Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Nho Ta, Nho Tầu, Nho Tây

Hoàng hải Thủy

Tổng Thống Ngô Đình Diệm bận quốc phục Việt Nam tiếp Hoàng Thái Tử Thái Lan năm 1957.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bận quốc phục Việt Nam tiếp Hoàng Thái Tử Thái Lan năm 1957.
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co!
Sao bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò.
Thơ ông Tú Xương, làm trong những năm cuối  Thế kỷ 19. Cho đến năm nay, năm 2014, bài thơ trên đã sống được hơn một trăm năm.


Ông Tú Xương là người viết về giới Nho Ta cuối Thế kỷ 19 với những lời tả thực nặng nề nhất, những lời thơ gần như lên án sự yếu hèn của các ông Nho Ta thời ông:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người theo học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ,
Trình có ông Tiên, Thứ chỉ tôi.
Ông Phan Chu Trinh, ông Nho Ta bận âu phục trước nhất trong các ông Nho Ta. Trên Internet không có tấm ảnh nào ông Phan Chu Trinh với khăn đóng, áo dài.
Cuối Thế kỷ 19 các ông Nho Ta tự nhận các ông không còn hợp thời, nhân dân và đất nước không cần sự có mặt của các ông nữa – đúng ra là nhân dân cần các ông nhưng các ông đã không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân – các ông im lặng rút vào vùng quên lãng, nhường chỗ cho những ông Nho Tây, tức những ông Tây học.
Liêu lạc quê người, tuổi đời Bẩy Bó, tôi có điều kiện mầy mò, lục lọi, tra cứu, suy luận, để tìm biết những chuyện xưa trên những trang sách cũ, tôi thấy năm xưa khi văn học Nho Tầu suy tàn ở nước ta, các ông Nho Tây, tức những ông Tây học, như các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Duy Khiêm.. không ông nào viết nửa lời chế nhạo – chế nhạo thôi, đừng nói khinh mạn – các ông Nho Ta, cũng không ông Nho Tây nào viết một lời chê bai, khinh thị chữ Hán. Không những không khinh thị, tôi còn thấy các ông Nho Tây thời xưa đó có mặc cảm tội lỗi trước việc các ông bỏ Hán học để theo Tây học. Tâm trạng ấy của các ông cũng dễ hiểu thôi: ông nội, ông ngoại các ông, ông bố đẻ các ông, ông bố đẻ vợ các ông, là những nhà Nho Ta, sức mấy các ông dám khinh những ông nhà Nho. Các ông ra đời trong khung cảnh những nhà có sập gụ, tủ chè, bộ salon Tầu, tràng kỷ, tủ đồ cổ, hoành phi, câu đối, có những bộ sách chữ Hán mà các ông mù tịt không đọc được một chữ. Gia phả của các ông viết bằng chữ Hán, tất nhiên các ông, khi cần, phải nhờ người đọc dùm, giảng nghĩa gia phả cho mấy ông.
Ðấy là tình trạng những năm 1900. Một trăm năm sau tình hình đổi ngược. Nói một trăm năm sau không đúng, ngay những năm 1960, 1970 chữ Hán lại được nhiều người Việt trọng vọng. Người Việt vẫn không mấy ai học chữ Hán, người Việt vẫn miệt mài học tiếng Anh nhưng họ biết họ học cái tiếng đó là để đi làm, để kiếm cơm, cái tiếng ngoại ấy không giúp cho đời sống tinh thần của họ khá hơn bao nhiêu. Và trong xã hội ta  những thập niên 1960, 1970  có nhiều người biết tiếng Anh, tiếng Pháp – đa số lem nhem – nhưng chỉ có rất ít người Việt biết chữ Hán.
Một trăm năm trước những ông Nho Tây không ông nào tỏ ra khinh thị chữ Hán hay cười chê những ông Nho Ta – hai tuần báo Ngày Nay, Phong Hóa thời xưa ấy có chế riễu hai nhân vật Lý Toét, Xã Sệ, nhưng Lý Toét, Xã Sệ tuy ở làng quê xong hai anh không phải là nho sĩ, hai anh thuộc loại kỳ mục, kỳ nát – người chế riễu, chỉ trích những ông Nho Ta lại chính là những ông Nho Ta, như ông Tú Xương, như ông Dương Bá Trạc.
Dương Bá Trạc. Tính hay bắt chước của người mình. Bài viết năm 1925, đăng trong tập Tiếng Gọi Ðàn, in tại Nghiêm Hàm Ấn Quán, Hà Nội năm 1925:
Người ta ai là khỏi có cái bắt chước người, nhưng bắt chước người mà cũng cần phải có cái trí khôn quyết trạch của mình, bắt chước cái hay mà biết bỏ cái dở: mình ăn bốc, ở truồng, trông thấy người mâm thau, bát mẫu, quần rộng, áo dài mà bắt chước là phải; mình xưa nay không biết rượu chè, hút xách là cái gì cả mà thấy người uống rượu cũng bắt chước uống rượu, thấy người nghiện thuốc phiện cũng bắt chước nghiện thuốc phiện thì chẳng là nguy lắm ru !
Vả mô phỏng của người mà lại cần phải tự ý mình suy nghĩ ra: như người nước Pháp học văn chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình giả, phiến giả, làm một lối chữ Hòa-văn riêng của mình. Xét rộng ra, các điều phát minh, các môn kỹ nghệ cho đến trăm nghề, trăm nghiệp trong thế giới từ xưa đến giờ, cái gì cũng chỉ sáng khởi ra trước tự một hai người, bao nhiêu người sau đều là bắt chước cả, mà nào có ai giống ai, có nước nào giống nước nào, ngày mới tháng lạ, biến hóa vô cùng, càng về sau lại càng thấy hơn về trước nhiều mà không có chút gì là đạo tập người trước nữa. Bắt chước người mà khôn thì là sự tiện lợi thứ nhất, không gì chóng hay, chóng khá bằng.
Người mình có cái thiên tính hay bắt chước, cái gì cũng nhất vị chỉ biết bắt chước người, nên bắt chước dại thì nhiều mà bắt chước khôn thì ít lắm. Bắt chước người Tầu học chữ Hán mà trong khoảng mấy nghìn năm chỉ học nhờ, viết mượn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc văn nào – trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định – người Tàu bị dại vì cái học khoa cử, mình cũng bắt chước theo cái học khoa cử mà bị dại, người Tàu bị ngu, bị hèn vì cái tục trọng văn, khinh võ, quý sĩ, tiện nghệ, người mình cũng bắt chước theo cái tục trọng văn, khinh võ, quý sĩ, tiện nghệ mà bị ngu hèn; về tư tưởng thì người Tàu có cái học thuyết chán đời, người mình cũng bắt chước chán đời, người Tàu có cái thuyết vị ngã, người mình cũng bắt chước vị ngã; về phong tục thì người Tàu trọng bói toán, đồng cốt, phù thủy, địa lý; người mình cũng bắt chước bói toán, đồng cốt, phù thủy, địa lý; người Tàu thờ ông thánh Quan, bà Tiên hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử Thôi, người mình cũng bắt chước thờ ông thánh Quan, bà Thiên hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử Thôi. Trong cái lúc thâu thái được chút đỉnh luân lý, học vấn, văn chương, kỹ nghệ của người Tàu thì bao nhiêu cái dại, cái dở của người Tàu mình cũng cũng nhắm mắt theo cho kỳ hết.
Nhân thế mà bao nhiêu cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo mất dần đi tất cả. Người nước nào có cái đặc sắc văn học của nước ấy, mỹ thuật nước ấy. Nói đến văn học của người mình thì ai làm được câu văn thơ nào hay cũng tự đắc rằng câu văn ấy Tàu, câu thơ ấy Tàu mà khen ngợi nhau, khuyến miễn cho nhau cũng lấy thế làm tuyệt phẩm; nói đến mỹ thuật của mình thì không luận là đồ gì, suốt cả nước từ trên chí dưới, từ trẻ chí già cũng đều cho kiểu Tàu, nét Tàu mới là đẹp; kiểu mạc ra không đúng Tàu, đồ làm ra không hệt Tàu là xấu, là bỉ tiện, là ít người thích, phải bán rẻ tiền… Như thế thì còn gì là cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo nữa. Cho nên dân tộïc mình lập quốc đã bốn ngàn năm mà tuyệt không có tí gì là quốc học của mình cả. Các nhà bác học đời nay nghiên cứu về Ðông phương hoặc về mỹ thuật đều cho người mình là nhất thiết cái gì cũng chịu ảnh hưởng của người Tàu cả, thật là đúng lắm. Cái đó chẳng là một cái cớ lớn làm cho người mình bao giờ tiến hóa cũng chậm trễ sau người ta ru?
Hết bài viết của ông Dương Bá Trạc.
o O o
Ðêm, riêng một ngọn đèn..
Với tôi, Viết là hạnh phúc mà Ðọc là lạc thú. Rừng Phong, phòng ấm, đèn vàng, im lặng, an ninh năm chăm phần chăm, ngoài trời tuyết rơi nhưng tôi săng phú! Không phải đi làm, ngán gì tuyết phủ, mặc cho tuyết rơi, ta nằm với những trang sách cũ! Ðọc hết bài viết của ông Dương Bá Trạc, đăng trong sách “Văn Học Việt Nam” của Giáo sư Dương Quảng Hàm, tôi ấp sách lên ngực, nhắm mắt, vắt chân lên trán, xin lỗi, tôi vắt tay lên trán, nghĩ ngợi lăng tăng băng. Mấy anh Việt Cộng bắt chước Tàu Cộng gọi việc suy nghĩ kiểu này là “tư duy.”
Bài viết của ông Dương, viết năm 1925, năm tôi chưa ra đời, văn huê là năm cuộc đời chưa có tôi, làm tôi nhớ đến bài tham luận “Văn Minh Tiểu Phẩm” của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ. Trong bài tham luận của TT. Tuệ Sỹ, viết trong nước gửi ra, đọc tại Ðại Hội Phật Giáo Việt Nam ngày 4 Tháng Giêng 2003 tại San Diego, Hoa Kỳ có đoạn:
Văn Minh Tiểu Phẩm. TT. Thích Tuệ Sỹ. Trích:
Nói rằng chữ Nôm phức tạp cho nên không tiện lợi để phổ biến cho bằng chữ La-tinh, điều này chỉ đúng cho những người mà não trạng đã quen với tập tính lười biếng. Có điều, hình như đại bộ phận trí thức của ta, từ mặc cảm tự ti, bị trị, của một dân tộc nhược tiểu, muốn nhanh chóng rút ngắn con đường giải phóng và cách mạng, để bắt kịp nền văn minh vật chất hào nhoáng từ phương Tây rọi sang. Từ đó phát sinh càng lộ liễu tập tính lười biếng, chỉ cần bắt chước những gì được coi là chuẩn mực của văn minh, không cần đến tư duy sáng tạo, điều mà tiền nhân của chúng ta đã không ngừng trong suốt chiều dài của lịch sử để tự tồn, bên cạnh một thiên triều luôn nghĩ cách thôn tính và đồng hóa. Do đó, người ta không nhìn thấy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hình thành chữ Nôm, trong cách cấu tạo tự hình trong đó hàm tàng những cái nhìn về nhân sinh và thế giới. Chữ Nôm bị kết tội là làm chậm bước phát triển của dân tộc cho nên cần phải thay thế bằng chữ viết khác.
Ngưng trích.
Nhà ái quốc Phan Bội Châu suốt đời không mặc áo sơ-mi. Trong những năm lưu vong trên đất Tầu, ông bận y phục Tầu.
Một đêm cũng trong căn phòng ấm ở Rừng Phong này, cũng ngọn đèn này, tôi cũng nằm như thế này đọc bài tham luận của Thầy Tuệ Sỹ. Ðọc đến đoạn trên đây tôi xấu hổ quá. Những người đồng thời với tôi, và tôi, ngu muội, hèn mạt, chỉ biết bắt chước bọn Tây, bọn Mỹ. Hèn quá là hèn, nhục ơi là nhục. Ðêm nay bài viết của Dương Bá Trạc Tiên sinh – bài viết từ năm 1925, năm Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ chưa ra đời để cứu người – cho tôi thấy.. té ra..
… Té ra.. không phải chỉ thế hệ ông bố tôi, thế hệ từ năm 1890 đến năm 1960, không phải chỉ thế hệ tôi, thế hệ từ năm 1930 đến năm 2000, là những thế hệ người Việt đốn mạt chỉ biết cong lưng, gục mặt, lé mắt bắt chước và bắt chước người. Té ra thế hệ các ông tằng tổ, kỵ tổ, thủy tổ, đủ thứ tổ, tổ đủ thứ của tôi từ ngàn xưa đã có cái tật bắt chước người nước ngoài. Tổ tiên tôi bắt chước bọn Ðại Tầu, đến đời ông bố tôi, đời tôi, bắt chước bọn Ðại Tây.  Nhưng cái mà Thầy Tuệ Sỹ gọi là “tập tính lười biếng” của dân tộc tôi đó, theo ý ngu của tôi, thì không phải chỉ một dân tộc tôi có, không phải là cái thói xấu, cái tính đáng khinh của riêng dân tộc tôi. Tất cả những dân tộc chậm tiến lúc nhúc trên trái đất này đều bị bắt buộc phải bắt chước bọn người da trắng văn minh hơn. Họ bắt chước xử dụng những dụng cụ để sống cho đỡ khổ do bọn người da trắng sáng chế ra thôi cũng đã phờ râu, mờ mắt, nói đến chuyện cạnh tranh với chúng trong việc sáng chế là ngớ ngẩn. Bắt chước còn chưa xong, ở đó mà hiu hiu nói đến “tư duy sáng tạo.” Trong bẩy, tám trăm năm độc lập, các ông Nho Ta đã không sáng tạo ra được một thứ chữ riêng cho dân tộc tôi, một thứ chữ riêng của dân tộc. Ðừng nói chuyện chưa đủ thời gian, mấy trăm năm là thời gian dư dài để người ta sáng chế ra một thứ chữ viết. Cái gọi là “tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hình thành chữ Nôm” quá yếu, vì quá yếu nên Chữ Nôm, có từ đời Hồng Ðức Nhà Lê – Những bài Thơ Nôm, thi phẩm Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập vv.. – đã không được làm cho hoàn chỉnh, chữ Nôm  ở trong tình trạng không ra làm sao cả khi bọn thực dân Pháp đến nước ta. Những người chê khinh Chữ Nôm chính là những ông Nho Ta, chính các ông Nho Ta đánh giá Chữ Nôm bằng câu “Nôm na là cha mách qué.”
Chưa bao giờ “chữ Nôm bị kết tội là làm chậm bước phát triển của dân tộc, cho nên cần phải thay thế bằng chữ viết khác.” Chữ Nôm không có vị trí nào đáng kể trong đời sống của nhân dân nên nó không thể bị thay thế. Tôi chắc các ông linh mục truyền đạo Gia Tô khi nghĩ ra cách dùng mẫu tự a, bâ, c để ghi tiếng nói của người Việt, để dùng trong việc truyền đạo, không ông nào nghĩ đến việc chế ra một thứ chữ để cho dân cả nước Việt dùng.
o O o
Nhưng tại sao ta lại bắt chước? Ta bắt chước vì nó hay, nó tốt, vì nó có lợi cho ta, vì nó làm cho đời sống của ta sung sướng hơn. Vậy thì câu hỏi có thể là “Tại sao ta lại không bắt chước?” Nếu ta không bắt chước, dân tộc ta cứ nằm ngồi mãi trong tình trạng bán khai. Nếu ta bắt chước mà không khéo, không giỏi, ta có thể bị những ông Việt Nam như ông Dương Bá Trạc, như Thầy Tuệ Sỹ, mắng là “Bọn khốn nạn. Chỉ có việc bắt chước mà cũng không nên thân..” Việc có môt số người bắt chước cả những cái xấu là cái giá phải trả cho sự bắt chước. “Bắt chước” nó là như thế. Ðến Thế kỷ 20 tất cả ba giống dân da vàng, da đỏ, da den đều phải bắt chước bọn dân da trắng. Văn minh đến như dân Ðại Tầu, giống dân có thứ chữ được các ông Nho Ta ca tụng là uyên áo, uẩn súc, tuyệt phẩm.. cũng bắt chước bọn dân da trắng như điên.
Năm 1984 khi bọn Việt Cộng đưa xe bông đến nhà tó tôi đi tù lần thứ hai, Sài Gòn chỉ có rất ít nhà có máy TiVi, năm 1990 khi tôi từ nhà tù cộng sản trở về mái nhà xưa lần thứ hai, gần như nhà nào ở Sài Gòn cũng có máy TiVi. Không những chỉ TiVi mà còn là TiVi mầu. Tôi ngồi xem TiVi và ngạc nhiên khi thấy cảnh một nhà ga ở nước Ðại Tầu đầy những thanh niên nam nữ bận jacket, quần jeans, đi giày thể thao thường gọi  là giày Adidas. Tôi tưởng đó là cảnh thanh niên ở một nhà ga ở Nhật, Nam Hàn, nhưng đó là cảnh một nhà ga Tầu ở gần Thẩm Quyến, khu có những xưởng máy chế tạo công nghiệp do tư bản ngại quốc mở dùng lực lượng công nhân Ðại Tầu rẻ tiền làm thuê. Ðám thanh niên nam nữ Ðại Tầu trong cảnh tôi thấy trên TiVi từ khắp nơi trên đất Ðại Tầu đổ về Thẩm Quyến để tìm việc làm. Họ bị cảnh sát chặn lại ở nhà ga đó vì khu công nghiệp Thẩm Quyến đã quá thừa công nhân. Thế rồi mới đây, bọn Cộng Sản Tầu họp đại hội, bầu bọn lãnh đạo. Tôi thấy trên nhật báo The Washington Post ảnh 6 anh Tầu Cộng được bầu đứng dàn hàng nhận sự hoan hô chúc mừng của đồng đảng. Cả 6 anh Tầu Cộng, chắc còn nhiều anh nữa, đều mặc com-lê vét-tông, thắt ca-la-hoách. Ông Tầu Lin Yu Tang, tên Việt là ông Lâm Ngữ Ðường, là người những năm 1920, 1930 từng viết ca tụng tính cách gọi là nhân văn, đề cao khả năng làm cho người bận thoải mái, dễ chịu của những bộ áo thụng Tầu, người từng kết tội y phục của người phương Tây là gò bó, giam hãm, hành hạ thân thể con người, nếu nhìn thấy bọn đảng viên cộng sản Tầu năm 2000 hoan hỉ, cười toe, bận com-lê vét-tông, thắt ca-la-hoách cả lũ.., chắc phải khóc thét lên..
Vợ chồng Tập Cận Bình, Tầu Cộng, bắt chước Tây 500/100. Còn Tầu đâu nữa, Tây Đầm thế thôi!
Người Tây bận com-lê vét-tông vì họ thấy kiểu y phục đó gọn, đẹp, trang trọng, hợp với họ, nên họ bận. Họ không đòi hỏi, hay dụ dỗ, bất cứ một giống dân nào khác bận com-lê vét-tong như họ. Những giống dân khác thấy bộ com-lê vét-tông đẹp, trang trọng, nên bắt chước mặc theo. Bọn Tây dùng toong-đưa cắt tóc ngắn, dùng dao cạo cạo râu ria nhẵn nhụi, rửa mặt, rửa tay, tắm bằng sà-bông, những giống dân khác thấy những trò đó đẹp, tốt, sạch, bèn làm theo. Việc bắt chước làm cho đồng bào tôi bị mất một số những truyền thống như tắm giặt, vo gạo, rửa rau, rửa đít cùng một cầu ao. Việc đồng bào tôi rửa đít ở cầu ao là việc nếu người Việt nào nghi ngờ là làm gì có, thì người nghi ngờ đó là người Việt – không phải mất gốc– mà là người Việt chưa từng lần nào sống ở làng quê hơn ba ngày, đồng bào tôi vo gạo ở cầu ao là việc có thực, vì dân tôi có câu “Ăn mày đánh đổ cầu ao..”, nói lên việc người ăn mày xin được dúm gạo, mang ra cầu ao vo, không may đánh đổ dúm gạo đó xuống ao. Hết ăn. Tôi ngu muội nghĩ rằng những truyền thống như truyền thống vo gạo và rửa đít cùng một cầu ao – ao tù, nước đọng, mùa cạn toen hoẻn năm mươi phân nước – thì có lẽ ta cũng không nên tiếc khi mất, mặc dù truyền thống vo gạo, rửa đít cùng một cầu ao là truyền thống của “bốn ngàn năm văn hiến.”
Dương Tiên sinh viết: “..Mình ăn bốc, ở truồng, trông thấy người mâm thau, bát mẫu, quần rộng, áo dài mà bắt chước là phải..” Ðêm khuya, im lặng hai chăm phần chăm, tôi “tư duy, tư dzéo” về chuyện “ăn bốc, ở truồng..” và tôi muốn nói với Dương Tiên sinh:
– Thưa Tiên sinh.. Một trăm năm trước bọn ăn bốc, ở truồng, thường là bọn dân da vàng, dân da đen, bắt chước bọn dân da trắng ăn bằng cù-dìa, phóng-xét, bọn đàn ông thì bắt chước bận sơ-mi, vét-tông, bọn đàn bà thì sú-cheng, si-líp, dzúp se-rê, rốp sắc. Nhưng một trăm năm sau đó, tức là bi giờ đây, thời tôi sống, thời tôi làm chứng nhân, những năm 2000, bọn dân da trắng thừa quần, thừa áo, lại bắt chước bọn ăn bốc, ở truồng mà ở truồng. Thưa Tiên sinh, tức là bây giờ bọn dân da trắng lại ở truồng tùm lum, tòa loa. Họ kéo nhau đến những khu riêng của họ, thường ở bãi biển, hay ở trong rừng, trên núi. Vào đó vợ chồng, con cái, dâu rể, anh em, chị em, cả ông cháu, bạn hữu ở truồng tồng ngồng cả ngày, lẫn đêm. Kỳ thật là kỳ. Người man dã bắt chước người văn minh, rồi đến lượt người văn minh bắt chước người man dã. Như vậy thì việc “ở truồng” chưa chắc đã là không hay, nói cách khác, việc “người ta ở truồng” có thể là việc hay, việc tốt cho con người. Nếu không hay, không tốt, tại sao có người làm nó?
Mà bọn ở truồng bi giờ lại toàn là bọn dân những nước văn minh nhất thế giới. Tôi chưa được đến những Khu Ở Truồng ấy lần nào, có vài ông bạn tôi đã đến đấy xem thực hư, thường là ở Pháp, kể chuyện: “Mình vào đấy mấy con đầm ở truồng nó chửi mình nhục lắm. Nó quẳng vào mặt mình đủ các thứ đồ.. Ðồ mọi rợ.. Ðồ đểu cáng.. Ðồ dơ dáy.. Ðồ đói khát.. Ðồ dâm đãng.. Ðồ bệnh hoạn.. Ðồ con heo.. Mày vác cái mặt chó của mày vào đây xem cái gì? Mày thèm cái này lắm à? Mày không thấy cái này của mẹ mày bao giờ à.?”
Thưa Tiên sinh, tôi thấy bi giờ bọn ở truồng, đáng lẽ phải gọi là bọn mọi rợ, đáng lẽ phải xấu hổ, lại khinh bỉ bọn bận quần áo  đàng hoàng. Và bọn bận quần áo đàng hoàng, đáng lẽ phải khinh bỉ bọn ở truồng vú vê thỗn thện, lại bị bọn thỗn thện, lông lá chửi cho vuốt mặt không kịp và lấy làm hổ thẹn. Kỳ thật là kỳ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét