Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Người Cày Có Ruộng 26-3 Và Những Con Tem

Vietbao

TháiNC

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký tại Cần Thơ sắc lệnh số 003/60 ban hành luật “Người Cày Có Ruộng”. Ông nói: “Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi”.
Báo chí Hoa Kỳ thời bấy giờ cũng hết lời ca ngợi. Tờ Washington Evening Star gọi đó là “Tin tức tốt đẹp nhất đến từ Việt Nam kể từ khi kết thúc sự chiếm đóng của người Nhật”. Còn tờ New York Times cho rằng “Có lẽ đây là cuộc cải cách ruộng đất không cộng sản mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất của thể kỷ 20″.

blank
 
Những con tem Người Cày Có Ruộng.



Người Cày Có Ruộng là gì?

Là đạo luật có kế hoạch và mục tiêu cấp miễn phí 1.5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn hộ nông dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất đó cho họ.
Luật Người Cày Có Ruộng ( NCCR) quy định ruộng đất của các điền chủ không trực canh (không canh tác) đương nhiên bị truất hữu và phải được bồi thường thỏa đáng theo thời giá và chính phủ phát hành công khố phiếu để chi trả những khoản này.

blank
Những con tem Người Cày Có Ruộng.
Ruộng đất truất hữu được ưu tiên cấp phát miễn phí cho tá điền (3 mẫu ở Nam phần và 1 mẫu ở Cao Nguyên và Trung phần). Điền chủ trực canh chỉ được giữ tối đa 15 mẫu. Tuy nhiên, Luật “Người Cày Có Ruộng” không được phép áp dụng đối với ruộng đất của các tổ chức tôn giáo và ruộng đất hương hỏa gia đình của người dân.

Ngày ban hành sắc luật 26-3-1970 theo dự định, bộ tem thư NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG sẽ được phát hành rộng rãi trên cả nước để đánh dấu một ngày lễ lớn có tính cách lịch sử đối với nông dân Việt Nam. Nhưng vì lý do kỷ thuật tem chưa chuẩn bị kịp, nên bưu điện đã lấy con tem Cải Cách Điền Địa (được phát hành từ năm 1959) tạm thời thế vào
Đến ngày 29-8-1970, bưu điện mới phát hành được bộ tem Người Cày Có Ruộng chính thức.

blank
Những con tem Người Cày Có Ruộng.

Sau đó mỗi năm ngày 26-3, từ năm 1971,1972,1973,1974,1975 bưu điện Sàigòn đều phát hành tem thư “Người Cày Có Ruộng” để kỷ niệm một sắc luật có giá trị lịch sử này của miền nam Việt Nam.

Với những thằng bé sưu tầm tem thư như tôi, tem được đóng dấu ngày đầu tiên phát hành rất quý. Sưu tầm tem thơ là một thú vui của trẻ thơ miền nam trước 1975, và một trong những cái thú vui đó là những khi phải chen lấn để có cho bằng được bộ tem mới phát hành như các bạn đã thấy ở trên.

Đoạn trường ai phải qua cầu mới hay. Nếu có dịp tôi có thể viết một bài khác về cái “thú đau thưong” chơi tem này để chia sẽ những giây phút: xin tem, mua tem, bán tem, đổi tem, và cả…chôm tem nữa.

blank
Những con tem Người Cày Có Ruộng.

Chỉ nội việc mua tem đã không đơn giản.
Có người hỏi tem thơ ngày đầu tiên là gì?

Là những con tem phát hành sớm nhất được bưu điện Sàigòn đóng dấu chứng nhận với hàng chữ “Ngày Đầu Tiên” Những con tem này sau khi đã đóng dấu chỉ còn giá trị với những người sưu tầm tem mà thôi, không còn giá trị để gởi thơ nữa.
Muốn có những con tem ngày đầu tiên phát hành như những bộ Người Cày Có Ruộng trình bày ở trên, làm sao bạn biết ngày nào bưu điện có phát hành tem? Lúc đó dĩ nhiên không có internet, hay điện thoại cá nhân như bây giờ.
Một là: vài ngày hoặc chậm lắm là một tuần, bạn phải chịu khó ghé ngang bưu điện trung ương cạnh nhà thờ Đức Bà canh chừng. Khi nào sắp ra tem mới, họ để tấm bảng cho mà biết

blank
Những con tem Người Cày Có Ruộng.

Hai là đọc báo, và phải để ý kỷ, vì mẫu thông báo tem sắp phát hành này của bưu điện họ chỉ cho một khoảnh nhỏ ở trang trong. Nhà tôi đọc báo Chính Luận thì thông thường họ đăng trong mục:Từ Thành Ra Tỉnh, chung với các chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ.

Sau khi đã biết ngày phát hành, sáng sớm hôm đó phải mau mau đạp xe ra bưu điện. Đầu tiên là phải mua bì thư đặc biệt riêng bán ở bên ngoài. Phong bì thôi nhé, chưa có tem. Xong rồi phải vào bên trong bưu điện xếp hàng ( nhưng phần lớn là chen lấn lẫn nhau) ở quầy bán để mua tem. Tem thôi chưa đóng dấu đâu. Khi đã có bì và tem rồi, kiếm một chỗ ngồi thè lưỡi liếm tem để dán. Dán kiểu nào tùy ý, nhưng nhớ đã dán rồi là xong, không đồi lại được đâu. Xong đâu đó lại “ xếp hàng” một quầy khác để được đóng khuôn dấu “

NGÀY ĐẦU TIÊN PHÁT HÀNH”. Và bạn cũng hiểu “xếp hàng” chỉ là một động từ trừu tượng, thực tế là thêm một màn chen lấn xô đẩy còn dữ dội hơn lần trước.Tất cả những công đoạn trên khi làm xong xuôi có khi mất dép, mất nón, rách áo, ăn cùi chỏ, bị chửi thề, ký đầu vv… đủ mọi thứ hình phạt trên người như chơi. Và nhớ chỉ có một ngày thôi nhé. Thí dụ như bộ tem người cày có ruộng phát hành ngày 26 tháng 3. Nếu bạn chậm chân để đến ngày hôm sau 27 tháng 3 thì sẽ thảnh thơi mua ở mấy sạp tem ngay ngoài bưu điện với giá khoảng …20 – 30% mắc hơn. Chơi tem theo kiểu nhà giàu thì như vậy, nhưng đâu còn thú vị gì nữa? Bọn nhỏ chúng tôi chỉ thích chen lấn, giành giưt, thụt cùi chỏ tá lả trong bưu điện để mua tem …mới vui, chứ mua tem Ngày Hôm Sau bên ngoài thì thôi đừng chơi tem làm gì cho tốn tiền.
* * *
Đạo luật Người Cày Có Ruộng dĩ nhiên cũng có những khuyết điểm và những hệ quả tiêu cực ban đầu, nhất là nó được ra đời khi cuộc chiến Nam-Bắc đang tới mức cao điểm. Nhân và vật lực cả nước đều ưu tiên sử dụng cho mục tiêu chiến tranh bảo bệ tự do nên đã có những kẻ hở của luật pháp tạo nên những sự bất công, nhũng lạm không thể kiểm soát hết do sự thiếu sót cán bộ thi hành và giám sát một cách đứng đắn như mục tiêu được đề ra…Nhưng nói chung, đây là một điểm son hiếm hoi của thời đệ nhị cộng hoà. Tiếc rằng cộng sản đã vào quá sớm nên những kết quả tích cực của Người Cày Có Ruộng chưa đủ thời gian hình thành để làm rõ nét những thay đổi tốt đẹp do đạo luật này đưa đến cho nông dân miền nam./.

GHI CHÚ: Các dữ kiện và con số liên quan đến luật NCCR trên đây do người viết sưu tầm, tóm tắt, từ nhiều nguồn khác nhau trên internet thành kiến thức cá nhân, chưa kiểm chứng, và chỉ dùng làm tư liệu cho bài viết này mà thôi. Bạn đọc xin đừng coi là tài liệu chính thức để dùng trong bất kỳ mục đích nào khác. Tnc.
ThaiNC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét