Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Trả lời Thư tín ngày 12.09.2014

Hoà Ái, phóng viên RFA

Hình ảnh một vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất.
Hình ảnh một vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất. Files photos

Trong tuần qua, sự kiện Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội lần đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm về “cải cách ruộng đất”, từng được gọi là “cuộc cách mạng long trời lở đất”, diễn ra cách nay hơn 60 năm, thu hút sự chú ý của dư luận. Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái trích đăng các ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả xoay quanh sự kiện đặc biệt này:
Cuộc triển lãm gợi lại hồi ức của các gia đình nạn nhân:


“Ông bà cố và ông cậu mình đã chết oan trong cuôc cải cách này. Nó gây ra cảnh gia đình mình lưu lạc, chia cắt cho đến tận bây giờ”.
“Cụ nhà mình làm cai tổng. Ông đã hết lòng vì giải phóng đất nước. Ông ủng hộ rất nhiều gạo và vật chất cho Cộng Sản, nuôi bộ đội trong kháng chiến. Sau cuộc cải cách, nhận được hung tin ông bị xử bắn. Đến đời ông bà mình phải sống chui lủi vì là nhà thành phần. Bố mình là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ và giờ là thương binh nhưng với bố chưa bao giờ coi Đảng là niềm tin. Vì bố cho rằng độc đoán vô nhân đạo là 1 chế dộ diệt chủng. Đến năm 1998 anh trai mình còn không được thi vào Quân đội vì vết thành phần gia đình. Và mình cũng chẳng có thể bấu víu vào đâu để tin cái lý tưởng Cộng Sản này. Nhớ như in ‘Trí thức, cường hào-Đào tận gốc, trốc tận rễ’”.
Cụ nhà mình làm cai tổng. Ông đã hết lòng vì giải phóng đất nước. Ông ủng hộ rất nhiều gạo và vật chất cho Cộng Sản, nuôi bộ đội trong kháng chiến. Sau cuộc cải cách, nhận được hung tin ông bị xử bắn.
“Cải cách ruộng đất có nhiều người bị oan sai; chồng đi hoạt động cách mạng xa, vợ ở nhà bị kết án địa chủ và bị treo cổ. Đó là câu chuyện có thật trong gia đình bên ngoại của mình. Tất cả đều thuộc về lịch sử”.
“Dòng họ nhà mình chết rất nhiều. Rất đau khổ nhưng phải chấp nhận thôi”.
Những người chứng kiến hay biết về cuộc “cải cách ruộng đất” nói gì?
“Con đấu tố mẹ, vợ đấu tố chồng…Đúng là phi luân thường, phi đạo lý của con người. Hình thức đấu tố như vậy thấy con người không còn chữ ‘người’ nữa. Mất hết cả đạo đức. Có phải tư sản, địa chủ, phú nông ai cũng xấu, ai cũng bóc lột đâu. Có những tư sản họ đóng góp cho cách mạng hàng trăm lượng vàng, nuôi giấu cách mạng như bà Nguyễn Thị Năm là ví dụ. Có những người họ cũng đi lên bằng mồ hôi nước mắt lao động, có thêm tí ruộng cày thì cũng quy vào phú nông địa chủ. Nghe mà đau xót”.
“Nông dân có ruộng đất bị vu khống tội thật nặng và bị bày trò giết chết man rợ. 350 ngàn dân bị chôn sống, treo xà nhà đánh, giam hầm phân cho tới chết…Nhờ sự tàn bạo đó mà toàn bộ ruộng đất miền Bắc được sung công dễ dàng. Dân phải xin làm thuê trên miếng đất của cha ông mình. Nhà nước nói gì cũng vâng dạ”.
“Cuộc cải cách, hợp tác xã đã làm bao nhiêu người đói khổ. Áo quần, gạo…đều phải xếp hàng. Một gia đình chỉ được một bộ quần áo. Nhớ đến thời khốn khổ đó mà đáng sợ, như một địa ngục của trần gian”.
“Quá khủng khiếp! Họ có cướp bóc của ai đâu…mà sao nỡ?”
“Trước và sau cách mạng tháng 8/1945, toàn bộ cán bộ của chính quyền được đưa sang Trung Quốc học tập đường lối đó”
“Trời không dung. Đất không tha. Đây là một trong những trang sử đen tối nhất của VN trong thế kỷ 20”.
Con đấu tố mẹ, vợ đấu tố chồng…Đúng là phi luân thường, phi đạo lý của con người. Hình thức đấu tố như vậy thấy con người không còn chữ ‘người’ nữa. Mất hết cả đạo đức.
“’Cải cách ruộng đất’-Mỗi lần nghe đến từ này, bản thân mình cảm thấy khó chịu. Mặc dù mình sinh sau đẻ muộn, không chứng kiến tận mắt những gì xảy ra nhưng hậu quả để lại đến tận thế hệ của mình bây giờ. Ai đúng, ai sai? Liệu lịch sử có phán xét được không? Chỉ biết rằng niềm tin vào Đảng Cộng Sản là khái niệm xa xỉ với mình”.
“Cuộc cách mạng nào mà không có sai lầm nhưng cái chính là có biết nhận ra và sửa chữa sai lầm hay không. Và chúng ta đã làm rất tốt điều đó”.
Có phải những sai lầm đã được sửa chữa? Những người quan tâm và đến xem cuộc triển lãm nói lên suy nghĩ của mình:
“Đúng là khủng khiếp nhưng bây giờ triển lãm tranh cải cách ruộng đất tại Hà Nội thấy thiếu rất nhiều”.
“Triển lãm để làm giảm bớt lòng căm uất của người dân, như là hành động không giấu diếm nhưng lại ngụy biện theo ý họ. Và chỉ trưng bày 1/100 sự thật mà thôi”.
“Triển lãm mà chỉ trưng bày hình ảnh về thành tích thì chưa được công minh cho lắm. Phải đưa cả những hình ảnh vì sao lại lấy đất của người ta dù rằng rất nhỏ so với các nơi khác, hay là cố tình san bằng xã hội xuống khổ bằng nhau? Ai được hưởnglợi ích trong cuộc cải cách ruộng đất trong khi người dân vẫn đói nghèo?”
Một địa chủ bị bỏ đói bỏ khát bất tỉnh
Một địa chủ bị bỏ đói bỏ khát đến bất tỉnh (files photos)

“Lịch sử luôn là sự chân thực. Dù cố tình che dấu thì sự kiện và nhân chứng vẫn còn đó. Bóp méo lịch sử là có tội với nhân dân”.
Nông dân có ruộng đất bị vu khống tội thật nặng và bị bày trò giết chết man rợ. 350 ngàn dân bị chôn sống, treo xà nhà đánh, giam hầm phân cho tới chết…Nhờ sự tàn bạo đó mà toàn bộ ruộng đất miền Bắc được sung công dễ dàng
“Thật ra, triển lãm về cải cách ruộng đất, CSVN có chủ ý ca ngợi chứ không có ý hối tiếc gì cả. Dĩ nhiên thời này mà không nói có sai lầm thì không ổn. Sau khi làm xong cái cuộc cải cách có máu dân lành và quá thành công theo lối của họ, một màn kịch tính là Cụ Hồ ra khóc để hạ màn cho có hậu theo phường tuồng VN”.
“Đã 60 năm mà CSVN còn ca tụng cuộc cải cách ruộng đất, không nhận lỗi với thân nhân của nạn nhân. Đúng là vô nhân”.
“Tại sao sau 60 năm CSVN mới đem vấn đề ‘cải cách ruộng đất’ ra triển lãm? ‘Cải cách ruộng đất’ là việc làm đã phá nát toàn bộ nền văn hóa nông thôn miền Bắc VN sau chỉ vài năm chương trình ấy được thử nghiệm và thi hành. Ông Hồ Chí Minh đã mù quáng học theo quan thầy Bắc Kinh để gây ra một tai họa khủng khiếp. Một bài học nhớ đời cho dân tộc VN”.
Cũng có ý kiến không đồng tình với sự chỉ trích:
“Chỉ lợi dụng những cái sai lầm của quá khứ để bới móc là sao nhỉ? Chỉ nhìn vào những cái tiêu cực để quy chụp cả một chế độ, thật là phiến diện!”









Video: Triển lãm Cải Cách Ruộng Đất: Đâu là sự thật?
Và sau đây là những chia sẻ cũng như mong muốn của quý khán thính giả cùng độc giả qua sự kiện triển lãm lần đầu tiên về cuộc “cải cách ruộng đất”:
Tôi là Tiêu Cà Mau. Thưa Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ông nói phải lắm, địa chủ có trên 2 ngàn năm, đôi khi chỉ có 2,3 ha đất thôi mà cũng khoe ta đây là địa chủ. Vậy mà trong tập tài liệu ‘Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất’ của tác giả C.B., do báo Nhân Dân xuất bản năm 1955, trang 27 và 28, có bài ‘Địa chủ ác ghê’ mà ông đã khẳng định: ‘Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng dân chủ long trời lở đất’, mang lại giá trị to lớn của một xã hội mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới cho người dân Việt Nam’ nên chưa đầy 60 năm cải cách mà chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Lê Thanh Cung sở hữu căn biệt thự nguy nga trị giá hàng chục tỷ đồng cùng rừng cao su 100 ha trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vậy Hồ Chủ và Võ Nguyên Giáp ngày xưa lại khóc và xin lỗi, thì thật là bậy bạ” .
“Không rút kinh nghiệm mà lại tiếp tục phạm sai lầm. Khu công nghiệp là nỗi ám ảnh của dân đen hiện nay”.
“Bây giờ còn kinh hơn! Quan tham giàu ngút trời. Còn dân nghèo phải tự tử”.
“Sao bây giờ không cải cách ruộng đất nhỉ? Bây giờ mà cải cách ruộng đất thì tớ nghĩ là phải bắn nhiều người trong số 3 triệu đảng viên Đảng CSVN, hút máu bằng 10 lần địa chủ ngày xưa”.
“Năm 2014 nếu thực hiện việc ‘cải cách ruộng đất’ chắc chắn sẽ thu được nhiều tài sản hơn, gấp bội lần so với năm 1946–1957”.
“Bây giờ nên cải cách nhà ở. Nhân dân làm tòa án”.
“Cho đến hôm nay, một số người dân VN mới bàng hoàng nhận ra rằng Cộng Sản là cái thứ gì…”.
Chưa đầy 60 năm cải cách mà chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Lê Thanh Cung sở hữu căn biệt thự nguy nga trị giá hàng chục tỷ đồng cùng rừng cao su 100 ha trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vậy Hồ Chủ và Võ Nguyên Giáp ngày xưa lại khóc và xin lỗi, thì thật là bậy bạ
Anh Tiêu ở Cà Mau
Thưa quý thính giả, cũng liên quan đến cuộc “cải cách ruộng đất”, nhiều người đang tìm kiếm quyển sách tư liệu có nhan đề “Đèn Cù” của nhà báo Trần Đĩnh để tìm hiểu rõ thêm về một giai đoạn lịch sử cận đại của VN cũng như những thông tin chưa được tiết lộ của Đảng CSVN. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến về quyển sách “Đèn Cù”, nhiều lời ca ngợi nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ:
“Nghe cũng hay và ly kỳ, nhưng mà làm sao kiểm chứng được đó là thật?”
“Theo tôi nghĩ thì tác giả là người gần gũi nhất sự kiện cho nên tính chân thật, độc giả có thể chấp nhận”.
“Theo tôi thì thông tin từ cuốn ‘Đèn Cù’ có thể là không mới đối với nhiều người nhưng sự xác nhận thông tin đó từ một người có uy tín từ ‘bên thắng cuộc’ thì nó có một sức hấp dẫn cũng như giá trị khá lớn trong bối cảnh hiện nay”.
“Tôi chỉ mong sao duyên nào đó khiến Trần Đĩnh ra nước ngoài sẽ còn có nhiều điều ‘thâm cung bí sử’ bất ngờ vạch ra. Chỉ có đảng viên gộc của Đảng Cộng Sản nói về đảng mình mới rõ và người ta mới tin hơn người khác nói”.
“Tác giả thì là một đảng viên bị khai trừ, còn nhà xuất bản thì là Báo Người Việt ở Mỹ, thông tin thì không có cả bằng chứng và nhân chứng; các bạn tự suy nghĩ xem có nên tin không. Cần thông tin thì biết tiếng Anh và dùng Google thì không thiếu. Còn thông tin mà đã gọi là ‘mật’ thì nếu ông Trần Đĩnh có, chẳng may biết được, thì đã không thể sống để nói xấu Cộng Sản trong cả mấy chục năm qua”.
“Tin hay không là chuyện của mỗi cá nhân, có cái đầu để nhận thức và đối chiếu sự việc. Nghe, nhìn, ngẫm và nghĩ, nhìn lại thời gian, xem lại lịch sử thì chắc không mấy khó. Vấn đề còn lại là cá nhân, khi trong tiềm thức đã có lựa chọn thì nó sẽ có chút khác biệt, nhưng con người vẫn là con người, có tri thức và suy nghĩ sẽ đưa đến việc khai sáng ngay cho chính mình”.
“Mấy ngày nay tôi đọc say mê ‘Đèn Cù’ của nhà báo lão thành này. Thật sự cảm ơn ông và ngưỡng mộ ông vì lòng trung thực của mình. Cầu chúc ông bình yên, không bị An ninh chìm, nổi gây khổ cho ông và con cháu ông. Lịch sử sẽ ghi tên và nhớ tới ông như một người nhà báo trung thực, dám nói ra sự thật của cái ‘kiến trúc thượng tầng trong chốn cung đình giả danh CSVN’”.
Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời,
Hòa Ái kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp. Để liên lạc với Ban Việt ngữ, quý vị có thể gửi email qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Ngoài ra, quý vị có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Hòa Ái trân trọng kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về “Cải Cách Ruộng Đất”

iBook Cải Cách Ruộng Đất:

http://www.rfa.org/vietnamese/people_stories/land_reform-12022013161432.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét