Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Những Ngã Rẽ (6)

Vietstudies

Hồi ký  Dương Văn Ba
Chương 5
LÀM CHÍNH TRỊ – VÀO QUỐC HỘI
Tôi xuất thân là một thầy giáo.
Lúc đi học, từ tiểu học đến đại học, luôn luôn là một người học giỏi. Học là phân tich và tổng hợp. Cái đầu của tôi, may mắn trời phú cho, phân tich nhanh tổng hợp mau. Học để nhớ và sau đó để quên. Do vậy, phải học nữa. Bởi vì trong việc học luôn  luôn có cái mới. Không chỉ học ở trường mà còn học ở người khác, ở trong đời (đời là giao tiếp, cọ xát. Tồn tại và phát triển khoẻ mạnh, còn đủ sức cọ xát nữa mới là đời).


Cọ xát nhẹ, mạnh, tình cờ hay cố ý. Mọi biến đổi trong xã hội do có cọ sát. Phải có năng lượng mới có cọ xát. Cọ xát sinh ra năng lượng để tiếp diễn những cái mới. Có người gọi đó là biện chứng. Cũng có người gọi đó là biến dịch. Có biến dịch mới có phát sinh. Biện chứng khác hơn dòng nước. Dòng nước chảy mãi không ngừng. Biện chứng có thể do cọ xát nhiều chiều nhiều mặt. Biện chứng là luân lưu là đổi mới. Dòng chảy của cuộc sống có nhiều biến hóa hơn dòng chảy của thác Niagara. Dòng biện chứng lắm giông tố thác gềnh, bao la, trăm chiều biển cả. Con người lặn ngụp trong dòng chảy của cuộc sống không buông xuôi. Chỉ có chết mới đem lại sự buông xuôi. Chúng ta lặn ngụp trong dòng chảy cuộc sống không phải như cánh bèo. “Bèo dạt hoa trôi”. Mỗi người như con cá trong đại dương. Cá kình hay cá chép là do trong cọ xát của dòng chảy, mỗi người đã vận động, như thế nào, đến mức nào, với những ai.
Dòng chảy trong cuộc đời thầy giáo của tôi sớm gặp nhiều khúc quanh.

Quan hệ rủ rê, một định mệnh
Năm 1965, giáo sư Lý Chánh Trung gởi lời mời chúng tôi đến nhà ông ở Làng Đại học Thủ Đức dự một buổi họp mặt. Chúng tôi có 3 anh em: giáo sư Trần Bá Phẩm, Lâm Văn Bé và tôi.
Trong cuộc họp mặt đó, kỹ sư Võ Long Triều xuất hiện. Có cả Hồ Ngọc Nhuận, bác sĩ Hồ Văn Minh. Bà Tô Thị Viễn giáo sư, tiến sĩ Anh văn, học ở Anh quốc về, Hiệu trưởng trường London School, vợ của kỹ sư Triều thiết đãi mọi người món trừu nướng ăn với cous cous Á Rập. Bia lon Ham, rượu Johnny Walker, Coca Cola được đem ra uống. Giáo sư Lý Chánh Trung nói: “tao nghèo không có những thứ này. Đây là của vợ chồng Võ Long Triều lo”. Hôm đó không khí rất đông vui. Có Nguyễn Bá Nhẫn kỹ sư học ở Bordeaux, Nguyễn Khắc Thành Giám đốc nhà máy đường Hiệp Hòa, Bành Ngọc Quý giáo sư ở Bạc Liêu. Có giáo sư Nguyễn Văn Trường, Đại học khoa học, giáo sư Lê Thanh Liêm trường Cao Thắng, kỹ sư Lê Văn Danh Đại học Bách khoa, ký giả thể thao Lý Quý Chung (một người trẻ, đẹp trai, ăn nói lưu loát).
Hôm đó trước đông đảo anh em trí thức trẻ miền Nam, kỹ sư Võ Long Triều có nói: “đã tới lúc anh em mình nên hợp tác lại làm một cái gì đó có lợi cho dân miền Nam. Không thể để cho nhóm Nguyễn Cao Kỳ muốn làm gì thì làm trên phần đất quê hương của chúng ta”. Kỹ sư Triều đề nghị hợp lại lập một mặt trận chính trị công khai hoạt động cho quyền lợi của các tỉnh phía nam. Nhiều người có vẻ tán thành ý kiến của anh Triều. Giáo sư Trần Bá Phẩm hăng hái ủng hộ.
Giáo sư Lý Chánh Trung đưa ý kiến: “mình nên xuất bản một tờ tuần báo và để có ý nghĩa, tuần báo nên đặt trụ sở ở Mỹ Tho”.
Hầu hết mọi người đồng ý với đề xuất của ông Trung. Anh Trần Bá Phẩm và tôi được phân công về Mỹ Tho mời bác sĩ Trần Văn Tải đứng tên xin phép xuất bản báo với tư cách chủ nhiệm.
Tuần lễ kế tiếp, giáo sư Lý Chánh Trung, kỹ sư Võ Long Triều có cả nhà báo Lý Quý Chung xuống MỹTho gặp bác sĩ Tải. Bác sĩ Tải đồng ý nhận trách nhiệm vì ông vừa là bác sĩ vừa có máu làm văn thơ.
Tôi còn nhớ giáo sư Lý Chánh Trung, miệng luôn luôn ngậm ống pipe, tự lái chiếc xe Chevrolet 6 máy sơn màu xanh lá cây cũ kỹ từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho. Các ông trí thức Sài Gòn gặp gỡ giới trí thức Mỹ Tho, bác sĩ Trần Văn Tải, bác sĩ Trần Văn Trực hàn huyên với nhau tâm đầu ý hiệp.
Tôi được bác sĩ Trần Văn Tải và giáo sư Lý Chánh Trung chọn làm Tổng thư ký tòa soạn của báo Tiếng Gọi Miền Tây. Anh Võ Long Triều về Sài Gòn gặp ngay Nguyễn Cao Kỳ để xin giấy phép ra báo. Cộng tác với báo còn có giáo sư Lê Thanh Liêm, giáo sư Phan Công Minh, giáo sư Trần Văn Nghĩa. Mọi thủ tục được tiến hành thật nhanh, không đầy một tuần lễ đã có giấy phép. Anh Võ Long Triều chịu trách nhiệm đi tìm sự ủng hộ về tài chinh. Anh Âu Trường Thanh có góp phần (anh Thanh gốc người Gò Công) giáo sư Nguyễn Đình Đầu, công giáo, tích cực ủng hộ. Luật sư Trần Ngọc Liễng cũng góp một tay…
Mỹ Tho bỗng nhiên trở thành trung tâm hoạt động văn hóa chính trị của các tỉnh phía nam. Tuần báo Tiếng Gọi Miền Tây ra mắt ngay trong vòng 5 tuần lễ sau cuộc họp mặt đó. Tôi vừa dạy học, vừa viết báo, vừa lo sửa bản in, vừa lo trình bày với sự tiếp sức của giáo sư Lê Thanh Liêm, Phan Công Minh, Trần Bá Phẩm, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Cầu, Võ Văn Điểm (bút danh Võ Trường Chinh).
Làm báo lúc đó, thể hiện một hành động dấn thân chính trị, nói lên một tiếng nói hiện diện và góp mặt. Chúng tôi hiện diện nơi đây giữa đồng bằng nam bộ, các thế lực chính trị, các thế lực chính quyền công khai hay bí mật, các anh nên nhớ và phải biết tới vùng sông nước và đầm lầy này.
Báo Tiếng Gọi Miền Tây cụ thể hóa hành động dấn thân tham gia sinh hoạt chính trị. Nhóm kỹ sư Võ Long Triều, giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Văn Trường phát pháo và trở thành trung tâm đoàn kết. Trái bóng được tung ra giữa sân chơi chính trị. Ngay tiếp theo sau đó là phong trào vận động thành lập Đại học Cần Thơ. Kế đó nữa, nhóm Võ long Triều, Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Trường, Trần Ngọc Liễng được Thiệu Kỳ mời tham gia nội các chiến tranh.
–    Kỹ sư Võ Long Triều, Ủy viên Thanh niên
–    Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Ủy viên Giáo dục
–    Giáo sư Âu Trường Thanh, Ủy viên Kinh tế
–    Luật sư Trần Ngọc Liễng, Ủy viên Xã hội
Trong nội các chiến tranh, các ủy viên chính là các Bộ trưởng. Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (Quốc trưởng), Nguyễn Cao Kỳ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng).
Bốn người trí thức đầu đàn của các tỉnh phía Nam xuất hiện trên sân khấu chính trị nổi bật. Trên báo chí Sài Gòn lúc đó có nhiều sự kiện sôi động rộn ràng.
Lần đầu tiên, đội bóng đá của Sài Gòn sang Mã Lai tranh giải bóng đá toàn Đông Nam Á, giải Merdeka, lẫy lừng đoạt cúp vô địch. Bộ trưởng Thanh niên Võ Long Triều nhờ đó hưởng phần danh dự do công lao sắp xếp động viên khích lệ các cầu thủ miền Nam.

Trí thức “xăn tay áo”, lội bùn
Cùng xuất hiện với Võ Long Triều trong phong trào phát triển thể dục thể thao, có một ông phụ tá Bộ trưởng Thanh niên rất hiếu động làm nên nhiều chuyện nổi đình nổi đám, ông Hồ Ngọc Nhuận. Một giáo sư, một thanh niên rất thành công trong hoạt động xã hội, trong các tổ chức hoạt động cộng đồng. Dưới “triều đại” Võ Long Triều và Hồ Ngọc nhuận, không khí hoạt động xã hội của các giới thanh niên, nhất là của sinh viên học sinh đi vào chiều sâu, phát triển rộng, ồn ào sôi nổi có nhiều tiếng vang.
Hồ Ngọc Nhuận, bác sĩ Hồ Văn Minh cùng một số thanh niên trí thức đã khá thành công trong hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng ở các quận 8, quận 6 và quận 11. Lúc đó, với sự thúc đẩy của kỹ sư Võ Long Triều, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nổi hứng giao cho nhóm thanh niên trí thức thử nghiệm chương trình Xây Đời Mới. Trong cuốn hồi ký mới đây của Kỳ, xuất bản tại Mỹ, Kỳ xác nhận đã từng đồng ý giao cho Võ Long Triều và các anh em của Triều toàn quyền  làm cuộc cách mạng xã hội thí điểm ở ven đô thành. Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh đã đưa chính quyền quận 8 hoà đồng với dân lao động, xây dựng đổi mới các xóm nghèo, các khu ổ chuột, các bãi rác to lớn như bãi tha ma thành những khu nhà ở sạch sẽ có điện có nước, có nhà vệ sinh tự hoại bằng chính sức dân, bằng chính sự lao động dấn thân của lớp trí thức trẻ cùng ăn cùng ở cùng làm với dân. Chính quyền không chỉ tay năm ngón xóa đói giãm nghèo. Chính quyền cùng với dân tìm phương cách tạo ra phương tiện từ trên những khó khăn, thiếu thốn để cải thiện dân sinh. Ông Quận trưởng quận 8 Hồ Ngọc Nhuận cùng nhiều kỹ sư, bác sĩ, đại học quốc gia hành chinh, thầy giáo, mỗi người một việc “xắn tay áo, xăn quần” cùng với dân lội vào những bãi sình, những nơi dơ dáy đầy rác rưởi tìm cách thực hiện việc đổi đời.
Chương trình Xây Đời Mới ở quận 8, quận 6, quận 11 là thí điểm cải cách xã hội, giao toàn quyền cho đám thanh niên trí thức, “ thử phổi” các anh em, thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ  xem tự họ có làm được gì không, bằng chính trái tim khối óc của họ, hoà hợp cùng với dân khi họ có đầy đủ quyền hành trong tay. Trên thực tế, nhóm thanh niên trí thức này đã thành công. Tinh thần xung phong, tình nguyện vượt khó không phân biệt giai cấp nghèo giàu, cùng với đầu óc sáng tạo muốn đổi mới của họ đã đánh động được lòng dân, họ đã làm được nhiều điều mà trước đây người ta không thể tưởng và cho đến nay sau mấy chục năm, nhân dân vùng quận 6 – quặn 8 – quận 11 vẫn còn nhiều người nhắc tới. Những giáo sư Võ Văn Bé, Hồ Công Hưng, Uông Đại Bằng, Phó Đốc sự Mai Như Mạnh, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Bác sĩ  Hồ Văn Minh và nhiều nữa…những tên tuổi thanh niên hăng hái đầy nhiệt tình, trong sạch được dân ngoại thành Sài Gòn lúc đó tin tưởng giống như những bông hoa tươi đầy sức hút, vuợt nở trên bãi lầy của chính quyền thời đó.
Đâu ngờ, ngọn lửa đổi mới ở các quận ven đô vừa bùng lên, vừa bắt đầu tỏa sáng, mưa bão chính trị của chế độ cũ đã nổi lên chận đứng, dập tắt. Hục hặc giữa Thiệu và Kỳ trong việc tranh ghế, tranh quyền đã khiến Đô trưởng Sài Gòn, bác sĩ Văn Văn Của, tay chân của Nguyễn Cao Kỳ, bị thay thế bởi Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, người theo phe Thiệu và Đặng Văn Quang. Đại tá Nhiễu nắm quyền chỉ huy đô thành Sài Gòn Chợ Lớn lập tức buộc nhóm Hồ Ngọc Nhuận phải bàn giao kế hoạch Xây Đời Mới và chương trình phát triển cộng đồng các quận ven đô cho phe cánh của Thiệu.

Tham gia chính trị, vào quốc hội
Ngọn gió đổi mới tắt lịm dần từ sau năm 1967, nhưng các cải cách đã được dân địa phương ủng hộ, chương trình xây đời mới đã hậu thuẫn nhiều người trẻ nhiệt huyết đưa họ vào quốc hội chế độ cũ.
■ Bước 1: Nhà báo Lý Quí Chung đã đắc cử Dân biểu Quôc hội Lập Hiến đầu năm 1966 với sự ủng hộ công khai của chương trình xây đời mới ở quận 8.
Cũng vào thời kỳ đó tại nhiều nơi khác ở miền Nam, nhiều người trẻ đã mở cửa đi vào quốc hội theo xu hướng mới.
Kỹ sư canh nông Nguyễn Hữu Chung đắc cử ở Phú Bổn. Thầy giáo Phan Xuân Huy, một con gà của Phật giáo, đắc cử ở Đà Nẵng.
Thầy giáo Bành Ngọc Quý thắng cử ở Gò Công. Tại Đà Lạt và Lâm Đồng hai thầy giáo trẻ, theo đạo Thiên Chúa thắng trận. Đó là thầy giáo Nguyễn Hữu Hiệp, thầy giáo Lê Thành Châu.
Thời Ngô Đình Diệm, lọt được vào quốc hội thường là người có tuổi, có tài sản, có địa vị xã hội.
Thời Nguyễn Văn Thiệu giới trẻ tham gia hoạt động chính trị sôi nổi. Phải chăng do ngẫu nhiên của tình hình đất nước? Hay do có sự vận động của các thế lực Công giáo, Phật giáo, các nhóm trí thức muốn thổi vào bầu không khí  chính trí ngột ngạt ở miền Nam một luồng sinh khí mới, sôi nổi, bộc phá. Một phần Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự và trực tiếp đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, đối ngược lại, các thế lực thân Mỹ cũng gây náo động trong sinh hoạt chính trị với sự xuất hiện của giới trí thức trẻ trong các cơ chế dân cử, cùng lúc đó diễn đàn báo chí được mở rộng ồn ào.
■ Bước 2: Nhóm kỹ sư Võ Long Triều, kỹ sư Nguyễn Bá Nhẫn, kỹ sư Nguyễn Khắc Thành đầu năm 1966 đã thành lập Phong trào chính trị Phục Hưng miền Nam.
Trong cuộc tranh cử Hạ nghị viện, Phong trào nầy đưa nhiều người trẻ ra ứng cử chinh thức hoặc không chính thức. Vận động tài chính để ủng hộ các ứng cử viên vẫn là kỹ sư Võ Long Triều, kỹ sư Nguyễn Bá Nhẫn. (Có người nói, kỹ sư Triều chơi thân với Nguyễn Cao Kỳ, có thể lấy một phần tiền từ phía của Tướng Râu Kẽm, một phần vận động sự tài trợ của các nhà trí thức miền Nam).
Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung ứng cử ở đơn vị quận 1, quận 2.
Bác sĩ Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ứng cử ở quận 6, quận 8.
Nguyễn Hữu Hiệp ứng cử ở Đà Lạt.
Bành Ngọc Quý ứng cử ở Gò công
Ngô Công Đức ứng cử ở Trà Vinh (Vĩnh Bình)
Dương Văn Ba ứng cử ở Bạc Liêu.
Thật ra không biết anh Võ Long Triều vận động được bao nhiêu tài chính, nhưng những người nói trên đều có sự yểm trợ của anh. Những người ứng cử ở đơn vị Sài Gòn Chợ Lớn, tốn nhiều tiền hơn. Các con gà ở tỉnh tốn ít tiền vận động hơn. Nhưng tự lực của mỗi người ngoài bộ máy vận động bầu cử lớn, nhỏ do chính mình sắp xếp, họ vẫn phải bỏ ra một phần lớn tài chinh để chi xài trong suốt 30 ngày vận động tranh cử. Guồng máy vận động tốt, sức bật của cá nhân từng người mạnh, chiêu bài tranh cử của từng người có phù hợp với nhân dân địa phương hay không, chính quyền có quyết liệt tổ chức gian lận bầu cử hay không, đó là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại.
Nói chung, trong kỳ bầu cử Hạ nghị viện 1967, chính quyền Thiệu – Kỳ có lẽ nhận được chỉ đạo của các cố vấn Mỹ tại một số địa phương và nhất là ở Sài Gòn Chợ Lớn, họ thả cho “đánh võ tự do” để xem màu sắc chính trị của các nơi vào lúc đó. Lớp ứng cử viên trẻ bằng cách phân tích thời sự chính trị đất nước rõ ràng, bằng khả năng ăn nói lưu loát, bằng lập trường đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, đòi hỏi thực hiện tự do dân chủ, họ đã tạo ra được luồng gió mới mẻ trong dư luận quần chúng, chinh phục được cảm tình của nhân dân lao động ở các thành thị miền Nam. Người ta trông đợi ở họ những bước bộc phá, muốn thấy ở họ một lập trường dứt khoát chống chiến tranh, đòi hỏi độc lập và xây dựng dân chủ triệt để.
Về phía Mỹ, họ muốn thử nghiệm màu sắc chính trị, nhiệt độ nóng lạnh trong tâm lý quần chúng, muốn thử nghiệm một cuộc bầu cử tương đối tự do để tìm hiểu nhân dân các nơi ở miền Nam đứng ở vị trí nào, xu hướng chính trị ra sao, đỏ hay vàng, hồng hay xanh. Trong kỳ bầu cử đó, các cố vấn Mỹ muốn thử xem trăm hoa đua nở. Các cán bộ, tình báo của họ đã thăm dò dư luận các từng lớp dân chúng, họ đặt tay mắt ở khắp nơi để lấy màu sắc và nhiệt độ, đoán trước và chờ kết quả cuối cùng của ngày bầu cử. Bóng dáng của những người thanh niên Mỹ làm công tác thăm dò dư luận ẩn hiện ở khắp nơi. Đó là một thời kỳ thuận tiện để những người mới có sức bật, có năng lực đáp đúng nguyện vọng của dân, chiến thắng. Nhiều thành phần thật sự có quần chúng ủng hộ đã thắng cử. Nhiều nhân vật trẻ với lập trường chống chiến tranh đòi dân chủ không đứng về phe chính quyền đã lọt được vào quốc hội.
Màu sắc của các tôn giáo nổi rõ. Ở miền Tây đại diện của hai ba phe Hòa Hảo có mặt trong Hạ Nghị Viện. Nhóm Cao Đài Tây Ninh chiếm được một số ghế.  Nhiều đại biểu của Phật giáo miền Trung thuộc phe chống đối chính quyền, cũng có mặt tại nghị trường. Phía Công giáo đương nhiên có nhiều ghế vì đa số là những người thân chinh. Các Đảng phái nhỏ như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín cũng có được tiếng nói chính thức.
Bàn cờ dân chủ được chính phủ Thiệu và phía Mỹ bày ra. Cuộc cờ cũng có nhiều pha éo le gay cấn tạo nên bầu không khí khá sôi động từ tháng 10-1967.

Trường hợp tỉnh Bạc Liêu
Thử phân tich cuộc bầu cử Hạ nghị viện năm 1967 đơn vị tỉnh Bạc Liêu, để xem lúc đó thái độ của phía Mỹ như thế nào, chính quyền Thiệu Kỳ muốn gì, nhân dân Bạc Liêu có xu hướng nào và phía Mặt Trận Giải phóng miền Nam chọn thái độ nào đối với cuộc bầu cử đó.
Tại Bạc Liêu lúc đó có 8 ứng cử viên người Việt Nam và 2 ứng cử viên người Khờ Me. Cuộc bầu cử có 2 người thắng. Một Việt, một Khờ Me.
– Phía thân chính quyền tỉnh và chính quyền Sài Gòn gồm có những người sau đây:
– Lâm Hoàng Hôn- một tay cựu thư ký Toà Hành chinh, giàu có. Hằng ngày chuyên ăn nhậu với các quan chức có thế lực trong tỉnh.
– Trương Hữu Thành – người gốc Hoa lai (Quảng Đông) Nghị viên Hội Đồng hàng tỉnh. Giàu có thường xuyên quan hệ với Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng và các sĩ quan quân đội.
– Nguyễn Xuân Thu – Giám đốc thương mại của công ty Hàng không Air Việt Nam, em ruột của Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ là ông Nguyễn Xuân Phong. Ứng cử viên Thu còn là con của “Trường Tiền Thạch”, Trưởng ty Công chánh thời Pháp. Thu vừa có thế lực, vừa có nhiều tiền.
– Tạ Thị Nguyệt – một người đẹp, con của đại địa chủ ở huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) từng học ở Pháp, vợ của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Cương, giáo sư đại học, cố vấn kinh tế của Nguyễn Cao Kỳ.
– Phía ứng cử viên độc lập:
– Bác sĩ  Lý Quốc Bằng, quân y sư đoàn 21, gốc người Bắc di cư năm 1954, mới về công tác tại Bạc Liêu 4 năm.
– Thầy giáo Dương Văn Ba, sinh đẻ tại Bạc Liêu, cha mẹ và bà con thân tộc ở cùng khắp các nơi trong tỉnh, lúc nhỏ học ở Bạc liêu, đến măm 15 tuổi lên Sài Gòn học, có nhiều quan hệ với giáo chức trong cả tỉnh.
– Phía ứng cử viên người Khờ Me:
– Thạch Phen, trí thức Khờ Me, nguyên đại úy quân đội, ứng cử viên độc lập.
– Kim Sang nguyên Đại uý quân đội, ứng cử viên thân chinh quyền.
Một tháng trước khi bầu cử, mọi người đều biết nếu cuộc bầu cử tương đối tự do, phía ứng cử viên Khờ Me, Thạch Phen sẽ thắng vì mấy lý do sau đây: Thạch Phen là người trí thức đỗ bằng Thành chung (diplôme) từng làm nhân viên Toà án Bạc Liêu. Khi bị động viên ông ta vào quân đội thăng chức đại uý có lúc làm Quận trưởng Vĩnh Châu. Thạch Phen được các sư sãi người Khờ Me ủng hộ, anh ta rất bình dân. Người Khờ Me, Bạc Liêu rất kính trọng.
Riêng cuộc tranh cử phía 8 ứng cử viên Việt Nam, tình hình sôi nổi gay gắt, chưa biết ai sẽ thắng ai.
Lợi thế của hai ứng cử viên thân chính quyền địa phương: được Toà tỉnh trưởng và một số công chức ủng hộ. Một số cán bộ xã ấp tham gia vận động cho 2 người này. Nhưng chính họ cũng đã tự chia đôi lực lượng vì chỉ có một ứng cử viên đắc cử.
Lợi thế của hai con gà đến từ Sài Gòn: có nhiều tiền, được sự che chở của chính quyền Sài Gòn và sự nể vì của chính quyền địa phương. Nhưng kỳ bầu cử này chính quyền Sài Gòn được lệnh cho đánh võ tự do ở một số địa phương, nên 2 ứng cử viên Sài Gòn cũng chia mất phiếu của 2 con gà được chính quyền tỉnh hỗ trợ. Điểm yếu của cặp gà Sài Gòn: không có hệ thống thân thuộc ở khắp các làng, xã.
Riêng 2 ứng cử viên độc lập có những khác biệt rất lớn.
Bác sĩ Lý Quốc Bằng, dù có màu áo quân đội và có danh hiệu bác sĩ nhưng không có gốc rễ ăn sâu trong các làng xóm. Ông Bằng là người mới sống ở Bạc Liêu không đầy bốn năm, hệ thống bạn bè của ông không đông đảo. Trước mắt cử tri, ông cũng là người của chính quyền, ông cũng là yếu tố làm mất đi thế mạnh của phe thân chánh. Một nguồn phiếu bị chia làm năm: một phần cho hai con gà thân chánh địa phương, một phần cho hai con gà thân chánh trung ương, phần bác sĩ Bằng cũng làm phân tán số phiếu nói trên.
Do đó, lợi thế mạnh nhất thuộc về ứng cử viên Dương Văn Ba. Các ưu điểm của thầy giáo Ba có thể phân tích như sau:
– Trẻ, ăn nói lưu loát (gốc là một nhà giáo dạy Triết học và Quốc văn).
– Lập trường chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức, chống quan liêu bè phái. Những điều này phù hợp với lòng dân lúc đó.
– Có nhiều nguồn lực hậu thuẫn từ quần chúng:
– Là một thầy giáo, ông Ba tranh thủ được hầu hết sự ủng hộ của giáo chức trong tỉnh.
– Là người gốc Bạc Liêu, ông Ba có hệ thống bà con thân quen khắp các làng xã. Bạn bè cùng lứa tuổi với ông khá đông đảo đang công tác trong nhiều ngành trong tỉnh.
– Là người gốc Hoa, khi vận động tranh cử ông Ba khai thác rất mạnh lợi thế này. Thân phụ của ông Ba là một người có uy tín trong giới người Hoa tại Bạc Liêu. Chính thân phụ ông Ba đích thân đi khắp nơi trong các làng, xã, các chợ, móc nối giới người Hoa ủng hộ cho con mình.
– Ông Ba phát huy được lợi thế gia đình gốc Phật giáo. Ba má của ông có uy tín với các Ban đại diện của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu.
– Cha Sở Họ Đạo Bạc Liêu là Linh mục Nguyễn Văn Nhì nhiệt tình ủng hộ thầy giáo Ba vì lúc nhỏ thầy giáo Ba là học sinh của trường Công giáo Bạc Liêu. Dù không phải người công giáo, số phiếu của cử tri công giáo dành cho thầy giáo Ba khá lớn. (Sau khi giải phóng xong mới lộ rõ thêm một lý do tại sao cha Nguyễn Văn Nhì ủng hộ Dương Văn Ba, cha Nhì gốc có quan hệ với cộng sản ở Bình Định từ xưa).
– Chiến lược tranh cử của ông Ba khá khôn khéo: tranh thủ giới trẻ, tranh thủ giáo chức, tranh thủ bạn bè làm ở khắp các ngành trong tỉnh, tranh thủ người Hoa, tranh thủ Phật giáo, Công giáo. Đặc biệt, công khai liên kết với ứng cử viên người Khờ Me Thạch Phen. Ông Phen và ông Ba được toàn bộ giới sư sãi người Khờ Me ủng hộ. Đối với người Khờ Me, các sư chủ các chùa, nói gì về chính trị dân Khờ Me đều nghe theo.
– Ông Ba còn được một lợi thế mà các ứng cử viên khác không ngờ tới: thầy giáo Ba là bạn thân của thầy giáo Lâm Phi Điểu, Hiệu Trưởng trường Sư phạm Vĩnh Long. Thầy giáo Điểu là em của Tỉnh trưởng Bạc Liêu, Trung tá Lâm Chánh Ngôn. Vì vậy Trung tá Ngôn đã không quyết liệt ăn gian bầu cử. Chỉ cần ông ta khoanh tay thả lõng, cuộc đánh võ tự do đã nghiêng phần thắng về thầy giáo Ba.
Với những ưu thế gần như tuyệt đối kể trên, cộng với tổ chức vận động tranh cử nhiệt tình và rộng khắp, được sự tận tụy  cổ vũ của hệ thống đông đảo các cổ động viên, những người vì nghĩa không màng đến lợi lộc, cộng với một lập trường độc lập với chính quyền, với Mỹ, với Thiệu, luôn luôn kêu đòi thực hiện dân chủ chấm dứt chiến tranh, hoà giải với những người Việt Nam với nhau, thầy giáo Dương Văn Ba đã thắng cử với đa số phiếu gần như tuyệt đối.
Phân tich kỹ các lý do thắng cử, thầy giáo Ba nhận thấy một điều mà trong cuộc tranh cử ông không dám công khai bộc bạch: đó là sự ngấm ngầm ủng hộ của các cán bộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam Tỉnh Bạc Liêu. Những người này đã ngầm vận động dân các vùng “xôi đậu” bỏ phiếu cho dấu hiệu bồ câu trắng ngậm bông lúa trên bông lúa có treo ngôi sao 5 cánh  (dấu hiệu của ứng cử viên Dương Văn Ba).
Xin nói một kỷ niệm về dấu hiệu này. Trước khi nộp đơn ra ứng cử dân biểu, tôi và một người bạn đi xe đò từ chợ Bạc Liêu xuống Huyện Giá Rai. Xe xuống tới Giá Rai, vừa bước xuống, tình cờ tôi nghe một chị bán bánh tét (bánh tét Giá Rai ngon nổi tiếng) đọc 2 câu thơ:
Chiến tranh khổ lắm ai ơi
      Bồ câu ngậm lúa khắp nơi hoà bình
Tôi nói nhỏ với người bạn: “mình chọn dấu hiệu chim bồ câu trắng ngậm bông lúa “ vì đây có lẽ là duyên tiền định. Anh bạn tôi đồng tình nhưng thêm: “trên bông lúa ta phải treo cái ngôi sao 5 cánh” tôi hiểu ý người bạn: ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho 5 giới sĩ, nông, công, thương, binh. Và ngôi sao 5 cánh cũng có thể ngầm hiểu tranh thủ sự ủng hộ của phía bên trong (mặt trận).
Sau giải phóng, mới lộ ra anh bạn của tôi là con của một ông sư nổi tiếng tại Bạc Liêu, ông sư đó có gốc theo cộng sản từ lúc còn trẻ ở quê Bến Tre. Sau ngày giải phóng, tôi có gặp ông Năm Quân (Lê Quân) nguyên Phó Bí thư tỉnh Bạc Liêu, ông nhắc lại: “hồi bầu cử 1967 tụi tui ở bên trong hết sức vận động nhân dân bỏ phiếu cho chú (chú em). Lúc đó anh Tám Bí thư Khu Ủy (Võ Văn Kiệt) có phân tich tình hình và chỉ đạo – Nếu ta không phá được cuộc bầu cử vì tương quan lực lượng lúc đó còn yếu, ta tập trung ủng hộ những người trẻ trí thức ở các nơi trong khu 9, để những người này làm ngòi nổ trong cuộc đấu tranh chính trị hợp pháp sắp tới”.
Sự thắng cử của tôi ở Bạc Liêu, của Ngô Công Đức ở Trà Vinh, của Lý Quí Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh ở Sài Gòn phải chăng gián tiếp có sự ủng hộ của phía bên kia. Đây là một cuộc chơi chính trị, phía Mỹ và phía Thiệu buộc phải đánh lá bài tự do dân chủ bề ngoài, phía bên trong Mặt Trận cũng tương kế tựu kế lấy gậy ông đập lưng ông, còn phía các thanh niên trí thức chúng tôi lúc đó với bầu nhiệt huyết  sẵn có, dựa vào biến chuyển của thời cuộc, cứ theo con đường lý tưởng mà xốc tới.

Ý nghĩa của một sự thắng cử 
Trong mười người tranh cử dân biểu ở Bạc Liêu, tôi và anh Thạch Phen là hai người yếu thế và lực nhất. Tôi và Thạch Phen không được cảm tình của chính quyền Sài Gòn, không được hậu thuẫn của các giới chức có thế lực trong tỉnh. Các Quận trưởng, Xã trưởng, các cấp chỉ huy quân đội thời bấy giờ hầu hết đều không ủng hộ chúng tôi. Lẻ tẻ một vài nơi, một vài người ở trong chính quyền và quân đội có cảm tình ngầm ủng hộ chúng tôi vì các mối quan hệ thân quen cũ. Chiêu bài tranh cử của chúng tôi là chống chiến tranh, đòi hòa bình, đa số người dân bỏ phiếu cho chúng tôi thắng, chứng tỏ khát vọng hoà bình lúc đó đã lên đến cực điểm. Họ bỏ phiếu cho chúng tôi là giao cho chúng tôi sứ mạng đấu tranh đòi hòa bình và dân chủ .
Tôi còn nhớ rõ suốt kỳ vận động bầu cử, tôi tốn không nhiều tiền. Nhớ lại, nhắc lại như một kỷ niệm… Khi tôi quyết định về Bạc Liêu tranh cử, kỹ sư Võ Long Triều ủng hộ tôi 40 ngàn đồng (bằng 2 lạng vàng). Vợ chồng chúng tôi lúc đó gom góp lại cũng được thêm 40 ngàn đồng. Các anh em giáo sư trường trung học Bạc Liêu đứng đầu là 2 anh Trương Vĩnh Án (hiệu trưởng), anh Huỳnh Trung Nghĩa (Giám học – hiện nay ở Mỹ) ngấm ngầm quyên góp tiền bạc của các anh em giáo sư ủng hộ được 20 ngàn đồng. Bà Quản Phan, trên 60 tuổi, một bà dì có quan hệ bà con bên vợ gom góp ủng hộ cho tôi được một lạng vàng. Ba má tôi lúc đó cũng cho tôi 20 ngàn đồng.
Trong quá trình vận động, bà con bán tôm cá ở chợ Bạc Liêu cũng gom góp cho tôi được mấy ngàn đồng. Các bạn học hồi nhỏ như thầy giáo Khương cho vài trăm đồng, thầy giáo Tựu cho 50 đồng, mấy cô bạn gái làm cô giáo góp cho được vài trăm. Một số ban đại diện Phật giáo ở các xã cũng góp cho một số tiền. Các sư sãi người Khờ Me ủng hộ tiền cho Thạch Phen cũng khá.
Tôi liên kết với ứng cử viên Thạch Phen tổ chức chung một Ban vận động tranh cử gồm có ba sắc tộc người Việt, người Hoa lai và người Khờ Me. Các cổ động viên, các người đi dán bích hương, phát truyền đơn cho chúng tôi đều tự nguyện, không lấy tiền chỉ cần một ly nước trà, một ly nước đá, một gói xôi là đủ. Chúng tôi đã hoà lẫn được trong nhiều giới đồng bào. Ở các xã các ấp, nhiều người có uy tín tự nguyện đại diện và làm tai mắt cho chúng tôi. Họ báo cho chúng tôi biết những động tịnh đen tối mà phe thân chính quyền định bày ra để phá phách chúng tôi trong các cuộc nói chuyện trước dân chúng. Ngày bầu cử, tất cả những người đại diện cho chúng tôi tại các phòng phiếu đều là người tình nguyện, hơn thế nữa những giáo chức được chính quyền chỉ định kiểm phiếu và ghi biên bản kết quả kiểm phiếu đa số là những người có cảm tình với tôi. Cho nên nhất cử nhất động tôi đều có người theo dõi, nắm bắt tình hình.
Tiền bạc cũng cần thiết để làm chi phí tối thiểu trong một cuộc tranh cử. Nhưng những người có nhiều tiền hơn chúng tôi gấp bội, các cán bộ vận động tranh cử của họ được đãi ngộ nhiều thứ tiền bạc vật chất. Kết quả những người lắm tiền, chi vô số tiền bạc đều thua tôi và Thạch Phen trong cuộc “đấu võ đài tự do” trước mắt nhân dân. Dân Bạc Liêu trong kỳ bầu cử đó đã tin, đã giao cho tôi và Thạch Phen nhiệm vụ đấu tranh cho hòa bình, không được đi theo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, họ giao cho chúng tôi nhiệm vụ chống áp bức, chống bất công đối với người nghèo. Giới trẻ, giới trí thức Bạc Liêu thời đó đã đặt hy vọng vào chúng tôi .
Tôi còn nhớ mãi nhiệt tình của họ trong lúc vận đông tranh cử, họ đi ngày đi đêm khắp các xã ấp để phát truyền đơn Bồ câu bông lúa hòa bình. Không khí náo động của đêm thắng cử vẻ vang tại chợ Bạc Liêu, trước công trường rạp hát Nam Tiến, những người trẻ đó, cả những phu xích lô, những anh đẩy xe ba gác, họ đã công kênh tôi lên giữa công trường, đã thức trắng đêm để ăn mừng cho một niềm hy vọng mới.
Chính họ, những người trẻ vô danh, những người lao động bình thường nhất, những người dân ngay thẳng mộc mạc khắp các xã ấp Bạc Liêu, chính họ đã nhắn gửi tôi: anh không được đi theo con đường của Nguyễn Văn Thiệu, của Mỹ. Tôi đã cố gắng làm điều đó.
Như đã nói ở chương 3 của cuốn sách này, lúc dạy học ở Mỹ Tho, tôi có dịp chơi thân với gia đình bên vợ ông Nguyễn Văn Thiệu.
Khi vào Quốc hội, tôi là người trẻ tuổi nhất, đương nhiên theo luật bầu cử trong 3 tháng đầu, tôi là Tổng thư ký Hạ nghị viện. Còn ông Nguyễn Bá Lương, lớn tuổi nhất, niên trưởng kiêm chức Chủ Tịch.
Khi tôi theo phe đối lập, nhiều ý kiến chống đối của tôi được đăng tải trên báo chí. Ông Nguyễn Văn Thiệu rất bực mình, có lần ông tuyên bố với các nhà báo trong và ngoài nước: “Dương Văn Ba là tên hỗn nhất nước”.
Chị Năm Jacqueline, chị của bà Thiệu, một lần vào Quốc hội (nhà hát Thành phố bây giờ) thăm tôi tại phòng Đệ nhất Phó Tổng thư ký Hạ nghị viện. Chị nói: “Thằng Ba, sao mày quên tình chị em. Mày chống ông Thiệu làm chi, đó là mày không khôn. Tình chị em, nếu mày muốn gì kể cả làm Bộ trưởng Thông tin, tao và con Bảy (vợ Thiệu) đủ sức lo cho mày. Bỏ đối lập đi, cái gì em cũng sẽ có”. Tôi đã vô cùng cám ơn chị Năm Jacqueline, vì nhớ tới những ngày ở Mỹ Tho đầy kỷ niệm. Nhưng tôi đã trả lời chị: “Chị đừng buồn, em đã lỡ đi theo con đường khác với ông Thiệu, không thể quay lại được”. Đó là kỷ niệm của tôi với chị Jacqueline, một người đàn bà đẹp, hiền dịu. Tôi và thầy Lâm Văn Bé đang sống ở Canada lúc nào cũng kính mến, chúng tôi không thể quên những ngày dạy học ở trường Nguyễn Đình Chiểu.

Tại sao tôi đi theo con đường chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu?
Tôi gốc là một thầy giáo học triết học, thích thơ văn. Tôi đỗ thủ khoa Khóa 4 Đại học Sư phạm Đà Lạt. Đối với chúng tôi cuộc đời phải có những lý tưởng trong sáng. Thầy dạy học tôi, mặc dầu thời gian ngắn, giáo sư Lý Chánh Trung đã để lại trong tôi hình ảnh đáng kính của một người trí thức thanh sạch, từng du học ở Châu Âu, khi về nước vẫn chấp nhận làm một thầy giáo nghèo, có lúc dạy học ở trường tư thục Long Đức Trà Vinh.
Thời kỳ 60-65 đa số thanh niên trí thức đều nung nấu trong lòng một tình yêu nước âm ỉ, nồng nàn, luôn chờ cơ hội bộc phát. Khi học ở Đại học Đà Lạt hình ảnh cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập thân thiết với chúng tôi như cha con trong gia đình, người đã dạy chúng tôi đạo đức làm người lương thiện, đi theo đường ngay lẽ phải. Chúng tôi là những Thụ Nhân, những cây thông con mọc giữa núi đồi Đà Lạt, phải đứng sừng sững không cong queo. Cha Lập một truyền nhân đã đem tới cho chúng tôi niềm tin tưởng vào lẽ sống ngay ngắn, hòa đồng, tin vào tương lai. Tôi xin kể một kỷ niệm về sự ngay ngắn, cứng cõi, về sự độc lập của người Viện trưởng Đại học trước áp lực của chính quyền lúc đó.
Năm 1968 khoảng tháng 9, cha Viện trưởng Đại học Đà Lạt có tổ chức Lễ Tốt nghiệp Khóa đầu tiên của trường Đại học Chính trị Kinh doanh thuộc Viện Đại học Đà Lạt (niên khóa 1964 – 1968 ). Lễ trao bằng tốt nghiệp cho gần 100 sinh viên khóa Quản trị Kinh tế đầu tiên ở Việt Nam, cha Nguyễn Văn Lập tổ chức long trọng. Ngài  mời Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, một người Công giáo lên chứng kiến và Chủ toạ danh dự buổi Lễ.
Trong dịp đó Viện Đại học Đà Lạt mời một cựu sinh viên về họp mặt và phát biểu cảm tưởng. Cựu sinh viên đó chính là tôi, người được cha Lập chọn, một danh dự lớn lao cho đời sinh viên của tôi.
Lúc đó tôi đã là một dân biểu đối lập, phát biểu nhiều ý kiến chống đối rùm beng trong Hạ Nghị Viện, tôi còn công khai viết nhiều bài xã luận trên nhật báo Tin Sáng, nhật báo Thời Đại Mới.
Tình cờ trong những người ra đón Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại sân bay Liên Khương Đà Lạt, cha Nguyễn Văn Lập kêu tôi đi theo. Ông Thiệu thấy tôi đứng cạnh cha Lập, nét mặt ông vẫn bình thường. Trên đường từ sân bay Liên Khương về Đà lạt, cha Lập ngồi chung xe với ông Nguyễn Văn Thiệu. Cha Lập báo cáo chương trình buổi lễ, trong đó có bài phát biểu cảm tưởng của Dương Văn Ba. Khi nghe tới mục này, ông Thiệu không hài lòng, nói với cha Lập: “Thưa cha, con không muốn thấy người này đọc diễn văn trước mặt con, xin cha sắp xếp lại”. Cha Lập trả lời: “Thưa Tổng thống, rất tiếc tôi không biết ý kiến của Tổng thống trước. Bây giờ mọi chương trình đã sắp đặt. Với tư cách Viện trưởng Đại học, tôi không thể hủy bỏ việc đó vì phải tôn trọng danh dự cựu sinh viên, cũng là bảo vệ danh dự của Viện trưởng Đại học Đà Lạt. Xin Tổng thống tha lỗi”. Ông Thiệu không được vui trong buổi lễ đó, mặc dù bài phát biểu của tôi không có tính chính trị, chỉ ca ngợi công ơn cuả người Viện trưởng và mái trường xưa.
Những bí mật này, không có gì ghê gớm lắm, nhưng tôi chỉ được biết sau đó 30 năm vào năm 1998 trong một lần tới thăm cha Nguyễn Văn Lập tại nhà thờ Fatima – Bình Triệu. Lúc đó cha đã trên 90 tuổi. Cha vẫn còn sáng suốt, tiếp hai vợ chồng tôi. Cha cho xem một cái áo pull trắng lớn, trên đó có in hình “Thụ Nhân – biểu tượng cây thông xanh” với hàng ngàn chữ ký của cựu sinh viên Đại học Đà Lạt đang ở khắp nơi trên thế giới. Cha có cho tôi ký một chữ vào đó, có lẽ không phải chữ ký cuối cùng.
Sau đó khoảng 2 năm cha mất đi với sự mến tiếc của nhiều ngàn học trò của cha trên khắp thế giới và ngay tại Sài Gòn.
Câu chuyện cha Lập thuật lại cho vợ chồng chúng tôi nghe ngày đó rất rõ ràng tỉnh táo. Cha nói: “Trước đây cha không muốn nói cho con nghe. Bây giờ nó đã trở thành một kỷ niệm không thể quên nên cha nhắc tới”.
Thái độ của cha Lập đối với người đứng đầu chính quyền Sài Gòn lúc đó rất thẳng thắn, nói lên quan điểm về tự trị đại học, truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Đại học là tự trị, độc lập với chính quyền mọi thời kỳ. Đại học đào tạo nên những con người cho tương lai, chứ không phải đào tạo nên con người thời vụ. Cha Lập lúc về già đã nhắc cho chúng tôi nhớ sự thẳng thắn, chân thật bắt buộc phải có nơi một người trí thức.

Gốc gác nông dân và gốc “phản Thanh phục Minh”
Yếu tố gia đình của tôi cũng góp phần tạo nên thái độ chính trị của tôi lúc làm dân biểu.
Hình ảnh mà tôi nhớ nhất là cha tôi dù đã lớn tuổi vẫn một thân một mình đạp chiếc xe đạp kiểu đàn ông cộc cạch cộc cạch đi khắp các làng xã quanh Bạc Liêu để vận động người dân bỏ phiếu cho tôi.
Khi tôi đắc cử, tôi đứng về phía đối lập, cha tôi không một lời trách móc, ông còn tỏ dấu ủng hộ tôi. Bà má của tôi vốn là một phụ nữ ở trong vùng kháng chiến, từng đi theo phụ giúp kháng chiến, cho nên bà cũng đồng tình về thái độ chính trị của tôi lúc ở Quốc hội.
Gia đình tôi thuộc vào loại dư dả chút đỉnh. Hàng ngày ba má tôi vẫn phải lao động, mua bán vất vả để có miếng ăn. Có lần tôi thuật lại cho cha tôi nghe về ý kiến của chị vợ ông Thiệu, muốn tôi bỏ phe đối lập, đi theo ủng hộ chính quyền. Tôi thuật cả việc dược sĩ Nguyễn Cao Thăng Phụ tá Tổng thống Thiệu có mời tôi đến nhà riêng ăn cơm chiêu dụ tôi theo chính quyền. Ông Nguyễn Cao Thăng có hứa ngoài việc trợ cấp bao thư “lì xì” mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ chính quyền, Phủ Tổng thống sẽ can thiệp với Tỉnh trưởng Bạc Liêu chia phân nửa tổng số quota đường, sữa, bột mì hàng tháng cho gia đình tôi. Mỗi tháng tỉnh Bạc Liêu có quota 1.000 tấn đường cát trắng, 1.000 tấn bột mì, 1.000 thùng sữa hộp. Lãnh được phân nửa số quota đó, tôi có thể bán cho các hiệu buôn lớn của người Hoa ở chợ Bạc Liêu, làm giàu thật nhanh chóng. Trong lúc gia đình tôi không giàu, đó là một món lợi béo bở, kéo dài 3-4 năm trời. Nhưng ba má tôi đã không ham việc đó. Ba tôi nói: “Con làm dân biểu mà làm giàu kiểu đó người dân Bạc Liêu sẽ ta thán. Thôi mình chấp nhận có gì ăn nấy, làm việc gì đừng hổ thẹn lương tâm là tốt rồi”.
Cái gốc nông dân, lao động chân chính của cha tôi, thừa hưởng từ đời ông nội tôi đã khiến cho chúng tôi không bị cám dỗ bởi tiền bạc. Mặc dù bản thân tôi có nhiều lúc thiếu thốn, nhưng nhìn những người ủng hộ chung quanh tôi, những người nghèo lam lũ, những cô những bác xóm giềng lúc nào cũng động viên tôi đi theo con đường đúng, tôi không có khả năng quay ngược lại.
Nếu tin ở ảnh hưởng của huyết thống đối với khí tiết của con cháu, tôi xin nhắc thêm ông cố ngoại tôi gốc người Quảng Đông, thuở thanh niên đã đứng theo phe phản Thanh phục Minh bên Trung quốc. Bị rượt đuổi truy bắt bởi nhàThanh, ông cố ngoại tôi đã cùng với 3 người thanh niên khác đóng bè vượt biên về Việt Nam. Bè của ông đã trôi giạt vào đất Vĩnh Châu- Bạc Liêu khoảng gần cuối thế kỷ 19.
Ông cố ngoại tôi lên đất Trà Nho một vùng đất rẫy pha cát biển lập nghiệp. Ông đã thành đạt trở nên giàu có, chủ công-xi rượu lớn, một trong những ông Bang họ Trần đầu tiên của đất Vĩnh Châu. Ông ngoại tôi mang dòng máu khí phách giang hồ của cha ông, cũng từng sống một đời này đây mai đó. Ông có máu nghệ sĩ nên lập gánh hát tuồng của người Hoa, đem gánh hát đi lưu diễn, bỏ ngoại tôi. Ông ngoại tôi đã chết trên đường phiêu bạt. Tôi còn nhớ rõ má tôi thường hát những bài hát rất hay bằng tiếng Hoa lúc tôi còn nhỏ. Những kỷ niệm về một thời thơ ấu, từng theo mẹ về quê ông ngoại ở đất Vĩnh Châu với những vườn rau cải, vườn hành đỏ, vườn dưa, với những ghe lưới biển không thể nào xóa nhòa trong đầu óc của tôi.
Tôi lớn lên mang dòng máu của những người muốn làm một cái gì đó khác lạ để đổi đời. Tôi không thể nào quên hình ảnh của cha tôi khoảng năm 1945 – 1946 bị lính kín của Tây ruồng bố bắt giam lỏng ngoài sân phơi lúa, nắng cả ngày, cùng với hàng trăm đàn ông khác chờ đưa về bót bên chợ Bạc Liêu. Ngày đó mẹ tôi, đứa em trai kế tôi và tôi đã khóc tức tưởi như đàn gà lạc bầy. Mẹ tôi và chúng tôi phải nhịn đói, may mắn có người ở xóm quen với lính kín mới xin lãnh cha tôi về được.
Cảnh Tây đi ruồng, cảnh lính kín xét nhà bắt người trói thúc ké, cảnh thằng trõng chết trôi, cảnh mấy tên lính Maroc đầu đội khăn đỏ, đi quần gái ở khắp xóm làng, nhửng cảnh tượng luôn gây lo âu, sợ hãi ở các vùng nông thôn được lặp đi lặp lại đã để lại trong đầu óc trẻ thơ của tôi mặc cảm không ưa kẻ cầm quyền.

Làm thiện …hưởng thiện
Tôi làm dân biểu được mấy tháng, xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Tôi nhớ đó là đêm mồng một tết.
Đêm đó tôi, vợ tôi và 2 đứa con ngủ bên nhà bà mẹ vợ ở chợ Bạc Liêu. Nửa đêm bỗng nghe tiếng súng nổ vang rền đều khắp. Tôi nhủ thầm: mấy ông Việt cộng đã tấn công Bạc Liêu. Vặn đài phát thanh Sài Gòn mới biết không phải chỉ Bạc Liêu mà cả Sài Gòn và khắp nơi đều có tiếng súng nổ. Thế là đã có cuộc tổng tấn công.
Tại chợ Bạc Liêu, tiếng súng đánh nhau giòn giã ở khu Miễu ông Tề, khu xóm mới, khu xóm làng. Hàng mấy trăm nhà ở khu Xóm Lò gạch bị bốc cháy. Khu chợ không có tiếng súng, mọi nhà mọi cửa tiệm đều đóng im thin thít.
Đến 7-8 giờ sáng nhiều người trong khu chợ,  mới dám ra đường. Lúc đó mới biết trận đánh vẫn còn tiếp diễn, đánh nhau lẻ tẻ dọc theo kinh Cả Phượng, khu Lò gạch, khu xóm làng và khu cầu Hứng gió.
Nhiều người đã đổ xô ra đường để xem tình hình. Hàng trăm người đổ về khu Lò gạch để xem nhà cháy.
Tôi còn nhớ có một thầy giáo tên Hứa Hiền Thinh. Anh ta lúc nhỏ có theo một hai người anh đi vào khu kháng chiến, nhưng đến trước năm 1953, anh ta trở về thành, lò dò đi làm thầy giáo. Không biết thầy giáo Thinh có mối thù gì với kháng chiến, với Việt cộng mà sáng hôm đó 30 – 4 – 1968 thầy giáo Thinh lại là người chỉ dẫn cho lính tiểu khu Bạc Liêu đi bắt một số người lính giải phóng còn trốn trong nhà dân. Cảm giác của tôi lúc đó, mặc dù không theo phe Việt cộng, nhưng không chịu nổi hành động “khốn nạn” của thầy Thinh. Tôi với thầy gốc người cùng chung xóm Lò heo Mới Bạc Liêu, cùng là gốc thầy giáo, nhưng sự ghê tởm hành động chỉ điểm của thầy đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi.
Trận đánh Tết Mậu Thân ở Bạc Liêu gây nổi kinh hoàng cho dân ngoài chợ. Họ có cảm giác chính quyền tỉnh và cả sư đoàn 21 Bộ binh không đủ sức đảm bảo an ninh cho họ. Trong mấy ngày tiếp theo, đêm đêm, tỉnh trưởng Bạc Liêu Lâm Chánh Ngôn rủ tôi vào dinh ông ta để nhậu và ngủ lại đó.
Anh Tạ Kim đại diện của tôi ở Bạc Liêu và các bạn của tôi là lục sự Đỗ Khắc Tường, giáo sư Tạ Văn Bo, thầy tu “Đại đức Thích Quãng Thiệt” tiến hành ngay công tác cứu trợ đồng bào bị hỏa hoạn Tết Mậu Thân.
Dịp đó tôi vội vã lên Sài Gòn, với tư cách Phó Tổng Thư ký Quốc hội, gặp ngay Bộ Trưởng Bộ Thương binh Xã hội bác sĩ Nguyễn Xuân Quế xin đặc biệt yểm trợ tôi cứu trợ cho dân bị hỏa hoạn ở Bạc Liêu.
Bác sĩ Quế đồng ý cấp ngay cho tôi 1.500 cái mùng tuyn, 1.500 cái mền và một số đường sữa, bột mì. Làm sao chở ngay số hàng cứu trợ đó về Bạc Liêu? Tôi nghĩ  đến một ông bạn Mỹ tên là Colebaugh, Đệ nhị Tham vụ Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Tôi nhờ anh ta tìm giúp tôi máy bay chở hàng về Bạc Liêu. Chỉ trong vòng 24 giờ sau, Colebaugh đã giúp tôi đưa hàng về đến sân bay Bạc Liêu.
Số hàng đó tôi giao cho anh Tạ Kim tổ chức phân phối ngay cho dân bị hỏa hoạn ở Xóm Lò gạch. Tỉnh Trưởng và Trưởng Ty Xã hội Bạc Liêu lúc đó tỏ vẻ “không khoái” vụ cứu trợ của tôi. Lý do: Hàng cứu trợ tôi lãnh về nhanh chóng đến tay dân trước khi chính quyền tỉnh có biện pháp ủy lạo. Hơn thế nữa, có số hàng của tôi, phía Tỉnh mất một phần “quota” cứu trợ do chính phủ Sài Gòn tiếp tế.
Cũng sau thời kỳ Tết Mậu thân khoảng 6 tháng, anh Tạ Kim, lục sự Tường, giáo sư Bo tới tấp giao cho tôi nhiều đơn xin của dân gởi chính quyền Sài Gòn được bảo lãnh chồng con đang bị bắt làm tù binh giam ở trại Phú quốc. Số hồ sơ lên đến gần 400 người. Tôi nhờ anh Tạ Kim, Đại đức Thích Quảng Thiệt sắp xếp hướng dẫn họ làm đầy đủ thủ tục có địa chỉ rõ ràng.
Số hồ sơ đó kể cả có hình ảnh kèm theo, tôi mang lên Sài Gòn trực tiếp gặp Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, vận động ông ta cho lệnh thả.
Ông Nguyễn Văn Vỹ đồng ý, yêu cầu tôi có công văn chính thức can thiệp của quốc hội. Tôi vào quốc hội làm ngay công văn ký tên bảo lãnh cho những người đó được thả về nhà làm ăn. Tôi ký tên với tư cách Đệ Nhất Phó Tổng Thư ký Quốc hội.
Vài tuần lễ sau văn phòng của tôi nhận được giấy báo có lệnh thả những người đó yêu cầu tôi báo cho thân nhân họ ra Phú Quốc lãnh về. Họ nghèo làm sao có đủ tiền ra Phú quốc. Văn phòng của tôi lúc đó trợ cấp cho mỗi người đi lãnh chồng con về một số tiền, đủ trả tiền tàu xe, tiền ăn dọc đường.
Tôi nghĩ: những người tôi lãnh về là những thanh niên Việt Nam có cha me, vợ con ở nhà, họ đáng được thả về dù bất kể họ là ai.
Tôi rất cám ơn ông Nguyễn Văn Vỹ, gốc Miền Bắc một Trung tướng từng đi lính Pháp, thân phe Nguyễn Cao Kỳ. Ông ra lệnh thả những người đó (gần 400 người). Ông đã nghĩ gì? Có lẽ một phần muốn “fair play” với tôi trong buổi đầu mới có Quốc hội. Hay do ông hời hợt không nghĩ nhiều đến vấn đề bảo vệ an ninh quốc phòng: dám mạnh tay ký thả gần 400 người trong thời gian 6 tháng, những người đã cầm súng bắn ngược lại phe cánh của ông, một ngày nào đó có thể bắn sụp cái ghế ông đang ngồi, bắn nát cái lon ông đang gắn trên mũ.
Hay là trong đầu ông, dù ở chức vị cao to như thế, đã lởn vởn tư tưởng “chiến tranh thúi nát, vô nghĩa”, tình người Việt Nam vẫn còn trong trái tim ông? Ông Nguyễn Văn Vỹ khi thả những người tôi xin, cũng khiến cho tôi suy nghĩ nhiều, vì tôi không xin thả thường dân, mà thả những cán binh theo cộng sản.
Đầu óc tôi lúc đó nghĩ gì? Bổn phận của tôi là cứu những người dân Việt Nam bị hoạn nạn. Đối với tôi họ là lính quốc gia hay lính cộng sản cũng giống nhau. Tôi đại diện cho những người Việt Nam muốn có hòa bình.
Nói theo đạo Phật, có lẽ lúc đó tôi “đã gây được cái nhân thiện”, tôi đã mở cửa nhà tù cho hàng mấy trăm người về với vợ con họ. Sau năm 1975, nhiều người gặp tôi ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau biết tôi tên là Dương Văn Ba, chạy tới chào hỏi, nhắc lại hồi đó họ được tôi can thiệp thả ra khỏi nhà tù Phú Quốc.
Bản thân tôi  đã hưởng được cái quả thiện. Tôi bị chế độ này kết án tù chung thân vào cuối năm 1987. Nhưng nhiều người, kể cả một vài ông lớn của chế độ một số báo chí đã vận động thả tôi ra trước hạn tù. Tôi đã được thả sau khi ở tù 7 năm 4 tháng. Tôi đã được hưởng quả lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét