Cuối cùng thì chế độ Hà Nội cũng phải bớt
đu dây. Trung tuần tháng 4/2016, giới quan chức quốc phòng Việt Nam và
Philippines đã gặp nhau để bàn bạc về khả năng tuần tra và tập trận hải
quân chung. Theo Reuters, một nguồn tin quân sự đã cho biết một liên
minh quân sự mới có thể được hình thành giữa hai quốc gia đang bị Trung
cộng chèn ép trên Biển Đông.
Cần nhắc lại vào giữa năm 2014, khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 và quan hệ Việt – Trung chìm sâu nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới Manila. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.
Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” – có thể hiểu như một liên minh quân sự đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung cộng.
Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.
Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt – Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.
Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam – nghe nói đã họp nhiều “cuộc” về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines – vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung cộng ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.
Phải đến tháng 11/2015, Việt Nam và Philippines mới có thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trước việc Trung cộng triển khai các phương tiện quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa. Thành công quá muộn màng này thuộc về chuyến đi Manila của ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là chủ tịch nước. Cũng vào thời gian đó, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình được Hà Nội mời đến phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Nhưng chỉ một ngày sau tại Singapore, họ Tập đã không ngần ngại tuyên bố theo cách “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”.
Việt Nam và Philippines từng có đôi chút lịch sử về “giao lưu hải quân”: 2 chiến hạm Việt Nam đã đến Manila năm 2014, và một tàu chiến Philippines có thể thăm Việt Nam vào tháng 6/2016. Các quân nhân hai nước đã cùng thi đấu thể thao hữu nghị hai lần kể từ năm 2014 trên các đảo tranh chấp.
Một chi tiết đáng chú ý là quan chức ngoại giao cao cấp đầu tiên hội kiến tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam là Ngoại trưởng Philippines Jose Rene Almendras.
Philippines đã từ lâu là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ để cùng với Nhật Bản tạo nên vòng cung quân sự Đông Bắc Á. Sau khi lần đầu tiên dám lên tiếng “tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông” vào tháng 2/2016, lần đầu tiên Việt Nam cũng dám thực hiện một cuộc tập trận hải quân với người Nhật ngay ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng.
Rõ là hình ảnh người Phi dám “bắt Trung cộng” từ năm 2014 đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước mối họa xâm lăng của Trung cộng, não trạng đu dây quá lâu sẽ khiến chế độ Hà Nội không còn lối thoát.
Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét