Hình chép trên Net
Caunhattan
Sau Hòa bình lập lại, núp dưới danh nghĩa giúp đỡ các đồng chí Việt Nam, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động lấn chiếm trên đất liền và trên biển đảo Tổ Quốc. Lúc này, tỉnh Hải Ninh trở thành một trong những đầu mối giao thông liên lạc trên biển và trên đất liền rất quan trọng với Trung Quốc, với hậu phương lớn phe XHCN. Tin tưởng vào hậu phương lớn này, Bộ Quốc phòng chỉ biên chế vài Trung đoàn thiếu như E 248, E 242 trên bộ phối hợp với E71 Hải quân Khu phòng thủ 5 làm nhiệm vụ giữ gìn trị an nơi địa đầu Tổ Quốc.
Ngay từ cuối những năm 1950, thực hiện nhiệm vụ quốc tế sang giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, lợi dụng danh nghĩa này, Trung Quốc đã tự ý kiểm soát khu vực của sông Bắc Luân, mang tàu hải quân dò la, khảo sát và trắng trợn đổ bộ lên hàng loạt đảo trên tuyến đảo từ Ba Mùn, Vĩnh Thực (Móng Cái), Trà Cổ, Thanh Lân, Cô Tô, xuống tận Ngọc Vừng. Đặc biệt các đảo nằm giáp lãnh hải Trung Quốc, ta chưa có điều kiện đưa dân ra ở, Trung Quốc cho tàu hải quân ra rồi tự ý làm kho tạm, cơ sở hậu cần. Đi đến đâu, họ cắm cờ Trung Quốc tới đó. Vì nhiều lý do nhạy cảm, hải quân ta về sau đã không thể kiểm soát được một số các đảo này. Không dừng lại, tàu bè của họ thậm chí còn xách nhiễu tàu tuần tra của E71 ngay trên lãnh hải của Việt Nam. Nếu cần, họ lu loa lên tận Trung ương ở Hà Nội là chỗ này chỗ kia của Việt Nam đã xuất hiện bọn xét lại toan tính phá hoại đoàn kết quốc tế vô sản, phá hoại tình hữu nghị Trung Việt.
Trên đất liền, không những tại những địa bàn giáp biên như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, mà ngay cả các huyện sâu trong đất liền như Tiên Yên, Đầm Hà sang tận mạn Đình Lập (Lạng Sơn), công binh Trung Quốc vào “giúp” Việt Nam đi đến đâu là gieo rắc những luận điệu tuyên truyền nghe có vẻ cộng sản nhưng sặc mùi bành trướng. Chúng phát huy hiệu Mao, sách đỏ Mao đến từng nhà dân. Ngay tại Móng Cái, binh lính Trung Quốc ngang nhiên xóa chữ Xô trên những khẩu hiệu “Việt – Trung – Xô đuổi Ngô Đình Diệm” khắp thị xã. Một bữa vào một nhà cơ sở ngay tại Móng Cái, chúng tôi không thấy ảnh Bác Hồ đâu mà thay vào đó là chân dung Mao Trạch Đông. Điều tra thêm thì giật mình được biết nhiều nhà dân đã bỏ hẳn kỷ niệm Quốc khánh 2/9 mà thay vào đó là kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc 1/10. Nhiều trường học được phát sách giáo khoa in những luận điệu rất bành trướng, phương hại chủ quyền quốc gia. Họ đã bí mật tuyên truyền trong dân ta rằng cứ treo ảnh Mao và nghe theo cán bộ Trung Quốc là nay mai sẽ được chính phủ Trung Quốc cung phụng tha hồ sống sung sướng an nhàn.
Tuy nhiên, công việc khó khăn nhất đối với những cán bộ cơ sở nơi địa đầu không phải là đối phó với sự nham hiểm của người đồng chí phương Bắc mà chính là sự quy chụp trong nội bộ của ta. Báo cáo thế nào để lãnh đạo cấp trên hiểu được, rồi lại chờ lãnh đạo của lãnh đạo đả thông v.v. mà không bị quy kết về quan điểm thế này thế kia. Khó lắm. Ngay E71 đã chứng kiến không ít cán bộ bị chính ủy rồi chỉ huy cấp trên sạc cho đến nơi đến trốn chỉ vì nhiệt tình ngăn chặn tàu Trung Quốc có các hoạt động phi pháp trên lãnh hải của ta. Một số trường hợp thậm chí đã bị kỷ luật vì mất quan điểm lập trường giai cấp, làm trái chỉ đạo của trên.
Về thăm Hải Ninh hôm 8/5/1961, thăm E 248 tại thị trấn Tiên Yên, Bác Hồ dặn đi dặn lại phải không ngừng củng cố đoàn kết Việt Trung. Đoàn kết là sức mạnh; có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành, cán bộ và đồng bào ta phải phát triển quan hệ hữu nghị sẵn có, phải ra sức học tập nhân dân và các đồng chí chuyên gia Trung Quốc để tiến bộ mãi. Trước kia, bọn đế quốc và phong kiến tìm mọi cách chia rẽ nhân dân hai nước Việt – Trung. Chúng xúi giục nhân dân hai nước khinh rẻ lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau, để chúng dễ áp bức bóc lột cả hai dân tộc. Ngày nay thì khác hẳn: Hai Đảng ta là anh em. Hai Chính phủ ta là anh em. Nhân dân hai nước là anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Tình đoàn kết giữa chúng ta vững chắc không gì lay chuyển được.
Quán triệt chỉ đạo này, lãnh đạo tỉnh Hải Ninh cụ thể là đồng chí Bí thư Hoàng Chính đã dũng cảm thưa thật với Bác về một số vấn đề nổi cộm với Trung Quốc và đề nghị Trung ương nhân lúc quan hệ hai bên thuận lợi thì giải quyết triệt để vấn đề chủ quyền trên tinh thần quốc tế vô sản anh em. Phải dùng từ dũng cảm vì trước đó, tướng Phạm Kiệt, tư lệnh Công an vũ trang (Biên phòng), người con đất Quảng Ngãi nổi tiếng gan dạ và kiên trung cũng phải đắn đo chần chừ khi Bí thư Hoàng Chính đề nghị tướng Phạm Kiệt có ý kiến với Bác, mặc dù tướng Phạm Kiệt rất bất bình trước các hoạt động xâm lấn chủ quyền mà Trung Quốc âm thầm tiến hành.
Rồi tại cuộc họp ngày 23/11/1963 tại Hồng Gai bàn về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh mới Quảng Ninh (sáp nhập Hải Ninh và Quảng Yên) do Bác Hồ chủ trì, một lần nữa đồng chí Hoàng Chính nhắc lại những nổi cộm về chủ quyền với Trung Quốc cần giải quyết. Song một lần nữa, chủ quyền dân tộc phải nhường chỗ cho tinh thần quốc tế vô sản phục vụ công cuộc kháng chiến. Tới tận những năm 1990, khi Việt Trung thực hiện bình thường hóa quan hệ và tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định phân định biên giới và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ thì nhiều khu vực ở tỉnh Hải Ninh (Quảng Ninh bây giờ) mà Trung Quốc “cai quản” thay Việt Nam giai đoạn sau 1954 đã mặc nhiên thuộc về Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét