Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Giải mã “Tuyệt đại đa số CSGT không nhận hối lộ”: Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa không có tham nhũng

JB Nguyễn hữu Vinh -RFA

Tin tức báo chí Việt Nam hôm nay đưa một thông tin rúng động lòng người: Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang dõng dạc tuyên bố trước Quốc hội chiều 14/3/2016: “tuyệt đại đa số CSGT giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành nhiệm vụ, không nhận hối lộ”.

Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an
Giải mã câu nói khó hiểu 

Câu nói này lập tức làm râm ran những diễn đàn mạng, người ta bàn tán và khen ông Bộ trưởng hết lời.
Người ta khen ông không phải vì ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Bộ trưởng Công an, đã rèn luyên quân sĩ đến mức truyệt vời như lời ông phát biểu. Theo đó, CSGT không thèm nhận hối lộ.
Người ta khen ông có tài… ăn nói trước đám đông mà không ngượng mồm. Khen rồi người ta chợt ngẩn mặt mà suy nghĩ: Lẽ nào, một ông Bộ trưởng, nay làm Chủ tịch nước lại phát biểu những câu ở dạng… phiêu như thế? Hay cũng có thể vì ông đang mơ màng ở trên cung trăng sau khi lên làm Chủ tịch nước, về quê vinh quy bái tổ được đón rước như đến thăm một quốc gia nào đó.


Có lẽ, chuyện CSGT ở VN ăn hối lộ hay không, có thể hỏi tất cả những người đã tham gia giao thông thì biết. Trừ những đứa trẻ còn đặt trong lồng kính hoặc chưa hiểu biết về ngôn ngữ giao tiếp mà thôi.

Có thể nói không ngoa rằng: Mỗi người dân VN, đều hiểu những động tác chặn xe, bắt tay và nhận những “vật giống tiền” là việc diễn ra thường xuyên, hằng ngày, mọi nơi mọi lúc mà ai cũng biết chứ chưa cần nói đến những người lái xe.
Đó là hành động gì, nếu không phải là hối lộ.
Báo chí đã có thời viết hàng loạt bài về mãi lộ, ở đó, nêu đầy đủ, cụ thể một hiện tượng mà đã trở thành thông lệ ở VN. Những bài viết như “Mãi lộ dày đặc trên đường“, “Nhức nhối nạn mãi lộ”, “Ghê hơn cướp cạn“… Hình như ông chưa đọc?
Chỉ có điều, sau đó có tác giả bài viết đã được công an điều tra và cho ngồi tù vì tội “đưa hối lộ” để điều tra mãi lộ.
Định nghĩa mới?
Hay cũng có thể vì ông quan niệm việc ăn hối lộ theo nghĩa khác? Cũng có thể quan niệm của ông, hối lộ phải là món tiền cả nửa triệu đô la một lần như Dương Chí Dũng khai trước tòa là đã đưa cho Phạm Quý Ngọ, một thứ trưởng dưới quyền ông ta chứ mấy đồng lẻ trên đường ai coi là hối lộ?
Bởi cũng đã có ông tướng dưới quyền ông Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ – đường sắt, Bộ Công An cho nói: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
À, thì ra vậy, tham nhũng phải là cả cục, cả đống với người chức trọng, quyền cao, chứ mấy CSGT đứng ngoài đường “nhận dăm ba chục” ai lại gọi là tham nhũng?
Có điều, ông Tuyên này không biết học hành lớp mấy mà không đọc luật.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân.
Còn theo Luật phòng chống tham nhũng, thì Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Thưa ông Tuyên, nếu Việt Nam vẫn dùng luật VN và tuân theo các định nghĩa thông thường, việc “CSGT nhận dăm ba chục của lái xe”, để bỏ qua lỗi của lái xe là việc tham nhũng đứt đuôi con nòng nọc đi rồi. Có điều là ông không muốn công nhận mà thôi.
Đấy là với ông Thiếu tướng, còn ông Đại tướng, liệu ông có nghĩ vậy không?
Theo định nghĩa: “Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Như vậy, hành động của CSGT ngoài đường, trên cả đất nước này là gì khi họ nhận “những vật giống tiền” của người tham gia giao thông để bỏ qua lỗi của họ mà nhiều khi lại do chính những cái bẫy trên đường tạo ra?
Hay ông cũng lý giải theo cách của ông Thứ trưởng nêu trên? Quả là thời này làm quan cũng sướng, sáng tác ngôn ngữ, sáng tác luật riêng là một thế mạnh của họ.
Có người cho rằng: Nói vậy không ổn, dù sao, ông ta cũng là Bộ Trưởng Công an, nay lại là chủ tịch nước, chẳng lẽ dám đạp lên luật pháp ngang nhiên mà sáng tác ra luật và ngôn ngữ mới định nghĩa riêng cho mình?
Vậy, nếu không thể giải thích như trên, thỉ chỉ có một cách duy nhất để hiểu được vì sao ông ta nói thế.
Đó là:

Thực ra, nghĩ cho kỹ thì kết tội ông không thực tế cũng không đúng. Bởi ông vẫn đi lại thường xuyên trên đường, vẫn đi đi về về nhiều nơi. Có điều, ông đi, thì kèn trước, quân sau, xe còi hụ náo loạn, cảnh sát xếp hàng đứng hai bên chào… Thử hỏi đi vậy, có thằng nào dám chặn ông lại đòi hối lộ?
Và không thằng nào dám chặn ông đòi hối lộ trên đường, ông đi qua, chúng xếp hàng tăm tắp, mỉm cười, dẹp đường và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông, vậy làm sao mà có hối lộ và không “giữ được phẩm chất của mình”?
Cũng còn cách giải thích cuối cùng cho câu nói của ông, là “tuyệt đại đa số CSGT” của ông, đều ở trong phòng nên người dân không biết là họ không nhận hối lộ?
Nhưng xem ra không phải, trên đường, CSGT nhan nhản khắp nơi.
Quả là bó tay với lời phát biểu của ông Đại tướng Bộ trưởng và nay là Chủ tịch nước.
Nghe lời ông nói, tôi cứ thấy ong ong bên tai câu nói ngày 14/3/2013 của ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) rằng: Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này.
Tương tự, mới đây, sáng 31/12/2015, ông Hoàng Trọng Dân, phó chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, trình bày cho biết từ năm 2005-2015 không có cán bộ, công chức của tỉnh tham nhũng.
Cũng tương tự, trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời ngày 13/12/2015 , ông Huỳnh Phong Tranh (người vừa mới ký cấp tốc bổ nhiệm 35 cán bộ trước khi về hưu) cho biết: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh không có tham nhũng.
Đọc những thông tin này, ngoài việc ong ong cái đầu do không thể hiểu nổi những lời nói của quan chức cộng sản, không thể giải thích được vì sao họ có thể nói những câu nói tuyệt vời đến thế.
Chợt nhớ đến câu ngạn ngữ xưa kia cha ông truyền lại: “Miệng quan, trôn trẻ”.
Chợt văng vẳng bên tai câu hát: “Hòn đất mà biết nói năng…”
Hà Nội, ngày 17/4/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét