Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Ông Tập Cận Bình không nên vinh danh kẻ tham gia Chiến tranh Biên giới

GDVN

Hồng Thủy  – 25/01/15 08:10
(GDVN) – Việc đưa tin như vậy gây bất lợi cho quan hệ giữa hai nước láng giềng, làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam cũng như người dân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình thị sát tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam sáng 21/1 vừa qua.


Trong ngày 23, 24/1 một số phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Quân giải phóng, China News và một số phương tiện truyền thông Hồng Kông như đài Phượng Hoàng, South China Morning Post đều đưa tin về việc ông Tập Cận Bình đi thị sát tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam.
Đáng chú ý, trong chuyến thị sát tập đoàn quân 14 lần này, ông Tập Cận Bình vinh danh nhân vật Vương Kiến Xuyên, kẻ đã tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa chống phá biên giới Việt Nam và chết trận năm 1984 và nhiều tờ báo Trung Quốc dùng ý này đặt tít.
Theo tường thuật  của Thời báo Hoàn Cầu, lúc 9 giờ 25 phút sáng 21/1 ông Tập Cận Bình đến tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân 14 Vân Nam.
Sau khi vào trong trụ sở đơn vị này hỏi thăm úy lạo tướng sĩ và tìm hiểu tình hình tập đoàn quân 14, ông Tập Cận Bình nhắc đến bài thơ Vương Kiến Xuyên gửi mẹ và ca ngợi Vương Kiến Xuyên “vì tổ quốc không tiếc máu nhuộm chiến kỳ”.
Thời báo Hoàn Cầu tường thuật, ông Bình ca ngợi Vương Kiến Xuyên không sợ khổ, không sợ chết. Ông dẫn điển cố “hiệp lộ tương phùng dũng giả thắng”, đại ý lâu nay khi hai bên đối địch chạm trán nhau chỗ hiểm địa không thể rút lui, ai dũng mãnh hơn sẽ thắng để nhắc nhở tập đoàn quân 14.
Ảnh chụp màn hình Google News cho thấy tờ Phượng Hoàng, QQ News, Nhân Dân nhật báo đưa tin này và giật tít có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ hai nước. Nội dung chữ Hán gọi Vương Kiến Xuyên là “liệt sĩ” là của truyền thông Trung Quốc.
Tờ Quân giải phóng Trung Quốc và Bắc Kinh buổi sớm ngoài việc đưa tin này còn đăng lại chi tiết tiểu sử Vương Kiến Xuyên trong đó cho biết: Xuyên quê huyện Nghiễn Sơn tỉnh Vân Nam, thuộc biên chế đại đội 3 tiểu đoàn 1 thuộc đơn vị độc lập phiên hiệu 35207 trung đoàn 118, sư đoàn 40 tập đoàn quân 14.
Tài liệu công khai do truyền thông Trung Quốc đăng tải cho thấy Vương Kiến Xuyên nhập ngũ tháng 1/1984, tử trận ngày 28/4/1984 năm 19 tuổi khi tham gia chiến tranh biên giới (chống phá Việt Nam, cho đến giờ không ít phương tiện truyền thông Trung Quốc vẫn tuyên truyền xuyên tạc là “phản kích tự vệ chống Việt Nam”).
Khi đưa tin hoặc dẫn lại nội dung ông Tập Cận Bình thị sát tập đoàn quân 14, nhiều tờ báo đã lấy nội dung ông Tập Cận Bình vinh danh Vương Kiến Xuyên để đặt tít gây sự chú ý, và đương nhiên có thể dẫn đến những đồn đoán, suy luận không hay cho quan hệ Việt – Trung.
Quan hệ 2 nước vừa trải qua một khoảng thời gian căng thẳng do Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5 năm ngoái. Nhạy cảm hơn nữa là thời điểm truyền thông Trung Quốc đưa tin này trùng với khoảng thời gian diễn ra cuộc Hải chiến Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh Biên giới phía Bắc – PV.
Tờ Quân giải phóng Trung Quốc bản điện tử (chinamil.com.cn) cũng đưa tin giật tít gây sốc. Ảnh chụp màn hình bài báo, ảnh nhân vật Vương Kiến Xuyên.
Lịch sử không thể thay đổi, không thể lãng quên, nhưng lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã đều thống nhất “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì lợi ích của nhân dân cả 2 nước thì việc lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là người đứng đầu không nên đưa ra những nhận xét, bình luận nào liên quan, nhất là lại đi vinh danh kẻ chết trong cuộc chiến phi nghĩa này, bởi cuộc chiến là nỗi đau và mất mát của người dân cả 2 nước.
Một số tờ báo lớn của Trung Quốc khi đưa tin lại cố tình khai thác vào một nội dung nhỏ trong chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình và dùng nó để giật tít. Chưa biết điều này nhằm mục đích giật gân câu khách hay còn ám chỉ một thông điệp nào đó đằng sau, nhưng suy cho cùng việc đưa tin như vậy gây bất lợi cho quan hệ giữa hai nước láng giềng, làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam cũng như người dân Trung Quốc đã từng có người thân thiệt mạng trong cuộc chiến phi nghĩa do Bắc Kinh gây ra – PV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét