J.B Nguyễn Hữu Vinh (VNTB) Sáng 17/4/2016, trước ngõ nhà tôi,
bỗng lại xuất hiện nhóm “người lạ” đứng canh chừng từ sớm. Nhiều bà con
gọi điện hỏi: Hôm nay, lại có việc gì mà cú cáo về đây lắm thế? Khi đó
tôi mới nhớ ra là hôm nay Hội Nhà báo Độc lập có cuộc hội thảo về việc
Tổng Thống Mỹ Brack Obama sắp thăm Việt Nam.
Thực ra, cuộc hội thảo này, như ý định ban đầu, là một cơ hội để
thảo luận với nhau về tình hình đất nước, các mối quan hệ quốc tến cần
được phát huy hay tranh thủ như thế nào để đưa đất nước ra khỏi thế
“ngàn cân treo sợi tóc” trước giặc xâm lăng đã đang giày xéo lãnh thổ mà
chúng chưa có ý định dừng lại.
Thế nhưng, những ý định tốt đẹp đó không có ý nghĩa với nhà cầm
quyền vốn xưa nay vẫn luôn quan niệm: Dân chỉ lo làm mà đóng thuế cho
đảng tiêu, còn tiêu thế nào, đất nước ra sao… thì “đã có đảng và nhà
nước lo”.
Khi tôi chuẩn bị ra đi, nhận được tin anh Nguyễn Tường Thụy đã bị
an ninh chặn một cách hết sức thô thiển và bất chấp luật pháp ngay tại
cửa. Thậm chí, họ nói thẳng: “Hôm nay, lệnh trên là chú không được ra
khỏi nhà”. Thật oái oăm, cái gọi là “lệnh trên” thường xuyên được sử
dụng mà không cần bất cứ một mảnh giấy, một quyết định nào.
Xã hội Việt Nam với một nhà nước “pháp quyền XHCN” đã và hiện đang
thực thi như cách này, ngang nhiên xé bỏ luật pháp và quyền tự do đi lại
của người dân chỉ vì một “lệnh trên” mà không biết cái “trên” đó là gì,
ai ngồi ở đó.
Tôi ra khỏi nhà, ngay trước cửa đã có mấy nhân viên an ninh nhấp
nhổm trên xe máy và chạy theo, bám đuổi ráo riết. Rẽ sang Nhà thờ Thái
Hà, đang giờ lễ, mấy chú đứng ngoài cửa nhìn theo. Sau khi xong vài việc
ở đó vì có hẹn, tôi đến nhà hàng Lộc Việt, như kế hoạch tổ chức hội
thảo đã thông báo. Đoàn các an ninh viên vẫn bám theo không rời nửa
bước. Nhưng kệ, việc ai nấy làm, mình chẳng vi phạm luật pháp gì thì cứ
kệ họ.
Đến nơi, tôi đã thấy Ts Nguyễn Thanh Giang, bác Nguyễn Đăng Quang,
Đại tá – nguyên cán bộ thuộc Bộ Công an đến đấy với mấy anh em trong Hội
Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Tại đó, đám an ninh nhan nhản trong, ngoài khu nhà hàng. Họ ngồi
với bảo vệ, họ đứng bên kia đường… Nhưng đó cũng là việc của họ, chúng
tôi cùng nhau vào ngồi cafe.
Một nhân viên an ninh đến gặp nhà hàng, mấy phút sau, nhân viên nhà
hàng đến thông báo với nhà báo Nguyễn Đình Ấm và anh Hoàng Hùng rằng:
Hôm nay nhà hàng không nhận tiếp khách ăn trưa, đặt tiệc. Thấy buồn
cười, tôi bảo: Không sao chú ạ, anh biết và cảm thông với nhà hàng. Dù
nói vậy, thì vẫn thoáng qua đầu tôi ý nghĩ: Tại sao, những người bày ra
trò này, họ phải sợ hãi ý chí và những ý muốn tốt đẹp của người dân cho
quê hương và đất nước. Họ có còn là người Việt Nam?
Thông tin tiếp theo nhận được là anh Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội,
anh Bùi Minh Quốc, Phó Chủ tịch Hội cũng như nhà báo Đoan Trang, đã được
“mời” về các đồn công an phường với những lý do rất… củ chuối.
Các vị khách quốc tế đã được thông báo về sự ngăn chặn và phá hoại
này, nên họ sẽ không đến nơi đã định. Do vậy, chúng tôi tiến hành cuộc
Hội thảo mini ngay tại bàn cafe.
Một cuộc hội thảo mini
Nhận được thông tin đó, tôi gọi điện thoại cho anh Phạm Chí Dũng,
anh cho biết: Anh đang bị câu lưu tại CA Phường Giảng Võ vì một vụ…
“đụng xe”. Còn anh Bùi Minh Quốc được mời về CA Phường Kim Liên.
Thế là chúng tôi, dù ít ỏi và thiếu vắng, vẫn tiến hành Hội thảo như dự định.
Ts Nguyễn Thanh Giang là người phát biểu ý kiến về những suy nghĩ của mình trước các động tác của nhà cầm quyền với sự kiện này.
Theo ông, việc những công dân, nhân sĩ, trí thức quan tâm đến tình
hình đất nước trong giai đoạn hiện nay là điều hết sức quý giá. Trên
bình diện đất nước, hiện nay đảng đang lầm lẫn giữa “bạn” và “thù”.
Trước tình hình đất nước lâm nguy, lẽ ra những người có trách nhiệm
lãnh đạo đất nước cần phải tập trung mọi sự quan tâm của bạn bè để có
thể chống lại cuộc xâm lăng của Trung Cộng. Trong đó, Mỹ là một đối tác
duy nhất có thể giúp Việt Nam trong lúc này. Hãy quên đi những hận thù
đã hơn 40 năm nay để có một hướng đưa đất nước đi lên.
Trong khi, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều nhân sĩ trí thức đã lên
tiếng và chỉ rõ những nguy cơ của đất nước VN hiện nay, mà chung sức
chung lòng để góp phần đưa đất nước ra khỏi đại họa nô lệ, thì nhà nước
tổ chức việc phá quấy hôm nay. Rõ ràng, đây là một sự phá hoại và là sự
phản bội đất nước, tiếp tay cho bọn xâm lược. Những kẻ cố tình cô lập VN
trước bạn bè thế giới là phản động, là có mưu đồ bán nước.
Nguyên đại tá Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Với truyền thống đất nước
VN xưa nay, đều có duyên nợ với các nước lớn trong các cuộc chiến, dù
đó là một cơ may hay là một bất hạnh do vị trí quan trọng của mình, thì
điều hiển nhiên là các nước lớn trong Hội đồng BALHQ đều có dính líu với
VN xưa nay. Kể cả cuộc chiến mà trước đây ông đã nghe và cho rằng là
“cuộc chiến tranh xâm lược” của Mỹ, cho đến sau này khi đã hiểu ra bản
chất cuộc chiến bảo vệ đồng minh của họ. Trong các cuộc chiến đó, VN
thường vẫn phải liên kết với một vài nước lớn để chống lại.
Thế nhưng, ngày nay, VN đang bị cô lập trên cả thế giới, nếu không
có sự liên kết liên minh, thì nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng là
hoàn toàn có thể xảy ra. Trước tình hình đó, việc liên minh với Mỹ là
việc làm đúng đắn.
Theo ông, cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ Brak Obama nhằm những
mục đích cụ thể. Trước hết, VN cần Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường,
dù trong nước vẫn luôn bám vào cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng
XHCN” rất khó hiểu. Hiện nay, quan hệ giữa VN và Hoa Kỳ là mối quan hệ
“toàn diện” chứ chưa phải là quan hệ đối tác chiến lược. Hy vọng rằng
chuyến viếng thăm này đạt được điều đó. Những kẻ phá đám những ý kiến
của người dân có tâm huyết với vấn đề an nguy dân tộc, đó là những kẻ
phản bội lại đất nước qua những việc làm như ngày hôm nay.
Trước những ý kiến của các bậc lão thành, tôi cũng có vài ý kiến như sau:
Trước hết, cần nói rõ vấn đề “bạn, thù” hiện nay. Theo ngôn ngữ
thông thường, đã là bạn, thì hẳn nhiên cần có trước, có sau và chân
tình. Điều này thường chỉ được sử dụng trong tình cảm, quan hệ cá nhân.
Trong khi đó, các mối quan hệ giữa các quốc gia, chuyện đó sẽ hết sức
khó khăn và không tưởng. Nếu bám vào cách suy nghĩ như vậy, độc lập, chủ
quyền của mình hẳn nhiên sẽ bị chi phối.
Thực tế, trên bình diện quốc tế, chỉ trừ các nước Cộng sản mới có
quan niệm bạn, thù. Ở đó, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích dân tộc, đất nước
cho cái gọi là “phong trào Cộng sản quốc tế”. Chính vì vậy, mà ở VN hiện
vẫn còn lưu truyền câu nói được cho là một nhân vật thế lực ở VN ngày
trước, khi quân Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa: “Đảo của ta, nhưng bạn giữ
thì cũng như ta giữ, bạn giữ còn tốt hơn, sau này sẽ giao lại cho ta”.
Vì thế, các nước phát triển vì lợi ích của quốc gia như Mỹ, Anh,
Pháp… không hề có quan niệm “bạn” mà chỉ có quan hệ “đồng minh”, nghĩa
là hôm nay chúng ta có cùng lợi ích, đó là đồng minh, ngày mai, lợi ích
xung đột, sẽ không còn là đồng minh, thậm chí là kẻ thù của nhau để bảo
vệ lợi ích đất nước mình.
Một thời gian dài, VN luôn coi Liên Xô là “Anh cả” Trung Cộng là
đàn anh, và nay là “bạn vàng”. Nhưng, thực tế, kẻ thù nguy hiểm nhất của
đất nước này lại chính là anh bạn vàng của Đảng. Mới đây anh bạn vàng
Nga đã tát thẳng tay vào mặt nhà cầm quyền VN qua lời Ngoại trưởng Nga
về Biển Đông là một ví dụ. Cũng vậy, xưa nay, câu chuyện mối tình đoàn
kết keo sơn ba nước Đông Dương VN – Lào – Campuchia được Đảng CS luôn
tung hô, ca ngợi và tốn xương máu, tiền của vun đắp… Thì những hành động
của Campuchia thời gian qua với VN là chứng minh cụ thể về cái gọi là
“bạn” của cộng sản.
Với Mỹ, cái khái niệm “Kẻ thù” đã bám riết từ lâu và trở thành rào
cản trong suy nghĩ và ngôn ngữ của những nhà chính trị VN và lây sang cả
đất nước. Chính vì vậy, việc mở rộng sự đoàn kết, tranh thủ sự giúp đỡ
và ủng hộ của đất nước có tiềm năng lớn nhất hiện nay là Hoa Kỳ đã và
đang trở nên khó khăn.
Thực tế, xưa nay, hệ thống tuyên truyền của Đảng đều gọi việc Mỹ có
mặt ở Việt Nam Cộng Hòa là hành động xâm lược. Nhiều người dân vẫn quen
miệng và không hiểu khái niệm đó. Xâm lược, là hành động đưa quân đến
chiếm đóng trái phép trên lãnh thổ nước khác mà không có sự đồng ý của
chủ nhà. Chẳng hạn việc Trung Cộng dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa,
Trường Sa của Viêt Nam và chiếm giữ hiện nay.
Còn việc Mỹ đưa quân đến Nam Việt Nam, đó là hành động được sự cho
phép của chính phủ nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Một chính phủ được quốc
tế công nhận và lãnh thổ được quy định trong Hiệp định quốc tế Gienevo
1954.
Về chuyện hận thù. Chắc cuộc chiến với Mỹ đã lâu và lâu hơn nhiều
so với cuộc chiến man rợ phía Bắc Việt Nam năm 1979, năm 1988. Nhưng
đảng và nhà nước VN vẫn không coi đó những cuộc xâm lược của Trug Cộng
sau này với dân ta là hận thù và vẫn là bạn vàng thì đâu có sao. Hận
thù, đó chỉ là cách để cự tuyệt một lối đi cho dân tộc mà thôi.
Vấn đề hiện nay, VN đang lâm vào trình trạng cô đơn, cô thế và yếu
về sức mạnh. Do vậy, VN đang rất cần sự giúp đỡ của các cường quốc, dù
vì lợi ích của họ, nhưng có lợi cho việc gìn giữ chủ quyền của VN là
điều cấp bách. Do vậy, việc VN cần sự hợp tác của Hoa Kỳ
Tuy nhiên, việc có mối quan hệ với Hoa Kỳ ở tầm đối tác chiến lược
là điều khó khăn. Chính bởi bản chất của hai nền chính trị khác nhau.
Với Hoa Kỳ, việc phổ biến các giá trị dân chủ Mỹ, bảo đảm quyền con
người phải được tôn trọng và thực thi. Đó là những giá trị và ưu tiên
cao nhất. Trong khi với nền chính trị độc đảng, độc tài VN, thì việc phổ
biến nền dân chủ, tôn trọng quyền con người sẽ hết sức khó khăn. Bởi
dân chủ và độc tài, cũng như nước với lửa, như cái định hướng XHCN và
Kinh tế thị trường vậy.
Thông thường khi đã vào luật chơi, thì cần tôn trọng những nguyên
tắc chung. Chí phèo không thể là bạn với Bá Kiến, trí thức khó có thể
làm bạn với lưu manh.
Do đó, việc đến thăm VN của Tổng thống Obama sắp tới, sẽ có ý nghĩa tượng trưng ngoại giao nhiều hơn thực tế.
Trước tình hình đất nước hiện nay, điều duy nhất và nhanh nhất để
có thể VN làm đồng minh, quan hệ tốt với các nước có trình độ cao, văn
minh, là các nước dân chủ, thì VN không còn cách nào khác là phải chấp
nhận một nền dân chủ thật sự. Chỉ khi đó, thì đất nước mới có cơ hội có
các đối tác đủ sức mạnh làm đồng minh, nhằm bảo vệ đất nước khỏi xâm
lược.
Còn hiện nay, với một đất nước mà trong ngoài lục đục, trên dưới
không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán thì không thể có được sức
mạnh tự cường để gìn giữ độc lập và lãnh thổ. Việc tìm kiếm một mối quan
hệ đồng minh với Hoa Kỳ là điều cấp thiết hiện nay.
Nhiều ý kiến phản hồi và trao đổi của các hội viên Hội NBĐLVN khác
như Nguyễn Đình Ấm, Đỗ Đăng Bắc, Hoàng Hùng đều thống nhất với những
nhận định trên.
Chừng gần trưa, chúng tôi chia tay nhau, lưu luyến và thân tình.
Ra về, dù đã tự lý giải nhiều lần, tôi vẫn cứ lấn cấn một câu hỏi
đã nêu về việc ngăn chặn, phá đám hôm nay: Họ làm vậy để làm gì? Họ có
còn là người Việt Nam nữa không?
Hà Nội, ngày 17/4/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét