Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Tiếp dân kiểu bao cấp, tiếp dân kiểu tem phiếu

Quechoa

Ls Trần Thu Nam/ FB Tran Thu Nam
 
Con gái sinh chưa được một ngày, vết mổ của vợ vẫn còn rỉ máu nhưng tôi vẫn phải lên đường đi thực hiện nghĩa vụ trước khách hàng. Điều đơn giản là đã nhận tiền của khách hàng thì phải làm hết trách nhiệm, phải mẫn cán với công việc. Thực tế, tôi có thể cử luật sư khác đi thay, nhưng tôi muốn trực tiếp chứng kiến một buổi tiếp dân của chủ tịch tỉnh Nam Định xem thế nào? Nghề luật sư không phải nhàn hạ, nên ai muốn trở thành luật sư phải cân nhắc trước.

Ngoài áp lực trước công việc còn phải chịu áp lực trước các cơ quan chính quyền và chịu áp lực với chính các khách hàng của mình. Để có tấm thẻ luật sư, chúng tôi đã phải mài đũng quần trong nhà trường bao năm, để trở thành luật sư chúng tôi phải đi học việc thêm nhiều năm nữa tại các VPLS. Ngoài ra, khi mở Văn phòng chúng tôi phải chịu rất nhiều các loại chi phí như thuế, tiền thuê văn phòng, tiền trả lương nhân viên, điện thoại, điện,…..

Quay lại việc đi giúp khách hàng tại buổi tiếp dân ở tỉnh Nam Định. 

Ngày tiếp dân của Chủ tịch tỉnh một tháng mới có một lần, ngày 10/09/2014 Chủ tịch tỉnh tiếp dân của tháng 9 thì thân chủ của tôi đã phải đi từ 3 giờ sáng ngày 09/09/2014 để đăng ký. Sau khi đăng ký được và là người thứ năm của ngày 10/09, thân chủ điện thoại cho tôi với giọng hoan hỉ là “đã đăng ký được rồi, số 5 luật sư ơi”. Sau khi đăng ký xong, mọi người lại đi xe máy về huyện Xuân Trường chuẩn bị cho ngày 10/9 đi gặp chủ tịch tỉnh. Bốn giờ sáng ngày 10/9, bốn thân chủ của tôi lại đi xe máy đến nơi tiếp dân, và nhắc luật sư là 7 giờ sáng bắt đầu tiếp dân làm việc. 

7 giờ sáng ngày 10/9 tôi đến nơi đã thấy rất nhiều người dân ngồi chờ đến giờ. 8 giờ sáng trụ sở tiếp dân bắt đầu mở cửa, Chủ tịch tỉnh Nam Định cùng các cán bộ đi trên một đoàn xe hạng sang gắn biển xanh đến để làm việc. Chiếc xe mà người dân làm nông nghiệp có lẽ trong giấc mơ cũng không dám mơ ước sẽ được sở hữu. 

Khi cùng mọi người đi vào trụ sở tiếp dân, người đầu tiên tôi gặp là viên an ninh tỉnh đã theo rõi những việc của tôi tại tỉnh Nam Định, là người luôn tuyên truyền cho mọi người dân là luật sư không làm được gì, chỉ tốn tiền thôi. Những lời này tôi được nghe người dân nói lại với giọng khinh bỉ về chuyện nói xấu sau lưng người khác. Trụ sở tiếp dân là một ngôi nhà mái bằng cũ kỹ, lối vào rất nhỏ, trong phòng có bốn hàng ghế băng có tựa, góc phòng gần cửa ra vào có một bình nước suối 20 lít bên trên có úp một chiếc cốc nhựa để mọi người dùng chung. Mấy chiếc quạt trần quay tít cũng không bớt đi được cái nóng, không xua đi được nỗi bức xúc của người dân. Đây là điều bất ngờ đầu tiên ngoài sức tưởng tượng, tôi biết rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh, HĐND tỉnh nào cũng hoành tráng, có hội trường rộng, phòng làm việc nào cũng có điều hoà chạy suốt ngày. Nhưng, nơi tiếp nhân dân lại đơn giản đến ngỡ ngàng.

Điều bất ngờ thứ hai tôi chứng kiến là cách thức tiếp nhận yêu cầu của người dân. Một cô cán bộ ngồi sau một cửa sắt với vị trí người đứng ngoài song sắt không với tới được người cho bảo đảm an toàn. Người dân chen lấn đưa những cánh tay vào để đăng ký được tiếp dân. Một số người dân bắt đầu to tiếng vì không đăng ký được, cô cán bộ lớn tiếng cãi lại. Nhìn cảnh tượng này tôi nghĩ lại cảnh ngày xưa đi mua mắm, thịt, gạo bằng tem phiếu thời bao cấp. Một đêm trường đen tối mà người người dân đã phải trải qua thời kỳ bao cấp.

Bên cạnh cửa đăng ký là một cánh cửa gỗ kính nhỏ, cửa chỉ đủ cho một người đi qua để vào nơi gặp các cán bộ tiếp dân. Sau cánh cửa là hai cán bộ đứng canh, phía sau có rất nhiều người mặc thường phục đứng bảo vệ. trong phòng tiếp dân có một số an ninh mặc thường phục theo rõi người dân xem có ai manh động để kịp thời can thiệp. Khi cán bộ đọc đến tên những người đã đăng ký từ hôm trước thì người đó được đi vào cửa, những người không có tên chen vào sẽ bị đẩy bật trở ra và cánh cửa lại đóng sầm vào.

Tôi đưa thẻ luật sư và giấy giới thiệu cho cô cán bộ qua song sắt, lập tức có một số người mặc thường phục đến rỉ tai cô cán bộ, sau đó họ đi vô trong khoảng 5 phút quay trở ra với câu trả lời “Do thân chủ của anh hôm qua đăng ký tiếp dân không đăng ký có luật sư đi cùng nên anh không được vào”. Tôi có hỏi là theo quy định nào, theo văn bản nào khi người dân đăng ký phải đăng ký có luật sư đi cùng thì cô này nói đây là quy định, tôi đề nghị được xem cái quy định ấy thì cô này im lặng. Tôi có đề nghị cô ta ra phòng ngoài để đọc cái bản nội quy treo ở chính phòng tiếp dân là người dân có quyền mời luật sư trong việc khiếu nại, tố cáo. Tôi có đề nghị ghi vào giấy giới thiệu của tôi là không đồng ý cho vào tiếp dân cùng thân chủ. Nhưng tất cả chỉ là một sự in lặng đầy khó hiểu.Một số an ninh mặc thường phục đang đứng chờ một phản ứng thái quá của tôi để xử lý. Khi tôi ra khỏi phòng tiếp dân với nỗi hậm hực thì người tôi gặp lại là viên an ninh vẫn theo tôi với nụ cười thông cảm và mấy câu nói “Quá đáng quá, có giấy giới thiệu mà không cho luật sư vào, không đúng luật gì cả”. Tôi biết, có một thế lực nào đó ngăn cản tôi giúp cho người dân. Khi tôi ra quán nước gần đó thì rất nhiều người dân vây quanh thể hiện sự bức xúc “Luật sư mà chúng nó không coi ra gì thì dân đen như chúng tôi biết làm sao đây…”. Mọi người tiếp tục đưa hồ sơ để được tư vấn, mong được trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại, tố cáo, Viên an ninh tiếp tục mẫn cán làm công việc của mình là ghi chét xem tôi tư vấn những gì cho người dân. Trước mặt Viên an ninh tôi nói rằng, cấp tỉnh không giải quyết thoả đáng còn cấp Trung ương, mọi người có thể lên HN để kiến nghị. Hình như nghe được câu cần nghe nhất từ tôi nên Viên an ninh lập tức ra về với niền hân hoang. Mong rằng anh ấy lập được công với cơ quan để được thăng chức, coi như tôi đã giúp được anh ấy ngày hôm nay.

Năm 2010, tôi được gặp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ấy ông Đam là Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Tại buổi nói chuyện hôm đó ông Đam có nói một ý tưởng mà tôi cho rằng quá tuyệt vời. Ý tưởng của ông Đam là cho xây một loạt các phòng như các ki ốt ở nơi tiếp dân của UBND tỉnh để cho các luật sư mượn để trợ giúp bà con đến khiếun nại, tố cáo. Tuy nhiên, ý tưởng đấy chưa được thực hiện thì ông Vũ Đức Đam đã phải lên chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ, nay là Phó thủ tướng. Không biết ở cương vị mới, quyền lực lớn hơn ông Đam còn nhớ cái ý tưởng của mình nữa không. Có lẽ tôi sẽ gởi một bức thư nhắc lại để ông Đam nhớ việc này. Tôi ra về với nỗi ấm ức, thất vọng về quá nhiều cái ở tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, khi đi qua cánh đồng, lúa đang thì con gái đẹp mơn mởn, tôi cố tìm cánh có trắng xem chúng đã bị vào quán “Chim to dần hay chưa”. Tôi tìm chút bình yên trong một xã hội đảo điên và mong một ngày mai tươi sáng. Tôi mong mình như cây lúa kia, để ra được những hạt thóc thơm ngon cho đời thì phải chấp nhận chết đi.

Trân trọng!

TTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét