Boxitvn
Từ Quốc Hoài
Phần II
THỰC CHẤT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc. Người là linh hồn cuộc chiến đấu trường kỳ, khốc liệt và vẻ vang của dân tộc, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Được khích lệ bởi cuộc chiến tranh giải phóng hào
hùng của nhân dân Việt Nam, phong trào đấu tranh của nhân dân khắp năm
châu vì hòa bình, tiến bộ xã hội, chống ách nô dịch, thuộc địa… bùng lên
mạnh mẽ. Kết cục là sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ lẫn
kiểu mới trên phạm vi toàn thế giới. Có thể nói thế kỷ hai mươi là thế
kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tên tuổi Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng
gắn với cuộc đấu tranh đó. Ngày nay nhiều nước trên thế giới đã dựng
tượng, xây quảng trường mang tên Hồ Chí Minh để bày tỏ sự ngưỡng mộ
Người.
Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản cầm quyền đã đưa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx – Lenin vào cương lĩnh chính trị để định hướng
mọi mặt hoạt động của mình. Có điều chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam
công bố trước toàn thể đảng viên và nhân dân một cách sáng tỏ, toàn
vẹn, bản chất và cả những mặt đặc thù của tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó
cũng khó mà biết Đảng Cộng sản đã thực thi tư tưởng Hồ Chí Minh như thế
nào? Vì không được định danh một cách sáng tỏ, nên tư tưởng Hồ Chí Minh dễ bị khuất, thậm chí bị nhập làm một
với chủ nghĩa Marx – Lenin, và kết cục là cùng với chủ nghĩa Marx –
Lenin nhận lãnh hậu quả đã đẩy đất nước tới thực trạng suy thoái toàn
diện, nghiêm trọng như hiện nay.
Vậy đâu là thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh? Hơn bao giờ hết câu hỏi đó cần được làm sáng tỏ.
Cách đây gần 70 năm, vào ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ
Chí Minh lên đường làm thượng khách của Chính phủ Pháp, chèo lái con
thuyền độc lập hãy còn non trẻ của nước nhà qua gió to sóng lớn. Khi
chia tay vị Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã ký thác chân lý bất hủ: Dĩ bất biến, ứng vạn biến!
Vậy cái gì là bất biến, cái gì là vạn biến, trong lời ký thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, khát vọng của
mọi thế hệ người Việt Nam là độc lập Dân tộc. Khát vọng đó luôn phải đối
mặt với dã tâm nô dịch của các thế lực phong kiến Trung Quốc. Nền độc
lập mà dân tộc chúng ta có được luôn phải đổi bằng xương máu. Rất nhiều
xương máu! Với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, dân tộc ta đã giành
lại nền độc lập, thoát khỏi ách nô dịch của thực dân Pháp và Phát xít
Nhật. Nền độc lập ấy ngay từ buổi đầu đã phải đối mặt với những thử
thách chồng chất từ dã tâm của các thế lực muốn nô dịch dân tộc ta một
lần nữa. Cái bất biến xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm là ý chí
giành độc lập dân tộc. Mọi phương cách để giành độc lập cho Tổ quốc đều
nằm trong cái vạn biến. Quán triệt điều này hết sức quan trọng,
vì không những giúp chúng ta hiểu được những lời ký thác của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, mà còn giúp chúng ta giải mã tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cuộc dấn thân của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc được khởi sự
bằng hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia vào cuộc đấu
tranh chống sưu thuế của đồng bào miền Trung. Rồi vì cuộc dấn thân này mà Nguyễn Tất Thành bị trường Quốc học Huế đuổi học, bị chính quyền thực dân giám sát. Nhưng chính cái khởi sự
này lại rất có ý nghĩa, cho chúng ta thấy được gốc rễ của tư tưởng Hồ
Chí Minh: thương dân, đấu tranh cho quyền lợi của người dân. Nói rộng ra
là đấu tranh cho quyền của Con Người.
Độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân là cái bất biến làm nên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cuộc đời Nhà ái quốc Hồ Chí Minh từng trải vô vàn cái vạn biến, từ việc thay tên đổi họ, thay đổi nghề nghiệp, công việc, thân phận, thay đổi phương thức hành động, thậm chí để phục vụ cái bất biến, Người thay đổi cả sự lựa chọn các chủ thuyết, đảng phái chính trị… Trong vô số cái vạn biến ấy, có những sự kiện quan trọng, những cột mốc đánh dấu hành trình của nhà yêu nước, nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Một số sự kiện chính.
1. Hồ Chí Minh và Chủ thuyết duy tân của Phan Châu Trinh
Chủ thuyết duy tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh với nội dung: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh…
có ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống chính trị của Việt Nam vào những
năm đầu thế kỷ 20. Phong trào đấu tranh chống sưu thuế của đồng bào miền
Trung (3-5/1908) nổ ra dữ dội, bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp
thẳng tay, Phan Châu Trinh bị coi là người chủ xướng, bị kết án tử hình,
sau nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, được xóa tội tử hình, đày ra Côn
Đảo, rồi hưởng ân xá. Ông được chính quyền thực dân đưa sang Pháp năm
1911 trong nhóm dạy chữ Hán ở Pháp, được hưởng một khoản phụ phí để sống, coi như một cách phát vãng. Mặc dù vậy Phong trào duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng vẫn tiếp tục ảnh trong đời sống đất nước.
Tháng 5/1908, sau khi bị trường Quốc học Huế đuổi học vì tham gia phong trào chống sưu thuế, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Sinh Côn)
trở lại quê nhà, dành thời gian suy nghĩ về tương lai. Một năm sau anh
trở lại Huế, cùng với thân phụ và anh trai vào Bình Định, nhân việc cụ
Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được cử làm giám khảo cuộc thi hương tại đây,
sau đó không lâu, cụ nhận chức tri huyện Bình Khê. Cũng tại Bình Định,
anh được thân phụ gửi gắm cho nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ
Phạm Ngọc Thạch) tiếp tục học thêm tiếng Pháp trong khoảng hơn một năm,
chuẩn bị thực hiện ý định xuất dương sang Pháp.
Tháng 8 năm 1910, với sự giúp đỡ của Trương Gia Mô
(một đồng chí của Phan Châu Trinh) Nguyễn Tất Thành rời Bình Định vào
Phan Thiết, dạy ở trường Dục Thanh, thực chất là tiếp tục chuẩn bị hành
trang cho việc xuất dương sang Pháp, tiếp tục theo đường lối duy tân của
Phan Châu Trinh. Tại trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành được Hồ Tá Bang
và Trần Lệ Chất (thành viên trong Ban quản trị của nhà trường) giúp đỡ,
làm giấy thông hành với tên mới là Văn Ba để tiện cho việc xuất dương,
vì chính quyền thực dân Pháp đang theo dõi, giám sát Nguyễn Sinh Côn
(Nguyễn Tất Thành).
Tháng 2/1911 Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh với giấy thông hành mang tên Văn Ba,
tiếp tục đi vào Sài Gòn. Cũng thời gian này, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh
Sắc, sau khi bị triều đình bãi chức, cũng từ Huế vào Đà Nẵng, xuống tàu
đi Sài Gòn để gặp con trai trước khi xuất dương. Nguyễn Tất Thành gặp
lại thân phụ tại Sài Gòn, hoàn tất công việc chuẩn bị xuất dương với sự
hỗ trợ của các tổ chức trong phong trào Duy Tân.
Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Văn Ba) rời
Việt Nam đi Pháp trong vai phụ bếp trên con tàu viễn dương Amirale de
Latouche-Tréville. Ngày 6/7/1911 tàu Amirale de Latouche-Tréville cập
bến Marseille. Ngày 15/9/1011 Nguyễn Tất Thành gửi đơn (bằng tiếng Pháp)
cho Tổng thống Pháp xin vào học trường Thuộc địa của Pháp. Trong đơn
Nguyễn Tất Thành cho rằng việc được nhận vào học “sẽ có ích cho nước Pháp và đối với đồng bào tôi, có thể giúp họ hưởng những ân huệ của giáo dục”. Trường Thuộc địa Pháp bác đơn của Nguyễn Tất Thành vì gửi không đúng tuyến. Theo qui định của trường Thuộc địa, học sinh của trường phải được xét tuyển nghiêm ngặt
tại Việt Nam và được đích thân Toàn quyền Đông Dương chuẩn thuận. Việc
trường Thuộc địa bác đơn không làm Nguyễn Tất Thành nản lòng. Theo các
tài liệu lưu trữ, thì tháng 10 năm 1911 Nguyễn Tất Thành đã trở lại Sài
Gòn với mục đích trực tiếp gửi đơn xin vào học trường Thuộc địa cho Toàn
quyền Đông Dương. Cả lần này nữa, đơn của Nguyễn Tất Thành bị Toàn
quyền Đông Dương bác, vì nhân thân dính líu vào cuộc đấu tranh của đồng bào miền Trung chống sưu thuế, bị đuổi học.
Căn cứ vào lý do lá đơn của Nguyễn Tất Thành xin học
trường Thuộc địa bị thực dân Pháp bác bỏ vì anh đã cùng với nhân dân đấu
tranh chống sưu thuế, thì có thể hiểu nội dung được anh thể hiện trong
đơn “đối với đồng bào tôi, có thể giúp họ hưởng những ân huệ của giáo dục” là những lời tâm huyết.
Bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản và những người chống cộng nhìn nhận sự kiện này rất khác nhau. Đảng Cộng sản hầu như bỏ qua
sự kiện quan trọng này, có lẽ cho rằng Hồ Chí Minh là lãnh tụ Đảng Cộng
sản, việc xin vào học trường Thuộc địa sẽ hạ thấp uy tín của vị lãnh
tụ. Những người chống cộng thì cho rằng vì không được nhận vào học
trường Thuộc địa để ra làm quan, nên Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành) mới
đi làm cách mạng. Nhưng nếu có cái nhìn xuyên suốt từ sự kiện khởi đầu,
người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngay khi còn là học sinh trường Quốc
học, đã hăng hái tham gia phong trào chống sưu thuế của nhân dân miền
Trung, một phong trào đấu tranh quyết liệt, rộng lớn, bị đàn áp tàn bạo,
bản thân Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và sau đó là cuộc dấn thân trọn
đời cho nền độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc nhân dân, thì mới hiểu việc
xin vào học trường Thuộc địa cũng chỉ là một cách sử dụng bộ máy chính
quyền của thực dân Pháp để mong mang lại lợi ích cho dân. Nó nằm trong
cái mà Hồ Chí Minh gọi là vạn biến.
Việc xuất dương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành hoàn toàn nằm trong lộ trình
của phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh cổ xúy. Sau khi cả hai lá đơn
gửi Tổng thống Pháp và Toàn quyền Đông Dương xin vào học trường Thuộc
địa bị bác, Nguyễn Tất Thành tiếp tục dấn thân vào thế giới rộng lớn với
mục đích tìm đường. Thời kỳ 1911-1913, nước Mỹ còn lưu dấu vết
của một người Việt Nam có tên gọi Văn Ba. Đó là chiếc bàn được Văn Ba
dùng làm bánh tại khách sạn sang trọng Omni Parker House, nơi từng dừng
chân của các nhân vật nổi tiếng từ Tổng thống đến văn sĩ, nghị sĩ… Chiếc
bàn làm bánh của người thợ Văn Ba giờ đã trở thành một bảo vật
của khách sạn Omni Parker House. Văn Ba cũng để lại tên trong cuốn sổ
lưu niệm đặt tại tượng Thần Tự do. Người thanh niên mới hai mươi hai
tuổi, bằng trải nghiệm và khát khao công lý của mình, đã để lại những
dòng lưu bút làm hậu thế phải kinh ngạc: “Ánh sáng trên đầu
Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Thần thì người da đen
bị chà đạp. Bao giờ thì người da đen mới hết bị chà đạp? Bao giờ thì
người da đen và người phụ nữ mới có bình đẳng? Bao giờ mới có sự bình
đẳng giữa các dân tộc?”. Nước Anh những năm 1914-1917 lưu lại
dấu vết của Nguyễn Tất Thành trong hình ảnh một bồi bàn tại khách sạn
Carlton, thủ đô London cùng những câu chuyện cảm động giữa Nguyễn Tất
Thành và vua bếp Escoffier… Ở khách sạn Omni Parker House cũng như khách
sạn Carlton, Nguyễn Tất Thành vừa làm công, vừa học tiếng Anh, vừa tìm
hiểu đời sống chính trị, xã hội. Dường như bất cứ nơi nào người thanh
niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân đến, dù trong thân phận một
người dân mất nước, một người làm thuê, anh đều để lại những dấu ấn bộc
lộ phẩm chất cao đẹp của bậc vĩ nhân trong tương lai.
2. Tham gia Quốc tế Cộng sản
Năm 1917 Nguyễn Tất Thành trở lại thủ đô nước Pháp,
trung tâm quyền lực sản sinh ra bộ máy cai trị thuộc địa. Tại đây anh
bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị và trở thành đảng viên Đảng Xã
hội Pháp, dưới cái tên mới: Nguyễn Ái Quốc. Cho đến thời điểm này, đường
hướng của phong trào Duy tân do nhà yêu nước Phan Chu Trinh chủ xướng
vẫn còn chi phối hoạt động của Nguyễn Ái Quốc: sử dụng các diễn đàn công
khai để đề đạt nguyện vọng thực thi dân chủ, cải thiện dân sinh, chấn hưng đất nước.
Nguyện vọng đó tỏ ra quá xa vời đối với một xứ thuộc địa đang bị đặt
dưới ách nô dịch của chế độ thực dân. Các đảng viên Đảng Xã hội Pháp
cũng làm Nguyễn Ái Quốc thất vọng, vì hầu như số phận của các thuộc địa
bị họ bỏ rơi. Thực tế này thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc đi tới quyết định chia tay với Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920, và phái Villa des Gobelins của Phan Châu Trinh vào tháng 7/1921.
Sau khi rời bỏ Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc bộc lộ tư tưởng của mình: Đứng vào hàng ngủ cộng sản vì Quốc tế Cộng sản ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa. Tên
tuổi của Nguyễn Ái Quốc cùng với phong trào đấu tranh giải phóng thuộc
địa có sức lan tỏa. Trước ảnh hưởng ngày một to lớn của Nguyễn Ái Quốc,
viên mật thám Pháp Arnoux thốt lên: Con người thanh niên mảnh khảnh
và đầy sức sống này có thể là người đặt chữ thập cáo chung lên nền thống
trị của chúng ta ở Đông Dương. Tiên đoán của viên mật thám
Arnoux đã đúng. Hơn hai mươi năm sau, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh
(Nguyễn Ái Quốc) nhân dân Việt Nam đã vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa
19/8/1945, giành độc lập cho đất nước, chấm dứt sự đô hộ của Phát xít
Nhật lẫn Thực dân Pháp.
3. Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ của Hồ Chí Minh
Ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 2/9/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đọc Tuyên ngôn độc lập, khai
sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập mở
đầu bằng những nguyên tắc căn bản để xây dựng một xã hội dân chủ, đó là
những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi
người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không
ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền
tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước nhà cũng bày tỏ sự trân trọng tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái… trong Tuyên ngôn Nhân quyền của cuộc cách mạng Pháp 1791. Đồng hành với Bản Tuyên ngôn độc lập là một Chính phủ Đoàn kết dân tộc:
Từ ông vua vừa thoái vị, những bậc đại thần yêu nước, đến những nhà
cách mạng từng vào tù ra tội… đều có chỗ đứng trong Chính phủ Hồ Chí
Minh. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ 1946, một bộ luật gốc của quốc gia, khẳng định nền độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân là tối thượng, và đề ra những phương sách để thực hiện mục tiêu cao đẹp ấy. Đó là một hệ thống kiểm soát quyền lực bao gồm các đảng phái, quyền tự do báo chí, ngôn luận, quyền lập các hội đoàn… để đảm cho một xã hội dân chủ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng cách hành xử của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1946 chỉ là thủ đoạn chính trị của một lãnh tụ cộng sản lão luyện.
Vậy đâu là bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh?
Nếu không lý giải một cách cặn kẽ, minh bạch điều này
thì mãi mãi chúng ta không hiểu Hồ Chí Minh. Nhìn nhận một cách thật
khách quan, chúng ta phải thừa nhận, Hồ Chí Minh trong cả cuộc đời, không
tự đề xuất ra những tư tưởng mang dấu ấn đặc biệt hoặc riêng biệt của
mình như Khổng Tử, Tôn Tử, Adam Smith, K. Marx, Lenin… mà chọn lọc những
tinh hoa trong kho báu những giá trị tinh thần của đất nước và nhân
loại để làm hành trang cho mình. Độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho mọi người dân là nền tảng, là hạt nhân làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng Hồ Chí Minh không phải là nhà trước tác,
mà là một chiến sĩ cách mạng, một người hành động, tư tưởng được thể
hiện bằng hành động. Từng có thời gian dài, Đảng cầm quyền chỉ nhìn nhận
tác phong Hồ Chí Minh trong mệnh đề mang tính cương lĩnh: Chủ
nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông và tác phong Hồ Chí Minh.
Sau khi cả Hồ Chí Minh lẫn Mao Trạch Đông qua đời, Đảng Cộng sản mới đề
cập tới tư tưởng Hồ Chí Minh. Và việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh
khá cứng nhắc, thiếu sự khách quan, để cái bóng chủ nghĩa Marx – Lenin
trùm lên tư tưởng Hồ Chí Minh, vô hình trung triệt tiêu sức sống của tư
tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh có
cùng xuất phát điểm là đấu tranh tạo dựng một xã hội hạnh phúc của con
người. Nhưng cách thức tạo dựng xã hội đó giữa Marx – Lenin và Hồ Chí
Minh có sự khác biệt. Marx – Lenin kêu gọi vô sản toàn thế giới liên
hiệp lại, lật đổ chế độ tư bản, lập nên chính quyền chuyên chính vô sản.
Minh chứng cho luận thuyết đó là việc thành lập Liên bang Xô Viết dưới
sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Liên Xô. Những cuộc
thanh trừng tàn bạo và nạn tham nhũng hoành hành do chế độ Đảng độc quyền đã dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào 1991 như chúng ta đã biết.
Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) tôn trọng sự độc lập của
các quốc gia Việt Nam, Lào, Camphuchia, không nhất trí quan điểm của
Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đã quyết
định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, với Cương lĩnh:
đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, làm cách mạng tư sản dân quyền
và cách mạng ruộng đất…với lực lượng chính là công nông binh, liên kết
với tầng lớp địa chủ và tư sản yêu nước. Tháng 10 năm 1930, Quốc tế
Cộng sản buộc những nhà cách mạng Việt Nam đổi tên Đảng Cộng sản Việt
Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc bị phê phán nghiêm
khắc vì những quan điểm bị Quốc tế cộng sản cho là vô nguyên tắc. Mười
lăm năm sau, trong cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam độc
lập, ngày 11/11/1945 Hồ Chí Minh một lần nữa bày tỏ sự tôn trọng quyền
tự quyết của các dân tộc, tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1946, tại kỳ họp Quốc hội lần thư nhất, khi một
vị đại biểu đặt câu hỏi Chủ tịch nước thuộc Đảng nào, Hồ Chí Minh đã trả
lời: Đảng của tôi là Đảng Việt Nam! Hồi ức của ông Hoàng Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi lại ý kiến của Hồ Chí Minh: “Đảng do giai cấp công nhân lãnh đạo là Đảng theo thời cuộc, chiều lòng người. Đảng lãnh đạo đất nước phải là Đảng Dân tộc”.
Ngược thời gian gần một thế kỷ về trước, năm 1924 Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đã bộc lộ những suy nghĩ mang tính đột phá của mình trong Bản Báo cáo tình hình Trung bộ, Nam bộ, Bắc bộ. Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) cho rằng “Marx
đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử
châu Âu. Mà châu Âu chưa phải là toàn thế giới. Vì vậy phải xem xét lại
cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học Phương Đông”. Cũng trong văn bản quan trọng này Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”.
Rõ ràng Hồ Chí Minh không coi chủ nghĩa Marx là chân lý tuyệt đối.
Các học thuyết chính trị không phải là một thứ sấm
truyền, huyền bí. Nó là kết quả của sự tổng kết, suy nghiệm của con
người, trong một bối cảnh xã hội nhất định, vào những thời gian cụ thể.
Thế giới rộng lớn với vô vàn sự khác biệt về hoàn cảnh theo dòng chảy
của lịch sử. Chân lý của đời sống cũng sẽ thay đổi theo sự biến chuyển
không ngừng của chính đời sống. Khởi thủy, chủ nghĩa Marx – Lenin đã đưa
ra những chân lý, những hình mẫu xã hội tốt đẹp, hào quang của nó xua
tan bóng tối mà chế độ tư bản đầy rẫy bất công tạo ra. Việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản đầy rẫy bất công
vào thời điểm đó là nguyện vọng của hàng triệu người lao động. Cuộc
cách mạng Nga năm 1917 lật đổ chế độ tư bản lẫn quân chủ, lập nên chính
quyền chuyên chính vô sản, quốc hữu hóa nền kinh tế, nhằm đưa Liên bang
Xô Viết tới miền đất hứa: xã hội cộng sản chủ nghĩa mà bước khởi đầu là
xã hội chủ nghĩa.
Nhưng cũng chính giai đoạn đặc biệt này những lỗi hệ thống, hay còn gọi là mặt trái của chủ nghĩa Marx– Lênin mới lộ diện, đó là sự bất ổn của cơ chế độc quyền và bản thể tư hữu hầu như không thể biến cải của các đày tớ lớn nhỏ trong bộ máy công quyền. Sai lầm lớn nhất của chủ thuyết Marx – Lenin là nó bãi bỏ cơ chế kiểm soát quyền lực.
Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) tận mắt chứng kiến những biến động đau
lòng của xã hội Xô Viết những năm 1935-1938: cuộc chiến tàn khốc giành
quyền lực được che đậy bằng cái nhãn bảo vệ ý thức hệ Marx – Lenin. Gần
một triệu người bị giết, nhiều triệu người bị cầm tù. Bản thân Hồ Chí
Minh (Nguyễn Ái Quốc) cũng bị Quốc tế Cộng sản phê phán nặng nề vì những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc,
chưa triệt để lập trường cộng sản. Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng
sản Đông Dương gửi văn thư 20/4/1935 yêu cầu Quốc tế Cộng sản xem xét
về những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động cách mạng liên quan tới phẩm chất chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Một Ban thẩm tra
của Quốc tế Cộng sản đã được thành lập để xem xét, giải quyết. Sau sự
kiện này Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) phải chịu thử thách hai năm, không
được giao bất cứ nhiệm vụ nào của Quốc tế Cộng sản, chỉ là sinh viên
Trường Đại học Quốc tế Lênin. Thậm chí tại Đại hội Quốc tế Cộng sản VII
-1935, trong khi Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính
thức, thì Hồ Chí Minh chỉ được tham gia phục vụ Đại hội. Những năm
1937-1938 Hồ Chí Minh là Nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề
dân tộc và thuộc địa. Ngày 29/9/1938, Hồ Chí Minh rời Viện sau khi hoàn
thành chương trình nghiên cứu. Đầu tháng 10/1938 Hồ Chí Minh đáp tàu lửa
rời nước Nga sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc về Việt Nam. Ngày
28/1/1941 sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đặt chân lên
đất mẹ Việt Nam.
Bốn năm sau, trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam
độc lập, Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh của một nhà cách mạng, một nhà
ái quốc lỗi lạc như chúng ta đã biết.
TÓM TẮT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Độc lập cho dân tộc
- Hạnh phúc cho mọi người dân
Để giành độc lập cho Dân tộc: Hồ Chí Minh đánh giá lực lượng là then chốt, hàng đầu, thậm chí tùy hoàn cảnh có thể đặt cao hơn các chủ thuyết, nếu sự thay đổi này tạo ra lực lượng lớn hơn. Đối với trong nước Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới sức mạnh dân tộc. Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ đoàn kết dân tộc 1945 – 1946, Hiến pháp dân chủ 1946… là minh chứng. Đối với thế giới, tùy theo từng hoàn cảnh, Hồ Chí Minh tận dụng mọi lực lượng có thể.
Minh chứng:
- Năm 1919 Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) gia nhập Đảng Xã hội Pháp, muốn qua tiếng nói của Đảng Xã hội Pháp đấu tranh cho nền độc lập của đất nước.
- 1920 Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) tiếp nhận
Luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa, từ bỏ Đảng Xã hội Pháp, gia
nhập Đảng Cộng sản Pháp với tư cách sáng lập viên. Trả lời Charles Fenn,
một điệp viên Mỹ, Hồ Chí Minh cho rằng “Chủ nghĩa cộng sản là phương
tiện để đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc”.
- 1945 Hồ Chí Minh tuyên đọc trước quốc dân và thế giới Bản Tuyên ngôn Độc lập
lấy tinh thần Dân chủ, Bình đẳng, Tự do, Bác ái từ Tuyên ngôn Độc lập
của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp 1791. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập dài hơn 1000 chữ, không một chữ nào nhắc tới Chủ nghĩa Cộng sản. Cuối năm 1945, Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Hồ Chí Minh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946 để tranh thủ có thời gian chuẩn bị kháng chiến vì biết rõ dã tâm của Thực dân Pháp. (Tháng
2/1946 Tưởng Giới Thạch đã ký với Pháp thỏa thuận Trùng Khánh, đồng ý
cho quân Pháp giải giáp quân Nhật ở miền Bắc, đổi lại Pháp sẽ trao trả
cho Tưởng một số nhượng địa thuộc Pháp tại Trung Quốc. Với sự thỏa thuận
này, quân Pháp sẽ nghiễm nhiên tràn ra miền Bắc, trực tiếp uy hiếp
chính quyền non trẻ của ta).
Với hai văn bản ký với Pháp, cách mạng Việt Nam có khoảng 6 tháng để chuẩn bị kháng chiến. Hồ Chí Minh nhìn nhận thời gian vào lúc này là vô cùng quí báu. Thời gian cũng chính là lực lượng.
- 1945-1946 Hồ Chí Minh đã gửi tất cả 8 bức thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, đề nghị Mỹ dùng vị thế quan trọng của
mình ngăn chặn ý đồ xâm lược của Pháp đối với Việt Nam. Trong bức thư
ngày 12/6/1946 Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn Việt Nam được “Độc lập
hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết mình để làm
cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Rất tiếc mong muốn chân thành này đã không được hồi đáp vì Mỹ là đồng
minh đang muốn thay chân Pháp và trong ý thức Truman vẫn xem Hồ Chí Minh
là cộng sản, ý muốn hợp tác toàn diện với Mỹ chỉ là sách lược. Cuộc
chiến tranh tàn khốc của Pháp và của Mỹ đều thảm bại vì cả Pháp lẫn Mỹ
không đánh giá đúng yếu tố chủ nghĩa dân tộc của cách mạng Việt Nam.
- 2/1950 Hồ Chí Minh sang Liên Xô gặp Stalin tìm kiếm sự ủng hộ của phe cộng sản để tăng cường lực lượng
đánh Pháp. Cùng dự cuộc gặp có Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Cho đến
thời điểm này Liên Xô vẫn chưa công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa vì nghi ngờ chất cộng sản của Hồ Chí Minh. Stalin buộc phải chấp thuận việc công nhận Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và viện trợ vũ khí.
- 3/1951, Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đảng Lao Động Việt Nam để củng cố lòng tin của phe cộng sản. Phát biểu trước đại hội, Hồ Chí Minh cam kết: Đảng Lao Động Việt Nam đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Mục tiêu của Đảng là: Độc lập, Thống nhất, Dân chủ, Phú cường. Đảng Lao động Việt Nam nhìn nhận sự tồn tại của các đảng phái (Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội) để cùng phụng sự Tổ quốc.
- Ngày 17/7/1966 Hồ Chí Minh đọc lời hiệu triệu chống Mỹ, trong đó có câu nói nổi tiếng “Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do”. Bộ Chính trị có ý kiến không đồng tình, cho rằng phải thêm mệnh đề “và chủ nghĩa xã hội” để câu nói trên thêm mạnh mẽ. Thế là trên các bức tường của Hà Nội xuất hiện câu khẩu hiệu “Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội” – Hồ Chí Minh.
Sau khi biết sự việc, Hồ Chí Minh chất vấn Bộ Chính trị: “Chúng ta nêu
“không có gì quí hơn Độc lập, Tự do” thì cả thế giới ủng hộ Việt Nam
đánh Mỹ. Nếu thêm “chủ nghĩa Xã hội” vào thì một nửa thế giới sẽ không
ủng hộ. Các đồng chí nghĩ sao?”. Bộ Chính trị ngay sau đó đã cho viết
lại câu khẩu hiệu đúng như lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh có lý khi đặt lực lượng lên trên chủ thuyết, dù cho đó là chủ thuyết Marx – Lenin.
Để chấn hưng đất nước: Hồ Chí Minh đặt biệt quan tâm tới cơ chế kiểm soát quyền lực. Bên cạnh Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Chính phủ Đoàn kết dân tộc, Hiến pháp dân chủ 1946 chứa đựng những thiết chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền làm chủ của người dân.
Điều 10, Chương II, của Hiến pháp 1946 cam kết bảo đảm các quyền căn bản của người dân. Đó là các quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Trong quyền tự do ngôn luận có thể hiểu bao gồm tự do báo chí, phản biện, biểu tình… Trong quyền tự do tổ chức và hội họp có thể hiểu quyền tổ chức các Hội, Đoàn, các đảng phái…
Bộ ba cẩm nang: Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ đoàn kết dân tộc và Hiến pháp dân chủ 1946… là ba thực thể mang tính liên kết như kiềng ba chân, tạo ra nền tảng cho một xã hội dân chủ, thể hiện những mặt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đấy là tinh hoa của nền văn minh nhân loại được Hồ Chí Minh lựa chọn, tinh lọc.
Hồ Chí Minh không phải là nhà trước tác, viết
ra các chủ thuyết, nên muốn nhận ra thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh cần
có cái nhìn xuyên suốt, tinh lọc, xâu chuỗi những sự kiện mang tính nhất
quán, điển hình trong cuộc đời nhà ái quốc, chiến sĩ cách mạng kiên
cường Hố Chí Minh. Trong những thời điểm nhất định, Hồ Chí Minh nói và
làm những việc mình tâm huyết (như những giải pháp chính trị được Hồ Chí
Minh thực hiện 1945-1946 khi nước ta vừa giành được Độc lập). Nhưng
cũng có khi Hồ Chí Minh phải nói và làm những việc do hoàn cảnh lịch sử
bắt buộc (như việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam năm 1951). Nhưng dù
tâm huyết hay bắt buộc thì cũng đều phục vụ cho mục tiêu bất biến là Độc lập Dân tộc, Dân chủ, Tự do, Hạnh phúc cho nhân dân.
Một số điểm lưu ý về Tư tưởng Hồ Chí Minh
1. Bối cảnh: Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành
và tồn tại trong bối cảnh lịch sử phức tạp và khốc liệt. Vừa phải toàn
tâm, bền chí bảo vệ quan điểm của mình lại nhiều khi phải diễn để sống sót. Thực tâm và Diễn trong
một thế giới phức tạp và khốc liệt không phải lúc nào cũng phân minh.
Cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ nhận chân được một cách toàn vẹn
vào những thời điểm mang tính điển hình, những cột mốc của lịch sử dân
tộc. Nếu chỉ nhặt sự việc này sự việc nọ một cách ngẫu nhiên rồi kết
luận đấy là bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh thì rất dễ lệch lạc. Có thể
nói Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay đã vô tình hoặc cố ý làm sai lạc tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Hồ Chí Minh và Đảng: Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ và là nạn nhân.
Trong nhiều thời điểm khắc nghiệt của lịch sử, Hồ Chí Minh là nạn nhân của nguyên tắc Đảng.
Hồ Chí Minh trong bản chất theo Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ
nhưng do bối cảnh lịch sử, lại khoác chiếc áo Cộng sản. Quốc tế Cộng
sản nhận ra điều này, không tin vào bản chất Cộng sản của Hồ Chí Minh.
Ngược lại không ít người, nhất là các thế lực tư sản coi Hồ Chí Minh bản
chất là Cộng sản, các biểu hiện Dân chủ, Dân tộc chủ nghĩa chỉ là Diễn.
3. Hành động để thể hiện tư tưởng: Hồ Chí Minh là con người hành động, dùng hành động thực tế để bộc lộ tư tưởng. Nếu chỉ dừng lại ở việc phát biểu chân lý mà không hành động là tước đi sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh. Chẳng hạn khẩu hiệu: Nhà nước là của dân, do dân, vì dân hiện diện khắp nơi nhưng chỉ nói mà không có cơ chế thực hiện, trở thành câu chữ sáo rỗng, làm cho dân ngày thêm mất lòng tin.
4. Nhạy bén với thời cuộc: Hồ Chí Minh luôn nắm bắt thời cuộc một cách nhạy bén, kịp thời có đối sách thích hợp.
5. Sống thanh bạch dung dị: Đây là nét đặc sắc, hoàn thiện vẽ đẹp và sức sống, sức lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phần III
GIẢI PHÁP ĐỂ GIỮ ĐỘC LẬP VÀ CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC
Hai vấn đề bức bách đang đặt ra đối với nước ta: Làm thất bại tham vọng bành trướng của Trung Quốc để giữ Độc lập và Chấn hưng Đất Nước.
Nhưng vượt qua hiểm họa để giữ độc lập và chấn hưng đất nước bằng cách nào?
GIẢI PHÁP
Bước Một
Muốn vượt qua những hiểm họa đang làm chao đảo Đất
Nước, cần có những bước để làm thay đổi hình ảnh, vóc dáng Dân tộc, làm
nền tảng cho một nước Việt Nam Độc lập, Dân chủ, Thịnh vượng.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng đang cầm
quyền, theo Chủ nghĩa Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi
giành được chính quyền, Chủ nghĩa Marx – Lenin với cơ chế độc quyền đã bộc lộ mặt trái, phát tác độc hại
như mọi người đều biết. Những nhà lãnh đạo Đảng cần thức tỉnh, sớm có
quyết định can đảm, từ bỏ những quyền lợi không chính đáng, rời bỏ chủ nghĩa Marx – Lenin, để đi với tư tưởng Hồ Chí Minh (thực
chất là Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ đã được thể hiện trong Tuyên ngôn
Độc lập, Chính phủ đoàn kết Dân tộc và Hiến pháp Dân chủ 1946), đổi tên từ Đảng Cộng sản thành Đảng Dân tộc Việt Nam
(trước đây từng nhiều lần đổi tên Đảng). Cùng với việc đổi tên Đảng là
trở lại Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam trong gần 40 năm tồn tại bộc lộ những mảng tối, thậm chí là tai họa
cho Đất Nước. Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không tin cho
đến cuối thế kỷ 21, chủ nghĩa xã hội sẽ có một tương lai tốt đẹp).
Để tạo sự nhất trí trong toàn Đảng, sự kiện quan
trọng này cần được đưa ra thảo luận dân chủ, nghiêm túc tại các chi bộ
Đảng, biểu quyết và lập biên bản về số lượng đảng viên tán thành và không tán thành, báo cáo cấp trên để lấy con số tổng hợp trong toàn Đảng.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, đa số tán thành việc đổi tên Đảng, thì họp Đại hội chính thức đổi tên Đảng cùng với cương lĩnh mới là hoàn thành việc thay đổi thể chế từ độc quyền sang dân chủ
một cách êm thấm. Những người có vai trò lớn trong cuộc chuyển đổi này
sẽ được ghi công tích, nếu có tì vết trong quá khứ sẽ được lượng thứ, bỏ
qua.
2. Nếu số đảng viên tán thành việc đổi tên Đảng không đủ quá bán, thì theo Điều lệ, số đảng viên này vẫn có quyền tổ chức Đại hội, đổi tên Đảng thành Đảng Dân tộc Việt Nam với cương lĩnh mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ).
Lịch sử các chính đảng đã từng có những cuộc chia
tách như vậy: Đảng Xã hội Pháp chia tách thành Đảng Cộng sản Pháp và
Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Ấn Độ chia tách thành Đảng Cộng sản
Marxit và Đảng Cộng sản Ấn Độ, Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga chia
tách thành Đảng Bônsêvích và Phái Mensêvích Nga…
3. Trong trường hợp Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản
hiện nay vì toan tính tư lợi không tổ chức trưng cầu ý kiến của đảng
viên, thì các đảng viên và mọi người Việt Nam quan tâm tới vận mệnh của
Đất Nước vẫn có quyền thành lập Ban vận động để hình thành một chính Đảng theo Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ
mà Hồ Chí Minh đã đặt nền móng. Vì nhiều lý do, hoàn cảnh chính trị
khác nhau, có người chưa thật hiểu, thậm chí có thái độ khác nhau đối
với cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng nếu thật bình tâm, khách
quan, vì vận mệnh thiêng liêng của Dân tộc, thì sự lựa chọn của Hồ Chí
Minh được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ đoàn kết dân tộc, Hiến pháp Dân chủ 1946…
là giải pháp tối ưu, đặt nền móng cho một nước Việt Nam thật sự Dân
chủ, hội tụ được sức mạnh Dân tộc, và sự ủng hộ của các quốc gia đang
liên kết, quyết liệt chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Bước Hai
1. Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới với sự tham gia của các chính Đảng (chí ít là có hai: Đảng Dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu thuận lợi thì có thêm Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội) và các ứng viên tự do…
2. Quốc hội mới sẽ quyết định chính thức đổi tên
nước, trở lại Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập Chính phủ mới và soạn
thảo Bản Hiến pháp Dân chủ (lấy Hiến pháp năm 1946 làm căn bản, bổ sung một số điều luật cập nhật tình hình hiện tại).
3. Nhân dân với quyền tối thượng của mình phúc quyết Bản Hiến pháp Dân chủ,
cam kết thừa nhận người dân có quyền bình đẳng được sống, quyền tự do,
quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong quyền Tự do có quyền Tự do báo chí, ngôn
luận, quyền Tự do tổ chức Hội đoàn, Đảng phái, quyền Tự do tín ngưỡng,
tôn giáo cùng với cơ chế Tam quyền phân lập, trên nguyên tắc tôn trọng
nền độc lập, hòa giải dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong hiểm họa, Dân tộc ta lại có cơ hội thoát
khỏi sự trói buộc của một chủ thuyết đã mất hết sức sống, đang phát tác
độc hại… để hướng tới một xã hội Dân chủ thật sự, giàu sức sống mà các quốc gia văn minh đã và đang áp dụng thành công.
Chủ nghĩa Dân tộc – Dân chủ phát huy sức sống vĩ đại của
cả Dân tộc, mang lại hình ảnh và tầm vóc mới của Đất Nước, sẽ tạo nên
sức mạnh vô địch chiến thắng giặc bành trướng Trung Quốc và chấn hưng
Đất Nước.
T. Q. H.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét