Hôm nay kỷ niệm ngày Bình Đặng xua quân “dạy cho Việt nam (CHXHCNVN) một bài học” , hơn 20 vạn Đồng bào và Chiến sĩ VN đã anh dũng chống quân xâm lược cướp nước Trung cộng phải bỏ mình , nhưng cái Đảng nhà nước anh hùng chống Tây chống Mỹ…. không thắp cho “Đồng bào” của mình một nén nhang,chỉ có một vài tờ báo đưa tin hay bài rời rạc , các cá nhân XHDS tổ chức tưởng niệm ngày hôm kia còn bị Du Côn phá rối giữa Thủ Đô Nhà Nước CHXHCN VN “anh hùng” – Đăng lại loạt bài cũng tháng 2 – 2914 của Đào Tuấn trên MTG bị rút xuống , nhưng vẫn còn trên blog của ông và nhiều trang mạng.
Đào Tuấn
\Bài 1: Biên giới, Hồi ức 35 năm
Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.Một số phận
Trong ngôi nhà nhỏ ở dốc cầu Nà Rụa, phường Tân An, Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng có một cành đào nhỏ trước ban thờ chồng, người 35 năm trước bất đắc dĩ trở thành “tù binh chiến tranh”. Câu chuyện liên tục ngắt quãng khi đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn run lên bần bật trước những hồi ức từ 35 năm trước. Chiến tranh đã lấy đi của bà một đứa con. Và sau 35 năm, vết thương ấy chưa bao giờ lành khi hàng đêm, hình ảnh đứa nhỏ tím tái chết trong mưa lạnh vẫn ùa về như một nỗi kinh hoàng không bao giờ phai lạt.
Sáng 17.2.1979, trời rất mù và lạnh. Từ thị trấn Nước Hai, bà Quỳ chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy loạn khi tiếng pháo của lính Trung Quốc “như bom Mỹ dải thảm” khắp nơi. Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, người sản phụ khốn khổ đang mang thai đến tháng thứ 9 chỉ còn biết vác bụng lặc lè để chạy. “Cô chạy vào núi đá Mỏ Hách. Rồi từ Mỏ Hách chạy sang Đại Tiến. Chạy ngược với tiếng pháo”. Đám người chạy loạn bị lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi, và lại tứ tán khắp nơi. “Chúng nó đông lắm cháu ơi! Đâu đâu cũng thấy lính Trung Quốc”.
Trong gần 1 tuần lễ trốn trên động đá, bà Quỳ đau đẻ trong cái đói, trong cái rét, trong trời mưa lạnh, trong tối tăm mò mẫm. Không một hạt gạo mang theo. Không một tấm chăn. Cả đám người đói khát, rét mướt và lo sợ đến hoảng loạn. Chỉ ngay phía dưới, lính Trung Quốc lúc nhúc, đông đặc, vây hãm khắp nơi. Những con người khốn khổ lấy nước bằng cách hứng từ giọt gianh trong một tấm nilon rộng chừng 2 bàn tay. Ăn tất cả những gì mà ban đêm mấy người đàn ông mò mẫm được từ bờ cây, gốc sắn…ngay sát nơi lính Trung Quốc dựng trại. Đến hôm đau đẻ, bà được những người đồng bào gom cho thìa đường cuối cùng, hòa với vốc nước “để có sức mà đẻ”. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hang đá nhưng 3 hôm sau thì qua đời.
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- Người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt. Những giọt nước mắt mờ đục lăn dài trên khuôn mặt “một ngàn nếp nhăn” tưởng chừng đã không còn có thể đau khổ được nữa: “Lúc đó cô yếu quá, bỏ mấy đồng nhờ một ông già mang cháu đi. Chắc vứt nó ở một đâu đó”.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Đêm ngày 25.2, người chồng nửa đêm đi kiếm ước uống bị sa vào tay lính Trung Quốc. Ông bị giam giữ cho đến ngày 6.1 và từ sau đó, những đồng nghiệp của ông ở ty Thể thao Cao Bằng cho biết ông bỗng dưng có thói quen ăn cơm với nước lã. Còn bà Quỳ, quãng thời gian trong động đá và cái chết bi thảm của đứa con đầu lòng khiến bà trở nên trầm uất suốt 3 tháng. Tuyến sữa viêm tắc khiến sau đó người phụ nữ khốn khổ phải cắt đi một bên ngực.
35 năm, bằng đấy thời gian chưa đủ để bà Quỳ quên đi hình ảnh đứa con đầu lòng chết tím tái. “Đau xót lắm cháu ơi. Cô đi cúng, Thầy bảo nó không có nhà, lang thang ở một gốc cây nào đó”…
Không chỉ bệnh viện Hòa An bị đánh sập, cả thị xã Cao Bằng lỗ chỗ tổ ong như vừa trải qua “một trận B52 mặt đất”, không còn thứ gì cao quá 1m. Bách hóa tổng hợp, một biểu tượng của Cao Bằng bị hủy hoại đến không còn một viên gạch lành.
Chiều 16.2, anh Lê Dương Hải, Giám đốc Công ty thương mại tổng hợp Cao Bằng, khi đó mới 15 tuổi theo chuyến xe của mẹ, nhân viên cửa hàng lương thực đi về phía Nà Lùng, một địa điểm được coi là hậu phương. Sau 35 năm, anh Hải vẫn nhớ như in lời bà ngoại anh từ chối ra khỏi nhà: “Trung Quốc không dám đánh đâu. Nó mà đánh Liên Xô bắn cho hai quả tên lửa là tan”. “Chắc chỉ vì bà tiếc con lợn, con gà”- Anh Hải ngậm ngùi nói.
Và đó là câu nói cuối cùng mà anh còn được nghe bà ngoại nói. Khi về lại Cao Bằng, gia đình anh đã đi tìm tất cả những nơi có người chết, đã lục tung cả thị xã và không có cách gì để tìm lại được bà nữa.
Chị Hoài Phương, phóng viên của Đài truyền hình Cao Bằng, năm đó 9 tuổi, đến giờ vẫn không thể quên hình những xác người bị súng phun lửa đốt cháy trên mặt đất. Khắp nơi.
Ông Nguyễn Duy, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Hòa An nhớ lại: Đến ngày 20.3, cả thị xã vẫn như một đụn khói lớn. Chiều 29.3. Không một chiếc xe, không một người dân đi trên đường. Kho lương thực còn cháy nghi ngút. Thị xã tan hoang khi lính Trung Quốc trước khi rút đã ốp mìn giật đổ từng cây cầu, từng cột điện. Cái gì lấy được thì lấy hết. Cái gì không lấy được thì phá hết.
Khi giặc đến nhà
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân sự chính quy lên tới 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến 1.200 km của cả 6 tỉnh biên giới. Cao Bằng chính là một trong những trọng điểm đánh phá của quân đoàn 41A với sự tham gia của xe tăng và pháo binh.
Theo nhận định của Xiaoming Zhang trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12.2005, cuộc tấn công của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nhanh chóng chiếm được Cao Bằng. Nhưng hai mũi tấn công không đến được mục tiêu trong vòng 24 tiếng. Khu vực đồi núi cùng kháng cự của dân quân Việt Nam tạo ra khó khăn lớn. Việc đi chậm khiến Xu Shiyou, lãnh đạo cánh quân Quảng Tây, phải hoãn cuộc tấn công vào Cao Bằng, mặc dù phó tướng Wu Zhong đã đến sát thành phố này ở mạn phía đông và nam.
Trong một bài phát biểu được nhà nghiên cứu Dương Danh Hy dịch ra tiếng Việt ít năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã xác nhận đó là cuộc chiến “giết gà đã phải dùng dao mổ trâu”. Cụ thể “vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một”.
Vì sao ở Cao Bằng, chiến tranh lại đồng nghĩa với tàn phá như vậy?
Trang mạng quân sự milchina.com của Trung Quốc 3 năm trước đã cho đăng thư của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 phần nào giải thích lý do: “Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau hai ngày đánh nhau, bộ đội tham chiến của ta bắt đầu chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”.
Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giai đoạn 1979-1992 nhớ lại: Bây giờ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, chửi bới và nạn người Hoa đã khá căng thẳng, nhưng không ai nghĩ là chiến tranh xảy ra. Chủ trương của ta là đưa thanh niên ra biên giới tổ chức các lâm nông trường. “TƯ xác định cũng phải đề phòng, nhưng là phòng xích mích biên giới thôi”- ông Tường nói.
Tỉnh ủy Cao Bằng bấy giờ chủ trương đưa một số bộ đội về một số xã để củng cố đội ngũ cán bộ. Quân đội không có ở Cao Bằng. Lực lượng công an vũ trang chỉ có ở cấp tỉnh chứ cấp huyện là không có người. Cả thị xã bấy giờ chỉ có 1 một trung đoàn địa bộ đội địa phương (E567), nhưng cũng chủ yếu là làm kinh tế. Đến đội ngũ dân quân tự vệ, “có thì có đấy, căng thì căng như thế nhưng đã được phát súng đâu”. Thậm chí khi chiến tranh đã nổ ra, có thêm một sư đoàn được thành lập, nhưng lúc đó cũng chưa có quân”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng, thời điểm 1979 đeo quân hàm trung sĩ, tiểu đoàn 40 Bộ đội địa phương còn nhớ như in là khi xe tăng Trung Quốc vượt cầu Sông Hiến vào đến tận dốc Nà Toòng, đại đội 3 phòng không của trung đoàn 567 phải thay đạn, chúc nòng pháo 37 ly xuống để bắn xe tăng bằng đạn xuyên.
Chính ông Hùng là một trong những người đầu tiên chạy bộ đạp lá sa mộc đến bên xác xe tăng còn nghi ngút khói.
“Chúng tôi chỉ có 3 khẩu súng AK để bảo vệ trận địa”, ông Hùng nói, “về sau, khi lính Trung Quốc lên quá đông, đơn vị đã phải tháo súng (pháo) để rút”.
Theo Xiaoming Zhang, đến ngày 23-2, Trung Quốc mới chiếm được Cao Bằng sau khi nhận ra nơi này chỉ có một số lượng nhỏ quân Việt Nam cố thủ. Nhưng sự chậm chân khi chiếm Cao Bằng ngáng trở kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh việc tác chiến nhanh và quyết liệt.
Cao Bằng có gì để chống lại 6 sư đoàn chính quy với xe tăng và pháo binh yểm trợ?
“Dân Cao Bằng sẵn biết Trung Quốc rồi. Ở đâu cũng đánh, gặp đâu cũng đánh, ai cũng đánh. 1-2 người cũng đánh. Chặn khắp nơi”- ông Vương Dương Tường nói.
Ở Hòa An, dù lúc đó mất hoàn toàn liên lạc, một nhóm cựu binh vẫn tự tập hợp nhau lại lập chốt đánh địch. Nhặt được cái gì thì đánh được bằng cái đó. Ở Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng đều có những chốt đánh địch như vậy.
Người Cao Bằng sau phút bất ngờ đã chủ động trở lại. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “Không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- Giọng người cựu bí thư già rưng rưng. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.
Tháng 2 năm nay, trên nền bách hóa tổng hợp đã bị lính Trung Quốc đánh sập năm xưa, một siêu thị mới đã được dựng lên, cho dù người Cao Bằng vẫn gọi đó là Tổng Hợp Đổ.
Còn người nữ cựu binh Nguyễn Thị Quỳ, đến giữa câu chuyện, bỗng bất ngờ hỏi lại chúng tôi: “Sao các cháu không hỏi vì sao tháng 2 năm ấy cô không đi tìm một cây súng!?. Và rồi, bà quả quyết tự trả lời: “Năm xưa, cô phải chạy giặc vì không muốn mình mang bầu, ảnh hưởng đến anh em đồng chí. Còn nếu bây giờ giặc đến nhà, cô sẽ tìm một khẩu súng. Nếu cô già yếu không đánh được, những đứa con của cô sẽ cầm súng.
Con gái bà, một cô nhóc niềng răng sinh năm 1988 sau đó nói sẽ đưa chúng tôi vào Tổng Chúp, dù ở Cao Bằng, không còn nhiều người biết đến những gì xảy ra tại Tổng Chúp 35 năm trước, dù theo lời cô bé: nơi đó “giờ đã hoang vắng lắm rồi anh ạ”.
Ảnh: bia thảm sát tại Tổng Chúp, Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng: Bà Hậu, một người dân Tổng Chúc xưa từng cắp con chạy loạn bảo rằng: Bà không thể quên những ngày tháng 2 năm ấy. Bởi nói gì thì nói “Tội ác là tội ác. Và tội ác không thể được lấp liếm bằng bất cứ lý do gì”.
Bài 2: “Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau”
“Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên bí thư Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979.Trận tập kích bất ngờ
Ở Bát Xát, Lào Cai, khi pháo Trung Quốc bắt đầu bắn sang từ phía bên kia biên giới, ông Nguyễn Văn Tuyến, đại đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305 (Đoàn 5) đang ở Bản Vược, ngay trong tầm súng trường lính Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn pha trà uống. Chiến sự vẫn liên miên từ trước đó, đêm nào cũng có tiếng súng, cho nên không ai ngờ Trung Quốc đánh lớn”- ông nói.
Chỉ trước khi cuộc tấn công diễn ra 48 tiếng, cả dân lẫn lính Trung Quốc vẫn “sang bên này” xem chiếu bóng bình thường.
Ông Tuyến từng là lính chống Mỹ, sau chiến tranh làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, nhớ lại: Khi pháo Trung Quốc chuyển làn, ông mới giật mình hô anh em vì cảm giác rằng bộ binh Trung Quốc sẽ sang. Mấy người hoảng hốt chạy ra đến đến ngã ba Bản Vược thì khắp nơi đã tràn ngập màu áo lính đang vận động từ phía trong ra điểm chốt của công an vũ trang. “Chúng tôi tưởng bộ đội mình đã lên ngay thành thử súng cầm trong tay mà không bắn”. Từ trong hậu phương, lính Trung Quốc tiến đánh từ phía sau đồn công an vũ trang và chốt tự vệ địa phương. Hỏa lực từ bên kia biên giới bắn sang như mưa rào. Đơn vị ông Tuyến cơ động ra đến chốt Cây 2 thì bị một khẩu đại liên chặn lại. Bấy giờ, anh em vẫn có người giơ súng, giơ cờ vẫy ra hiệu vì vẫn tưởng bộ đội mình bắn nhầm.
Chỉ một lát sau đó, từ khu vực bản Xèo, lính công binh Trung Quốc lao cầu phao và sau đó xe tăng Trung Quốc tiến sang. “Họ đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Cây cầu phao thả ra trôi theo dòng nước là áp khít sang bờ bên này”- Lời ông Tuyến.
Tự vệ bản Xèo hy sinh vô số kể. “Chúng tôi chỉ được trang bị trung liên và súng K63. Không có vũ khí chống tăng”- ông Tuyến nói.
Bản Vược cũng là nơi anh hùng liệt sĩ Phan Bá Lại đã ngã xuống khi ôm trọn quả lựu đạn để bảo vệ những người đồng đội, trong khi người chỉ huy cao nhất của Đoàn 5 khi ấy đã đào ngũ ngay sau tiếng pháo đầu tiên.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bát Xát thời điểm tháng 2.1979 đang là lính sư 316, một trong hai sư đoàn chủ lực duy nhất hiện diện ở biên giới phía Bắc.
Sáng đó, đang ở Than Uyên, đơn vị ông có lệnh báo động. Ai cũng tưởng chỉ báo động hành quân dã ngoại, thành thử “có người chỉ mang theo một quả đạn, có người trút lại tượng gạo, và có người, chỉ mang độc một bộ quần áo trên người”.
Đơn vị ông Trường hành quân lên đến Sapa thì những người lính mới biết chiến tranh đã xảy ra, và sau đó chạm địch ngay tại đèo Ô Quy Hồ.
“Hôm đó trời rất lạnh, sương mù dày đặc, chúng tôi đánh trong tình trạng mất hoàn toàn liên lạc khi những chiếc máy thông tin 2W hoàn toàn tê liệt trong sương mù. Mạnh ai nấy đánh, rồi mạnh ai nấy chạy”- trong cái lạnh của tháng 2, ông Trường nới cổ áo khi hồi tưởng lại ký ức 35 năm trước. 218 đồng đội của ông đã hy sinh trong chỉ một trận đánh đó.
Bát Xát là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với những địa danh anh hùng và đau thương: A Mú Sung. Y tý.
Những người lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17 tháng 2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.
Cú đánh trộm của người anh em
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng nhớ lại: Trưa ngày 17, khi một người dân chạy đến đơn vị báo tin xe tăng Trung Quốc đã vào đến Nước Hai, Hòa An, thủ trưởng của ông còn lệnh cho lính “trói nó lại” vì cho rằng người này phao tin đồn nhảm.
Vì sao quân dân ta lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công toàn tuyến với quy mô 32 sư đoàn?
Nguyên bí thư Cao Bằng Vương Dương Tường nhớ lại ở Cao Bằng hôm ấy, quân khu còn đưa các chỉ huy quân sự tỉnh về họp. Không ai biết Trung Quốc đánh mình. Ngay cả khi tiếng súng đã nổ vang từ hướng Hà Quảng, Thông Nông, anh Tập, trưởng ty Thủy lợi băn khoăn nói tiếng súng nhiều lắm, không biết súng ta hay súng địch. Một lãnh đạo Cao Bằng khi đó nói là anh em cứ yên trí. Đó là súng mình.
Ông Tường thừa nhận việc Cao Bằng bị bất ngờ. Khi đó, hoàn toàn không có kế hoạch đánh ở đâu, chặn ở chỗ nào, sơ tán dân ra sao và các cơ quan sẽ chuyển về đâu. Ngay cả khi Trung Quốc áp sát thị xã, tỉnh ủy cũng chỉ cho dân tạm sơ tán ra “cây 5”, tức là ra tạm ngoài tầm pháo 30 ly thôi.
Cơ bản nhất là bấy giờ không ai tin anh em đồng chí lại đánh nhau. Ông Tường nói.
Cao Bằng bấy giờ vừa tách tỉnh. Bí thư chưa nhận việc. Các cơ quan chưa rõ người. Tỉnh ủy không có nổi một chiếc ô tô. Đến 1h đêm, khi pháo bắn dồn dập mới biết là bị đánh. Ông Tường, bấy giờ chạy nhờ xe ra cây số 5 lo chỗ sơ tán cho dân, rồi đi Minh Tâm, Nguyên Bình để thị sát khu vực các cơ quan của tỉnh sơ tán.
Nhưng ngay trong sáng 17, lính Trung Quốc đã ra đến chân đèo Minh Tâm. 2 tiếng sau, xe tăng Bát Nhất đã vào đến Cao Bình, rồi vào đến Nà Tàu. Và pháo binh Trung Quốc dồn dập nã xuống Nà Tản.
“Lúc đó tôi báo về TƯ qua trạm quan sát Khau Giám- ông Tường nhớ lại- Nhưng ngay cả đến lúc đó, các anh ở Trạm nói “chưa thấy có gì”. Ai cũng sợ báo về HN rồi thì bị quy là hoang báo”.
Ngày 18.2, lính Trung Quốc đã vào đến Hòa An, Cao Bình. Đến 19, khắp nơi đã bị đốt phá giết chóc.
Ở Thạch An, khi nhìn thấy xe tăng, cán bộ gọi điện cho tỉnh ủy báo tin có xe tăng nhưng không biết xe ta hay địch. Nó cứ ào ào nó đi, thẳng vào thị xã. Tứ phía tràn vào thị xã.
Cho đến bấy giờ, tỉnh ủy mới quyết định đưa dân sơ tán vào Bàng Khẩu, Ngân Sơn, “chạy vào rừng, ai chạy đâu thì chạy thôi”- lời ông Tường.
“Chúng tôi đã chủ quan- thoáng một nét thở dài trên khuôn mặt cương trực của người bí thư xưa. “Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”.
Chính một người trong cuộc như ông Tường cũng băn khoăn rằng: Tại sao cuộc chiến tranh lớn thế này, rất nhiều vấn đề như thế mà không tổng kết.
Giá cuộc chiến tranh này được tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ có được nhiều bài học tốt lắm. Nếu chúng ta coi như không có chuyện gì dân họ cũng chả nghe đâu”.
Cho đến năm 1992, khi các cơ quan của Bát Xát, Lào Cai từ Mường Vi trở lại Bản Xèo thì “vẫn chỉ có có may và đất đỏ”.
Còn Cao Bằng đã mất 3 năm để lo lại vấn đề lương thực, mất 8 năm để xây dựng lại thị xã và mất 35 năm để vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Chúng tôi trở lại Đồng Đăng, Lạng Sơn vào đúng ngày lễ Đền Mẫu, lễ lớn nhất Lạng Sơn, nằm ngay dưới chân pháo đài Đồng Đăng. Từ 35 năm nay, mỗi dịp tháng hai, đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đến đây thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội của mình.
Ông Điện được phong Anh hùng lực lượng vũ trang sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, và sau 35 năm, ông vẫn nhớ như in những cái tên Trần Văn Thái, Vi Văn Cao, những người đồng đội trong tổ tam tam và bữa cháo cơm nếp cuối cùng đêm 16.12.
Bài 3: Bia trấn ải- Nơi tổ quốc được tô màu đỏ
Từ 35 năm nay, vào dịp tháng 2 mỗi năm, Đại tá Triệu Quang Điện, trưởng Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn đều đến đền Mẫu để thắp hương cho những đồng đội của mình. 35 năm, thời gian chưa đủ để ông quên đi bữa cháo nếp cuối cùng. 35 năm, ông vẫn nhớ như in hình ảnh của những người đồng đội trong tổ tam tam: Những Trần Văn Thái. Những Vi Văn Cao.Pháo đài Đồng Đăng và pháo hoa Trung Quốc
Năm đó, binh nhì Triệu Quang Điện, vừa cưới vợ được 4 tháng, cũng vừa qua khóa huấn luyện 4 tháng ở Đông Khê, trở lại Lạng Sơn vào đúng buổi chiều ngày 16, khi phía Trung Quốc cho người đuổi trâu dò phá những bãi mìn biên giới.
5h sáng, khi pháo bắn cấp tập vào Đồng Đăng, ông cùng hai người đồng đội trong tổ tam tam thậm chí còn chưa kịp ăn nồi cháo gạo nếp đã đặt trên bếp để vội vã xách súng lên chốt ngay tại khu vực Đền Mẫu, pháo đài Đồng Đăng.
Tới 7h, sương còn chưa tan thì lính Trung Quốc đã kéo sang khắp nơi. 3 người kê súng bắn. Ông Điện, giữ súng trung liên bắn suốt 1h đồng hồ. “Hồi huấn luyện, tôi bắn bia được 3 điểm 9- ông Điện nhớ lại- nhưng hôm đó, lính Trung Quốc lên quá đông, có lẽ là không cần bắn giỏi cũng có thể trúng”. Riêng tại chốt Đền Mẫu, binh nhì Điện đã tiêu diệt tới 30 lính Trung Quốc.
Lính Trung Quốc cứ theo tiếng kèn lớp lớp xông lên. Bị hắt ngược trở lại, rồi lại xông lên.
Trong một thời khắc, khi ông vừa nhảy xuống hào thay đạn thì chỉ nghe “bầm”. Ngoảnh lại, nơi 2 người đồng đội nằm chỉ còn lại một hố pháo đen xì. Không còn chút vết tích.
Tới 10h, xe tăng Trung Quốc đã tràn ngập khắp nơi. Pháo binh Trung Quốc nã đạn vào pháo đài trong suốt nửa ngày 18.
Bấy giờ trong hang Đền Mẫu, ngay phía dưới chốt của ông Điện có tới 300-400 dân tới tránh pháo.
Đến tối 18, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân trong hang ra. Và chỉ trong một đêm, binh nhì Triệu Quang Điện trực tiếp đưa dân, ra ra vào vào 3 lần để cõng được ra 3 người đồng đội bị thương nặng.
Khẩu trung liên của ông giờ đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Công an nhân dân. Ít năm sau đó, khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lễ mừng công, ông thậm chí không trả lời được vì sao chỉ trong 1 đêm, với quãng đường 17km, một người chỉ nặng chưa tới 49kg đã 3 lần bò vào cõng đồng đội bị thương ra nơi an toàn.
Chúng tôi theo lối mòn trèo lên pháo đài Đồng Đăng, nơi bị đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến biên giới.
Vào ngày 17.2.1979, 2 sư đoàn bộ binh Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt nơi này. Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn.
Tháng 2 năm nay, pháo đài trở nên cô đơn, trơ trọi giữa sự náo nhiệt của lễ hội Đền Mẫu. Sau hòa bình, đó giờ chỉ còn là nơi bắn pháo hoa Trung Quốc mỗi đêm giao thừa. Tràn ngập rác rưởi, kim tiêm, những dòng chữ “làm hoa cho người ta hái..”, và cả những chữ tiếng Trung…
Dấu tích chiến tranh còn lại chỉ là lau lách, rác rưởi, sự hoang tàn và lãng quên. Hoặc như ở chính cái nơi mà lính Trung Quốc xả súng vào chiếc xe cứu thương 12A 04-35 của BV Lạng Sơn đi Đồng Đăng cứu nhân dân bị thương, giết chết cả người lái xe, cả BS Nguyễn Thu Thủy, y tá Trịnh Thị Sâm, giờ một con đường mới đã được mở ra rập rìu xe cộ, hàng hóa thông thương qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Nhớ hôm ở Cao Bằng, khi tìm đường vào Tổng Chúp, thậm chí một người dân đã đề nghị sẽ phải “qua chính quyền” nếu muốn vào thăm tấm “bia thảm sát Tổng Chúp”.
Tấm bia giờ vẫn còn sau 35 năm, dù chiếc giếng cạn, nơi năm xưa chứa đầy xác phụ nữ, trẻ em bị hành quyết bằng rìu bổ củi giờ đã lấp đầy cây lá, dù để vào thăm, người ta phải trèo tường, nhảy suối, chui rào và chui qua “vườn ông Đốc”.
Quá khứ không dễ quên. Nhất là khi đó là những gì đau thương nhất. Cho dù theo thời gian, những nhân chứng chiến tranh giờ đã lần lượt ra đi. Ông Hoàng A Tỉn, nhân chứng thảm sát trong sân Bách hóa tổng hợp Bát Xát đã mất 2 năm trước.
Đến Tổng Chúp, lại nghe tin ông Nông Văn Ất, nguyên trưởng trại giống Đức Chính, người đã mất vợ và 4 đứa con trong vụ thảm sát Tổng Chúp giờ cũng không còn.
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long
Cũng có những tấm bia trấn ải mới được dựng lên. Ngay bên tay phải đồn biên phòng tiền tiêu Pha Long, Mường Khương, Lào Cai, có những dòng chữ mới, được in trên bia đá:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh dịch: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.
Thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long cho biết tấm bia trấn ải vừa được dựng hồi tháng 5, đúng vào điểm đối diện đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Bên này từng hàng, từng hàng tên tuổi của 37 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám.
Năm ấy, những chiến sĩ công an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng, đã đâm gẫy đến chiếc lưỡi lê cuối cùng để bảo vệ tổ quốc. Ngày ấy, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một người lính Pha Long đã gửi bức điện về hậu phương. Và cũng chỉ vài chữ, đại ý: Chúng tôi hết đạn. Xin Vĩnh biệt.
Chợt nhớ đến những câu thơ Vương Trọng:
Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.
…
Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..
Năm nay, không hiểu sao, chỉ duy nhất một, trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa.
Không xa Pha Long là điểm cao Tả Ngải Chồ, nơi một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo, anh hùng liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết đã tay bút tay súng hy sinh vào ngày 17.2.1979.
Không. Hòn đá vô tri không thể là một tấm bia trấn ải thay thế cho Pha Long, Chi Lăng, Đồng Đăng.
Không, những lá bùa trong vỏ đá không thể thay thế cho máu của biết bao thế hệ người dân, biết bao những người lính đã đổ xuống nơi này.
Bia trấn ải, nếu có, thì đó là những ngôi mộ liệt sĩ la liệt khắp dải biên cương của những người đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, những tấm “bia trấn ải” thiêng liêng mà mỗi người làm báo chúng tôi cần phải nhắc lại để thế hệ con cháu còn có được cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi nhắc đến hai chữ “Tổ Quốc”.
(Loạt bài đã được đăng trên Motthegioi.vn)
********************************
Khắc khoải chờ chồng- một chiến sĩ Điện Biên. Đau thương với một con hy sinh ở Khe Sanh, một con hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam, một con hy sinh ở Gạc Ma…Tôi đã tự hỏi lòng mình rằng điều gì đã khiến những bà mẹ Việt có thể hy sinh đến thế, có thể chịu đựng kiên cường đến như vậy.
Tháng 3 năm nay, tôi không còn được gặp bà nữa. Chỉ biết là Mẹ ra đi không hề thanh thản khi cả 3 đứa con liệt sĩ xác thân vẫn còn ở đâu đó ngoài biển khơi, trong rừng thẳm.
Nỗi đau lòng Mẹ
Căn nhà nhỏ. Mảnh sân nhỏ. Căn bếp nhỏ. Nhỏ đến còm cõi. Đơn sơ. Và khiêm nhường. Có cảm giác cái gì cũng nhỏ bé và khiêm tốn trong ngôi nhà của mẹ Hà Thị Vạo trên mảnh đất Lê Hồ, Hà Nam. Nếu có gì đó lớn lao, hẳn cũng không phải là tấm bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hay những tấm bằng tổ quốc ghi công hay huân huy chương treo kín những bức tường. Liệt Trần Văn Uống hy sinh ở chiến trường Quảng Nam năm 1968. Liệt sĩ Trần Văn Uộng hy sinh năm 1968 ở Làng Vây, Khe Sanh. Liệt sĩ Trần Văn Bảy, hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma.
Thắp một nén nhang, và dõi theo liên tiếp những tấm bằng tổ quốc ghi công, tôi như đang thấy thấm đẫm nỗi đau lòng mẹ.
“Chú Bảy đi là thẳng một mạch, bước chân đi là không được về nhà một ngày một phút nào”- người anh, một nông dân lam lũ ngay cả trong cái dáng ngồi bắt đầu câu chuyện.
Khuôn mặt liệt sĩ trẻ măng. Năm đó, anh tình nguyện nhập ngũ. Gia đình có cha là chiến sĩ Điện Biên, 2 anh liệt sĩ, xã đã kiên quyết không cho đi. Người thanh niên trẻ đã xuống tận huyện, gặp Chủ tịch, bấy giờ là “bác” Trịnh Quốc Ý để nằng nặc xin đi bằng được.
Lá thư cuối cùng gửi về cho mẹ, người chiến sĩ năm ấy đã hứa là sẽ mang san hô từ biển Trường Sa về biếu mẹ.
Người anh thứ, Trần Văn Thu, thương binh hạng 2/4 tại mặt trận Vị Xuyên năm “tám tư”, giờ là Phó CA xã nhớ lại. Hôm Bảy lên đường, anh Thu cũng trở về từ quân y viện. Hai anh em lai nhau ra ga Đồng Đăng trên chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa lắp xích của bố. Bảy vui lắm, vừa đi vừa kể chuyện cười. “Mà anh em đàn ông con trai với nhau cũng chẳng nói gì nhiều”. Trước lúc ra đảo, Bảy thư về nói sẽ qua lấy hàng ở Hải Phòng. Linh tính thế nào cả tôi và anh Thịnh đều đã xuống Hải Phòng thăm em.
Nhá nhem tối thì ba anh em gặp nhau trên tàu. Bảy đã đen đi nhiều. Rắn rỏi hơn, chững trạc hơn trong bộ hải quân, áo yếm dãi thủy thủ. 3 anh em ăn cũng với nhau một bữa tối. Ngủ cùng với nhau một đêm. Bảy hồn nhiên lắm, chỉ kể toàn chuyện biển. Không ngờ, đó là bữa tối cuối cùng. Không ngờ đó là đêm cuối cùng. Không ngờ đó là lần cuối cùng.
Con sẽ theo chân chú Bảy
Trần Văn Thu bật khóc. Khóc như cái hồi anh ôm đồng đội trên chốt Vị Xuyên. Khóc như cái ngày này 26 năm về trước gia đình anh thêm một lần tang tóc. Lần thứ ba trong cuộc đời của mẹ.
6h30 chiều 14.3 Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc một danh sách “dài dằng dặc” những người lính trận vong. “Tôi với anh Thịnh cũng ngồi ở cái ghế này. Bồn chồn kinh khủng”. Và rồi chiếc chén trên tay rơi vỡ tan tành khi cái tên Trần Văn Bảy được đọc lên. Anh bỏ cơm. Anh vùi đầu vào đống chăn trong buồng. Người vợ hỏi làm sao. Và anh bảo “Em tao chết rồi”.
“Sao nghe đài rồi bỏ cơm. Hình như các cụ cũng linh tính”- lời anh Thu. Tới 7h30 tối thì “đau thương đè lên nhau”. Khi ấy, mẹ Vạo lẩn thẩn đi ra ngoài sân. “Thôi, thế là mất nó rồi”. Dường như khi quá đau thương thì người ta không còn khóc được nữa.
Điều gì? Điều gì đã khiến những người mẹ có thể chịu đựng được ngần đó nỗi đau?
Người mẹ ấy, trong suốt hơn 20 năm, gặp ai, đoàn nào về cũng chỉ nói cảm ơn. Và sau 2 tiếng cảm ơn là nhắc tới “nắm xương của con tôi”. Người mẹ ấy, trước lúc đi về cõi vĩnh hằng vẫn nắm tay 2 đứa con giai trăng trối “Phải tìm em về”. Và người mẹ ấy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không hề thanh thản, vẫn ân hận rằng chưa tìm được thân xác con.
Ở nghĩa trang Lê Hồ cách đó không xa, 3 ngôi mộ, 2 anh em nằm thẳng hàng, hướng về kỳ đài. Và người mẹ ấy trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn được con cháu dìu tới đó thắp hương, dẫu đó chỉ là những ngôi mộ gió.
Nhưng bi thương không che lấp được sự hào hùng dưới mái nhà tranh bé nhỏ nghèo nàn này.
Cháu trai cụ Vạo, Trần Văn Tiến, trước lúc lên đường đã đến nắm tay bà và bảo thế này: “Con sẽ theo chân chú Bảy”. Bà không nói. Chỉ dàn dụa nước mắt nắm chặt tay đứa cháu đích tôn. Tiến cũng gia nhập hải quân. Cũng lữ 125- đoàn tàu không số. Và một lần nào đó, qua Gạc Ma, anh đã thả xuống cùng biển của tổ quốc một đóa hoa.
Hôm chúng tôi đến, chúng tôi gặp một người anh em khác của Tiến, con trai của thương binh Trần Văn Thu là Trần Văn Hùng. Cậu sinh viên ngường ngượng, không giải thích vì lẽ gì đã chọn thi vào ĐH Hàng hải. Khoa lái tàu.
Biển đảo, với người mẹ anh hùng chưa từng biết mùi vị của biển, là mất mát, nhưng cũng là niềm tự hào trong chính nỗi đau thương. Nơi đó, tổ quốc chính là máu thịt của những đứa con.
Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Trường Sa, hay biển đảo tổ quốc, với những đứa cháu của người liệt sĩ năm xưa gần như là máu thịt, là cảm giác hào hùng trong chính sự hy sinh, dẫu có khi chính họ có khi cũng chẳng bao giờ có ý định định danh điều đó.
_________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét