Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Ai đang ‘phá bĩnh’ quan hệ Việt – Mỹ?

BBC

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nói Hoa Kỳ sẵn sàng ‘tiếp sức’ cho con rồng Việt Nam ‘cất cánh.’

Các mối quan hệ Mỹ – Việt trong thời gian gần đây, đặc biệt từ sau khi tân Đại sứ Hoa Kỳ, ông Ted Osius, tới nhận nhiệm vụ ở Việt Nam, đã được tiến triển khá ‘nhanh chóng’, ‘tích cực’ và ‘nồng ấm hơn’, theo một nhà bình luận và phân tích tình hình chính trị – xã hội Việt Nam từ trong nước.


Tuy nhiên, vẫn theo ý kiến này, mỗi khi có một động thái tiến bộ trong quan hệ Mỹ – Việt, thì lại có dấu hiệu của những động thái cản trở ‘thọc gậy bánh xe’ ở trong nội bộ lãnh đạo, nhà cầm quyền Việt Nam, đặc biệt là ‘trong ngành an ninh’.
Hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một hiệp hội trong xã hội dân sự độc lập vốn không được sự thừa nhận của nhà nước, nói:
“Chuyện này quá dễ hiểu, không có một giả thuyết nào khác ngoài chuyện phá bĩnh mối quan hệ Việt – Mỹ có vẻ như đang nồng ấm hơn, để làm cho cái gọi là mối quan hệ Việt – Trung ‘keo sơn’ hơn.
“Tôi cho là những chính khách thân Bắc Kinh, họ không muốn nhìn thấy Hà Nội ngả về Washington dù chỉ là hình ảnh.
“Và mỗi lần có những động thái như thế nào đó giữa Hà Nội và Washington để gắn kết hoặc tái lập, bình thường hóa một số phương diện nào đó, thì lập tức lại bị một số chính khách thân Bắc Kinh phản ứng,” ông Dũng nêu quan điểm, trong khi bình luận về sự kiện Đại sứ Mỹ mới có bài phát biểu cỗ vũ tăng cường quan hệ Việt – Mỹ tại Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).

Trung Quốc muốn gì?

Cũng hôm thứ Sáu, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, xác đinh với BBC tính phức tạp trong quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung, mà theo ý kiến này, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không muốn quan hệ Việt – Mỹ ‘ấm lên’ và hai bên ‘xích lại gần nhau’.
Bình luận nhân Đại sứ Mỹ Ted Osius thăm Đại học Quốc gia và trước câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đã đang có những động thái ‘kéo lùi lại, làm chậm trễ’ mối quan hệ Việt – Mỹ để có lợi cho ‘tính toán’ của Trung Quốc hay không, Giáo sư Vũ Minh Giang, đương kim Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo của VNU, nói:
“Tôi nghĩ rằng ý đó ai đó nói tôi không có căn cứ gọi là tư liệu, nhưng về mặt logíc là hoàn toàn có thể. Bởi vì tôi đã đọc, nghiên cứu thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) nhiều năm trở về trước, thì Trung Quốc cũng có những động thái để làm cho Việt Nam chậm trễ quá trình này.
“Thế nhưng mà cuối cùng (Việt Nam) vẫn gia nhập WTO. Có một thực tế là sự phát triển hùng mạnh của Việt Nam, dường như, có vẻ như không phù hợp lắm với mong muốn của Trung Quốc.
“Điều này tôi thấy trong lịch sử đã như vậy rồi, và cái này các loại giáo trình, giáo án rồi tài liệu nghiên cứu đã nói rồi.
“Từ thời kỳ Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, cho đến thời kỳ xây dựng đất nước, thì có một thực tế mình (Việt Nam) có nói rằng Việt Nam luôn luôn muốn xây dựng mối quan hệ rất tốt đẹp với Trung Quốc, và cái đó là thật tâm, cái đó là cái từ xa xưa ông cha của người Việt Nam đã làm và trong thực tế cũng đã làm.
“Nhưng mà dường như đối với những gì mà Trung Quốc thể hiện, họ có những mục tiêu có tính chất quốc gia, dân tộc của họ, thì những nước xung quanh hùng mạnh, hình như không phù hợp lắm với cái mà họ mong muốn.
“Vì vậy, có những động thái nào đó làm cho nó chậm trễ, hay là gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển, thì tôi cho có thể cái đó chỉ là suy luận, nhưng suy luận ấy là có lý và đôi khi rằng nhiều người trên thế giới này cho rằng là suy luận ấy là hoàn toàn có căn cứ,” Giáo sư sử học Vũ Minh Giang nói với BBC.

‘Thọc gậy bánh xe’

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nhìn thêm vào nội bộ ở Việt Nam và cho rằng luôn có sự ‘thọc gậy bánh xe’ của một thế lực nào đó, mà ông đơn cử trong ngành an ninh, công an, đối với các tiến triển quan hệ song phương Việt – Mỹ.
Quan hệ Việt - Mỹ
Quan hệ Việt – Mỹ đang ‘ấm dần lên’ có thể làm cho Trung Quốc quan ngại, theo ý kiến các nhà quan sát.
Ông nói với BBC: “Tôi luôn có cảm giác là có chuyện thọc gậy bánh xe, từ năm 2013 tới giờ. Thực ra có những thông tin đồn đoán, ngoài lề, những chuyện ‘thọc gậy bánh xe’ hoặc ‘phá đám’ đã diễn ra từ năm 2006-2007, vào thời điểm đó là Việt Nam chuẩn bị gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới và lúc đó ông Nguyễn Minh Triết đi Hoa Kỳ.
“Còn trong những năm vừa qua, từ năm 2013 tới giờ, xuất hiện hiện tượng đó, tuy vậy nhưng mà không có bằng chứng, thành thử khó nói được chuyện này. Chỉ có một điều tôi biết chắc chắn rằng có một bộ phận an ninh Việt Nam, họ rất thiếu văn hóa.
“Và họ vẫn thường đối xử như vậy, sách nhiễu, (gây) khó khăn, chửi bới, đánh đập đối với một số nhân vật bất đồng chính kiến. Cứ mỗi khi những nhân vật này tổ chức hội họp, dù là hội họp theo Hiến pháp quy định quyền Hiến định của công dân, thì lại bị phía lực lượng an ninh gây khó dễ và thậm chí có thể bắt bớ, câu lưu”.
Hôm 06/7, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, nói với BBC những phát biểu mới đây của Đại sứ Mỹ tại Đại học Quốc gia Hà Nội về quan hệ Mỹ – Việt là ‘xây dựng’ và ‘thiện chí’ khi ông nói Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ để giúp chắp cánh thêm cho Việt Nam thăng tiến.
Tuy nhiên khi được hỏi Trung Quốc có thể sẽ cảm thấy ra sao và có thể hành động gì nếu quan hệ Việt – Mỹ khăng khít hơn, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
“Theo như tôi hiểu thì Trung Quốc rất muốn là Việt Nam chỉ tăng cường mối quan hệ đối với Trung Quốc mà thôi và không nên tăng cường quan hệ với bất kỳ đối tác nào khác, kể cả Ấn Độ hay là Hoa Kỳ, cho nên tôi nghĩ các nỗ lực của Trung Quốc sẽ là cố gắng… thuyết phục Việt Nam chỉ phát triển mối quan hệ đối với Trung Quốc.
“Và điều ấy, như chúng ta đã thấy, dẫn đến tình trạng Việt Nam về mặt xuất nhập khẩu thì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, và về một số mặt Việt Nam hiện nay đang nhập siêu quá nhiều của Trung Quốc và còn có nhiều vấn đề khác nữa.
“Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện việc đa phương hóa các mối quan hệ, tạo sự cân bằng và sự thu hút và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế để tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình, để sẵn sàng có thể bảo vệ Tổ quốc của mình trước bất kỳ một kẻ, hành động xâm lược nào,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét