Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Khi ai đó chửi tôi phản động, tôi như nhìn thấy chính mình của 7 năm về trước

THĐP

Khi đọc những dòng comment của những cô bé cậu bé chửi mình là “phản động”, tôi như nhìn thấy chính mình của 7 năm về trước. Tôi không còn lòng dạ nào để trả lời bọn nó, những đứa em chưa mở mắt nhìn đời.
Tôi chợt nhớ về gia đình mình dạo ấy – bảo bọc tôi như trứng nước trong nhà, xa chính trị và xa rời xã hội. Thứ tôi biết là Cách Mạng vinh quang, là ơn Bác, ơn Đảng đã dày công dìu dắt. Tôi chửi tất đứa nào chống Đảng, chống Cách Mạng và hỗn hào với Bác.

Tôi ra trường đi làm cho doanh nghiệp, theo giám đốc tiếp các đoàn kiểm tra. Nào vệ sinh môi trường, nào bảo hộ lao động, nào thuế má, nào phòng chống cháy nổ….Mỗi đoàn hai ba người, mỗi người một phong thư. “Không đưa không được” là câu mà giám đốc cứ lập đi lập lại. Trong khi anh em văn phòng, thợ máy, thợ sơn yêu cầu tăng lương thì chỉ nhận được câu “Công ty khó khăn.” Thế đấy!
Rồi tôi cũng xin được học bổng du học khoảng 1 năm sau khi đi làm. Hai năm học chưa có lần nào tôi phải góp tiền “bồi dưỡng” giảng viên như thời ở Việt Nam, dù lúc ấy tôi học không tệ chút nào. Tôi đi làm, cần mẫn tỉ mỉ, được đề bạt làm trưởng nhóm, được tăng lương sau 6 tháng. Thế là tôi lại làm hăng hơn nữa. Những lần tôi đi làm thủ tục, giấy tờ không có ai đề nghị tôi đưa ra đồng nào để giấy tờ nhanh hơn. Hầu hết các loại giấy đều được giải quyết trong một buổi, lâu nhất cũng chỉ 1 tuần. Vì sao?
Ở cái nước mà ngày trước cứ nhắc tới là nghe nói bị khủng bố, bạo loạn suốt ngày này tôi chỉ thấy người ta chăm sóc từng li từng tí đến mỗi một trường hợp trẻ khuyết tật, chăm sóc đến tận răng từng con chó con mèo. Giá mà ở nước tôi người ta cũng chăm sóc người già, người bệnh như thế. Tại sao giữa nghe nói và chứng kiến nó lại khác đến vậy?
Tôi thường trầm tư nghĩ về Việt Nam mình, tôi đọc những tờ báo mạng tiếng Việt. Nay phanh thui ông xã này, mai phanh thui ông tỉnh nọ. Chỗ thì tai nạn giao thông, chỗ thì thanh niên chém giết vì những lý do ất ơ. Có chuyện gì đang diễn ra ở đất nước bình yên của tôi vậy? Tôi điện về cho gia đình, bố mẹ kêu tôi ráng sống tốt, cố gắng nhập tịch để còn bảo lãnh cho em tôi qua cùng…Tại sao? Tại sao lại như vậy?
Bố nói rằng xã hội bây giờ loạn lắm, ra đường phải dòm trước ngó sau, bị cướp giật, bị chặt tay cướp xe lúc nào không biết. Họ nói làm việc với chính quyền lúc nào cũng phải xì tiền. Tôi hỏi sao không tố cáo? Họ nói tố cáo cũng không thay đổi được gì, chỉ chuốc họa vào thân. Thằng này bị kỷ luật thì thẳng khác thay thế nó cũng vô đó.
Cái xã hội nước tôi nó tù túng như vậy sao? Sao ngày trước không ai nói cho tôi biết điều đó? Tại sao? Họ cho tôi đi du học là để tôi được yên thân bên này chứ không muốn tôi trở về nữa. Thế rồi tôi đọc được bài Du học, đi đi đừng về trên Triết Học Đường Phố…còn có bao nhiêu người như tôi và tác giả bài viết ấy?
Tôi muốn thay đổi xã hội VN, tôi muốn xây dựng quê hương mình phải tốt như nước người ta. Thế rồi tôi tìm hiểu về chính phủ và cách vận hành của chính quyền. Tôi nhìn thấy sự khác biệt, tôi đọc báo chính trị và quan tâm đến những cuộc đấu đá của các Đảng phái để dành quyền lực, đọc về những tin tức Đảng này tố Đảng kia thiếu minh bạch trong bầu cử, trong điều hành. Các Đảng kèn cựa nhau từng chút một. Đảng cầm quyền luôn phải giữ mình thật “sạch” để lấy lòng dân. Cho đến lúc đó tôi mới biết chính trị nước người ta khốc liệt như thế nào, vậy mà mấy năm sống ở đây tôi chẳng để ý gì.
Nhưng có một điều tôi vẫn chưa hiểu là vì sao họ lại đấu sống đấu chết để tranh dành làm gì? Họ có lợi gì? Tôi không hiểu. Nhưng tôi muốn chia sẻ những điều đó. Ấy vậy mà khi nói đến đa Đảng với những người tôi quen, với bạn bè thì ai cũng phản đối. Họ bảo tôi bị Việt Tân mua chuộc, họ bào tôi “phản động”. Tại sao vậy??? Ai đó cho tôi câu trả lời được không?
Những ngày nay tôi thường vào THDP đọc, tôi nhận thấy đâu đó những suy nghĩ tương đồng với mình. Họ cũng giống tôi, có nhiều người giống tôi. Tôi muốn tham gia với họ.
Xém tí là tôi quên, quên những đứa đàn em đang tuổi học sinh ngày ngày thể hiện lòng yêu nước mù quáng trên mạng. Tôi không trách chúng, tôi chỉ trách gia đình chúng. Họ cũng giống như bố mẹ tôi, biết rõ bản chất xã hội nhưng vì an toàn cho con mình mà không để chúng biết những gì đang diễn ra xung quanh. Giá mà họ “người lớn” hơn thì xã hội Việt Nam sẽ không rời vào tình cảnh như bây giờ.

Trần Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét