trọng hay tình trạng khẩn cấp”.
Như vậy, nếu nhà nước Việt Nam đọc và hiểu được rõ ràng những điều
này, hẳn sẽ không có những văn bản, những bản tin kể lể công lao rằng
nhà nước đã cấp cho bao nhiêu nhóm tôn giáo hoạt động, đã “tạo điều
kiện” cho các tín đồ tôn giáo trong các hoạt động tôn giáo, lễ hội ra
sao.
Tự do tôn giáo ở VN bị hạn chế bằng “đăng ký”
Bản Tuyên bố nêu lên một điều mà người đọc giật mình về quyền tự do
tôn giáo ở Việt Nam rằng: “Nhiều người chúng tôi tiếp xúc nhấn mạnh một
thực tế rằng các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn
chung đã được cải thiện hơn so với tình hình sau 1975”. Hẳn nhiên, khi
chứng minh về sự tiến bộ của quyền con người và tự do tôn giáo ở Việt
Nam, cán bộ nhà nước có nhiều cách so sánh. Có thể với nhà cầm quyền
hoặc một số quan chức, họ lấy làm hãnh diện về điều này. Song với những
người có cách nhìn khách quan và tỉnh táo, đây thật sự là một nỗi nhục
nhã của một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” mà sự tiến bộ hiện nay
được so sánh với điểm mốc là… gần 40 năm trước.
Thường khi bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền hoặc các quyền lợi cơ
bản của người dân về nhân quyền hoặc các quyền tự do tôn giáo, hầu hết
các báo chí và cán bộ Việt Nam đều truyền vào đầu người dân một thứ lý
luận như sau: Nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền. Khi các tổ chức
quốc tế hoặc quốc gia nào đó có yêu cầu Việt Nam thực hiện những điều
nọ, điều kia trong các văn bản Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thì hầu
như thứ lý luận rằng “như vậy là can thiệp vào nội bộ Việt Nam” được sử
dụng.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo của mình, ông Heiner Bielefeldt đã chỉ
ra một điều mà hầu như báo chí và quan chức Việt Nam ít khi nhắc đến, đó
là điều 38 trong Pháp lệnh Tôn giáo nói rằng “các quy định trong các
điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực khi có khác biệt giữa quy định của Pháp
lệnh và các điều ước quốc tế”. Hẳn nhiên là những điều quy định hiển
nhiên này đã bị lờ đi ở nhiều nơi, nhiều chỗ, thậm chí trên báo chí
chính thống nhiều khi nói ngược lại.
Điều đặc biệt rõ ràng là bản Tuyên bố đã kịch liệt lên án điều 258
của Bộ luật Hình sự Việt Nam, đó là “Cách thức quy định rộng và không rõ
ràng trong Điều 258 đã đem lại cho các cơ quan chức năng liên quan khả
năng tự ý định đoạt để ngăn người dân trong tất cả các loại hoạt động –
kể cả thái độ ngầm của họ – nếu những hoạt động này bằng cách nào đó bị
coi là mâu thuẫn với lợi ích của Nhà nước. Từ nhiều trao đổi thảo luận
tôi đã nghe, đây không phải là một vấn đề lý thuyết đơn thuần, và Điều
258 Bộ luật Hình sự đã được áp dụng thường xuyên, và được áp dụng để hạn
chế quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng và các quyền con người khác”.
Với những quy định hành chính để hạn chế quyền tự do tôn giáo của
công dân, Tuyên bố báo chí đã đề cập đến việc quy định phải “đăng ký với
chính quyền” về các hoạt động tôn giáo. Về điều này, ông nói rõ thái độ
“Ngay cả với cách diễn giải thứ hai mang tính tạo thuận lợi hơn, tôi
kinh ngạc thấy phạm vi của tự do tôn giáo vẫn còn rất hạn chế và không
rõ ràng”. Ông định nghĩa: “Việc thực thi quyền con người đối với tự do
tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng đồng với
những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công
nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do
tôn giáo hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị
thế quy chuẩn cao hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào”.
Và ông kết luận: “Như vậy, quyền của một cá nhân hay một nhóm đối với
tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ không bao giờ có thể “được tạo ra”
bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Đúng ra là ngược lại, việc đăng ký
phải là phương tiện cho quyền con người này, mà bản thân quyền ấy phải
được tôn trọng là có trước bất kỳ việc đăng ký nào. Trên cơ sở nhận thức
chung ấy, việc đăng ký phải là một đề nghị của Nhà nước, không phải một
yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý”. Và “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc
đăng ký chính thức theo quy định của Chính phủ không phải là điều kiện
bảo đảm cho quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được tôn trọng một cách
đầy đủ”.
Trong hầu hết các văn bản quy định được nhà nước Việt Nam đưa ra, các
văn bản trả lời các cá nhân, tổ chức liên quan trong nước và quốc tế về
các hoạt động tôn giáo bị hạn chế và đàn áp, nhà nước Việt Nam thường
xuyên viện dẫn việc “đăng ký” như một điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt
động tôn giáo, tín ngưỡng. Thậm chí, việc đăng ký nhiều khi bị tước đoạt
trắng trợn bằng những văn bản như “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”
của Tỉnh Sơn La mà chúng tôi đã có dịp đề cập trước đây.
Mới đây thôi, một số tân linh mục của Dòng Chúa Cứu thế đã thậm chí
không được dâng Thánh lễ Tạ ơn tại quê hương mình, chỉ vì không được nhà
nước duyệt danh sách khi thụ phong linh mục. Đó là một ví dụ nói lên
một chính sách tôn giáo ngặt nghèo về “đăng ký, xin phép” đến độ các nạn
nhân là chính các linh mục tại quê hương Tân linh mục đã tự tước bỏ
quyền tự do tôn giáo của mình.
Tại bản Tuyên bố báo chí tại Hà Nội, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã
khẳng định những văn bản, cách hành xử của Việt Nam căn cứ vào chuyện
“Đăng ký” để hạn chế quyền tự do tôn giáo là sự vi phạm các cam kết quốc
tế, các văn bản, tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Thiết nghĩ, đây cũng là một lần, để không chỉ quan chức, nhà nước và
người dân mà kể cả các tổ chức tôn giáo hiểu được “Quyền” của mình là gì
trong vấn đề tự do tôn giáo. (Còn tiếp). Hà Nội, ngày 1/8/2014 J.B Nguyễn Hữu Vinh *Nội dung bài viết không phản ành quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét