Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Có một xóm trải chiếu ngủ hành lang cầu thang giữa Sài Gòn

http://infonet.vn/co-mot-xom-trai-chieu-ngu-hanh-lang-cau-thang-giua-sai-gon-post145319.info

Infonet

Nơi ngủ của các chị đủ để một người nằm không hơn không kém. Những ai có tiền thuê được phòng trọ cũ trong chung cư, số còn lại chỉ trải chiếu nằm hành lang cầu thang.

Phút nghỉ trưa của các chị xóm ve chai quận 5.

Trong các chung cư Hòa Hảo, Sư Vạn Hạnh (Quận 5, TPHCM) có rất nhiều người phụ nữ buôn ve chai mưu sinh. Mỗi sáng họ lại đẩy chiếc xe ba gác đến từng con phố, ngõ hẻm để thu mua từng món đồ bỏ đi. Đêm về, họ chọn hành lang cầu thang chung cư để ngả lưng sau một ngày lao động mệt nhọc.
Vất vả mưu sinh


Cứ 5 giờ sáng, hàng chục phụ nữ lại “lên đường” cùng với xe đạp, xe ba gác. Tiếng leng keng bắt đầu, hòa chung với những âm thanh hỗn tạp của Sài Gòn. Những chị em này đa phần đến từ hai tỉnh Phú Yên và Bình Định.
Riêng với chị Nguyễn Ánh Bích (28 tuổi, H. Tuy An, Phú Yên), nghề ve chai đã nuôi chị sống hơn 7 năm nay. Không những vậy, một thân chị còn phải lo cho cả 4 miệng ăn trong gia đình. Từ ngày người chồng của chị mắc bệnh liệt nửa người, cũng là ngày chị vào Sài Gòn mưu sinh. Chị Bích kể: “Khi vào Sài Gòn tôi dự định đi bán vé số. Nhưng không lanh miệng đặng mời khách, nên đành tìm công việc khác. Hồi còn ở dưới quê hay làm ruộng có thể chịu cực, chịu nắng được. Và rồi, được một số bà con đồng hương giúp đỡ mua cho chiếc xe ba gác, thế là tôi theo nghề ve chai từ đó”.
Theo chia sẻ của chị Bích, nghề ve chai chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi vì mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số mới có “ăn”. Những ngày đầu hành nghề chị Bích thường bị tắt tiếng, vì rao quá nhiều. “Nhưng không rao to thì ai mà nghe thấy, biết mình muốn mua ve chai! Nhà ở Sài Gòn người ta xây kín lắm, ít nghe tiếng động ngoài đường”, chị Bích nói.
Dạo quanh các đường phố từ quận Gò Vấp sang quận 6, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bóng dáng các chị đến từ xóm ve chai. Hễ cứ gặp thùng rác nào các chị lại ghé vào, dùng móc bới lật tìm chai nước, ly nựa, bọc nilon để bán kiếm thêm thu nhập.

Phân loại ve chai trước khi mang đi bán.
Mót gần một tuần từ các thùng rác chỉ được chừng 4-5 kilôgam chai nhựa, bọc nilon, bán ra chưa đến 20 ngàn đồng. Thế nhưng các chị vẫn phải đi “mót” để có thêm một… bữa cơm.
12 giờ trưa, sau cả buổi rong ruổi, các chị thường tụ họp bên đường Trần Nhân Tôn (Q5), trốn nóng dưới tán cây. Một chị đi thu mua ve chai trên đường Tân Kỳ Tân Quý đã được khách thương tình cho hơn 10 trái bắp luộc. Thế là, các chị vừa ăn vừa chuyện trò tâm sự.
Những câu chuyện dưới nắng trưa của họ thường cũng chỉ là hỏi thăm: “Giá bìa giấy hôm nay bao nhiêu một kí-lô vậy?”, “Hạ vài giá rồi, còn 5 ngàn thôi”, “Sáng giờ bà thu mua được bao nhiêu?”. Đang ngồi nghỉ ngơi, bỗng thấy một chị tất tả đội nón lá chạy đến: “Tui mới phát hiện một quán cơm chay giá rẻ, 7 ngàn đã có một dĩa rồi. Mấy bà đi ăn cơm trưa với tui không”, nghe xong tất cả hớn hả đứng dậy, đeo găng tay tìm cùng tìm quán cơm ăn qua bữa.
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn vào nơi ngủ và sinh hoạt của các chị để chụp hình, mọi người không đồng ý, với lí do: “Sợ người thân, đặc biệt mấy đứa con thấy cảnh mẹ nó phải sống khổ cực, tôi không kìm nổi lòng”.
Nơi ngủ của các chị đủ để một người nằm không hơn không kém. Những ai có tiền thuê được phòng trọ cũ trong chung cư, số còn lại chỉ trải chiếu nằm hành lang cầu thang. Theo chị Bích thì “có chỗ ngủ với tắm là được rồi, không cần đòi hỏi gì thêm”.
Chiều và tối, hành trình ve chai vẫn cứ tiếp tục theo nhịp sống năng động của Sài Gòn.
Lấy công làm lời, cóp nhặt từng đồng bạc lẻ
Ngày nào cũng miệt mài mưu sinh, nhưng số tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Chị Kiều Thị Thu (40 tuổi, quê Bình Định) phân trần: “Mua buôn giỏi lắm một ngày cũng chỉ lời được 200-250 ngàn. Còn lại đa phần chỉ kiếm được 100-150 ngàn là mừng. Còn ai muốn có thêm tiền chịu khó buổi tối đi nhặt ve chai ở công viên. Nhưng cả ngày cả tối đi, về rất mỏi chân, mai khó đi tiếp được”.
Gánh ve chai đầy nặng nhọc, nhưng những người phụ nữ vẫn cố gắng bươn chải.
Chị Thu dẫn chứng thêm: “Một lon bia hoặc nước ngọt thu mua giá 500 đồng khi bán ra chỉ 600 đồng. Một bao tải lớn mấy chị em chỉ lời chưa đến 10 ngàn, chỉ bằng buổi ăn sáng. Tính ra tiền lời cho công ngồi phân loại, đếm, rồi ép dẹp lại mà thôi”.
Những người buôn ve chai chủ yếu làm nghề nông. Nhân lúc mùa vụ chưa đến các chị lại vào Sài Gòn tất tả kiếm tiền. Nói về thu nhập của mình, chị Nguyễn Ngọc Liên (H. Đông Hòa, Phú Yên) buồn tủi: “Vất vả lắm tôi chỉ có thể kiếm được tầm 4-5 triệu đồng/ tháng. Ăn uống mất gần 2 triệu, còn bao nhiêu gửi về nuôi 2 đứa con đang học tiểu học. Cực chẳng đã phải bỏ con đi nơi khác mưu sinh, nhiều đêm nằm nhớ con chịu không nổi. Nhưng cũng đành cắn răng mà chịu đựng”.
Mỗi ngày, những tiếng rao “ve chai không” đặc sệt giọng miền Trung có thể nghe thấy đâu đó khắp Sài Gòn. Bằng đôi chân nhỏ bé, của các chị lại bươn bả tìm mua những thứ có thể tái chế lại. Số tiền để dành để kiệm được chủ yếu gửi về quê lo cho gia đình. Phần các chị, được ăn tạm đủ no mỗi ngày là cảm thấy hạnh phúc rồi.
Người phụ nữ này vừ đi nhặt ve chai, vừa kiêm luôn việc… giữ cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét