Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN có gì khác biệt?

Việt Hà, phóng viên RFA

2015-03-05
000_Hkg9227927-305.jpg
Ảnh minh họa chụp ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013.   AFP PHOTO
Your browser does not support the audio element.

Dự thảo Báo cáo chính trị đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra định nghĩa mới về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kể từ sau khi Đảng cộng sản Việt nam lần đầu tiên đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thập niên 1990 đến nay, nhiều kinh tế gia và các nhà phân tích cho rằng đảng vẫn chưa ra được một định nghĩa rõ ràng về khái niệm mới này. Tại sao Đảng cộng Sản Việt Nam đưa ra định nghĩa mới vào lúc này và định nghĩa mới có gì khác biệt với nguyên lý chung mà Đảng đã đề ra trước đó về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản VN và vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế? Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS.

Cốt lõi không thay đổi?



Trước hết nói về định nghĩa mới trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là không có gì thay đổi ở đây cả, về hành văn, về câu chữ, những lời hoa mỹ thì có thể thay đổi nhưng về cốt lõi như những gì chị vừa nói là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế thị trường nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam… những điểm như thế vẫn hệt như cũ. Nó chứa đựng những thứ mà nói khiếm nhã là ngớ ngẩn, nó mâu thuẫn nhau trong nội bộ những ý. Tất nhiên, người ta nói nhấn mạnh vào chuyện có sự quản lý của nhà nước nhưng tôi nghĩ chả có nước nào mà không có sự quản lý của nhà nước cả nhưng quản lý như thế nào mới là vấn đề. Ở đây được nêu là dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì hỏng bét hết. Và nếu mà người ta tiếp tục đường lối như thế thì tôi nghĩ rằng sẽ không có bước đột  phá trong kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên bản thân nền kinh tế cũng không phụ thuộc lắm vào những câu văn của nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi nghĩ là không có gì thay đổi ở đây cả, về hành văn, về câu chữ, những lời hoa mỹ thì có thể thay đổi nhưng về cốt lõi như những gì chị vừa nói là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế thị trường nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
-TS Nguyễn Quang A
Tôi thường nói với mọi người là mức độ họ có thể làm hại đối với nền kinh tế cũng chỉ ở mức giới hạn nhất định bởi vì có những lực lượng không quan tâm gì đến hành văn của văn kiện đảng cộng sản là gi cả. Tất nhiên nó có thể ảnh hưởng đến họ, nhưng về cơ bản nền kinh tế vẫn phát triển theo đường của nó bất chấp người ta muốn kiểu gì. Nói cách khác, lẽ ra trong một đường lối kiến tạo cho sự phát triển thì nền kinh tế có thể phát triển một cách lành mạnh, khu vực kinh tế tư nhân trong nước có thể mạnh mẽ hơn lên. Với đường lối thế này thì nó có thể làm hại mà hại nhiều chứ không phải là không. Nhưng mà mức đấy cũng có hạn thôi chứ không phải tất cả.
Việt Hà: Đảng cộng sản Việt Nam từ 20 năm nay chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng mà chỉ nói chung chung về lý luận như vậy. Nhưng đến bây giờ thì đưa ra định nghĩa mới. Theo ông tại sao bây giờ họ mới đưa ra?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng họ không phải là họ không đưa ra đâu. Trước đó họ cũng nêu rõ ở nơi này nơi kia. Họ nêu rõ là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một, hai, ba bốn, năm sáu, bảy… cách nói như thế thì họ nói rồi chứ không phải bây giờ họ mới nói. Còn bây giờ nó có chuyện theo tôi nghe ở bên ngoài thì thấy là có một số lực lượng, nhất là bên hành pháp muốn ghi rất rõ ràng không có chủ đạo gì cả và thị trường nói chung không thôi và không có các tính từ bổ ngữ đằng sau nữa. Nhưng mà cái giới bên thủ cựu bên đảng vẫn giữ nguyên như cũ. Những hội thảo vừa rồi nêu các định nghĩa, tôi không biết những ai đã dự cuộc đấy nhưng tôi nhìn sơ sơ thì không có thay đổi gì đâu.
Việt Hà: Tại sao cho đến lần này đưa ra định nghĩa mới trong dự thảo này Đảng cộng sản vẫn không thay đổi chút nào kể cả trong vấn đề doanh nghiệp nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là nói chỉ chứng tỏ một điều là họ sợ những cái thực sự không đáng sợ bởi vì bỏ cái điểm như tôi vừa nói là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì nền kinh tế chỉ tốt lên, mà nền kinh tế tốt lên thì uy tín của bộ phận lãnh đạo cũng tốt lên. Nhưng họ không đủ tự tin đến như vậy. Chứng tỏ là họ sợ. Đấy là theo tôi tôi nghĩ như vậy. Cũng có một điểm mà họ có lý là họ muốn vẫn muốn ôm các doanh nghiệp nhà nước để họ có thể đạo diễn những con số làm sao để cho nó phù hợp với kế hoạch và thành tích của  họ. Tôi nói ví dụ nền kinh tế đặt ra 5,8% nhưng chỉ đạt 5,7 thôi thì họ có thể lệnh cho Petro Việt nam thêm triệu tấn, Vinacomin khai thác thêm nửa triệu tấn than xuất đi, như thế thì nó tăng lên mức đẹp cả kế hoạch nữa. Như thế thì người ta ghi vào thành tích của người ta. Về khía cạnh thực dụng thì họ có lý thực dụng của họ như vậy. Với một nền kinh tế nói chung thì đó là một cách làm tai hại.
Việt Hà: Trong định hướng phát triển XHCN trong 5 đến 10 năm tới thì người ta nói đến năm 2020 thì sẽ phấn đấu hoàn thiện cơ bản hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Theo ông mục tiêu mà họ đề ra như vậy có khả thi hay không?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng họ đặt ra khả thi hay không khả thi đối với họ cũng không quan trọng bởi vì có bao giờ họ nhìn lại một cách nghiêm túc rằng những vấn đề mà họ đặt ra nó có đạt hay không đạt, nó dở hay nó hay ở chỗ nào. Ở đây một số người vẫn cố bám lấy cái định kiến của mình và muốn áp đặt cái định kiến ấy lên cả một đảng, tôi nghĩ đơn thuần nó chỉ là như vậy thôi.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét