Thủy điện Sông Bung 4 ở huyện Nam Giang, Quảng Nam đang được nhà thầu của Trung Quốc thi công. -Courtesy photo
Vụ nhà thầu Trung Quốc bỏ ngang dự án thủy điện đang thi công ở
Kontum hồi cuối tháng 7 đã làm nóng lại cảnh báo về mối nguy lệ thuộc
Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Phần nổi của tảng băng chìm
TS Phạm Sỹ Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
được báo Lao Động điện tử trích lời nói rằng, sự phụ thuộc vào hàng hóa
nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mối nguy từ
việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu phần lớn các dự án ‘chìa khóa
trao tay’ tổng thầu EPC tại những công trình trọng điểm mới là điều đáng
lo ngại.
Trả lời Nam Nguyên, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, phó
Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam từ Hà Nội phân tích thể thức đấu
thầu hiện hành. Theo lời ông, hiện vẫn là thể thức hai phong bì, một
phong bì là kỹ thuật, sau khi thông qua phong bì dự thầu về kỹ thuật thì
xem đến phong bì về tài chính xem mức giá nào đó thì chọn. Về nguyên
tắc là có thể không chọn giá thấp nhất, nhưng khuynh hướng hiện nay nói
chung vẫn là chọn giá thấp nhất. Để nhà thầu Trung Quốc hay ai khác
trúng thầu là tùy thuộc cách tổ chức chọn thầu. TS Phạm Sỹ Liêm nhấn
mạnh:
Nhà thầu Trung Quốc thì họ bỏ thầu để
trúng cái đã. Còn sau đó khi ký kết hợp đồng họ sẽ thương lượng chứng
minh thế nọ thế kia để bổ sung giá cao hơn.
-TS Phạm Sỹ Liêm
“Nhưng ở đây tự nhiên không hiểu cách chọn thế nào đó mà các dự án
ngành năng lượng các nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu. Tại sao lại
như vậy, là vì các chủ dự án cứ muốn chọn những nhà thầu đưa ra giá rẻ
nhất còn bên nhà thầu Trung Quốc thì họ bỏ thầu để trúng cái đã. Còn sau
đó khi ký kết hợp đồng họ sẽ thương lượng chứng minh thế nọ thế kia để
bổ sung giá cao hơn. Nhưng Luật Đấu thầu bây giờ thì lại cấm giá hợp
đồng không được cao hơn giá đấu thầu. Thế nhưng những dự án trước đây là
như vậy. Chẳng hạn dự án đường sắt trên cao thì họ cũng như thế và bây
giờ họ cũng đòi thêm, không được thì họ cũng bỏ dở nửa chừng họ đi về.
Tôi chưa rõ là các chủ dự án của chúng ta sẽ xử lý vấn đề như thế nào.
Nhưng tôi nghĩ chắc là phải xử lý đúng theo luật pháp về hợp đồng kinh
tế.”
Thông tin ghi nhận trong số 24 dự án nhà máy xi măng thì Trung Quốc
làm tổng thầu EPC 23 dự án. Nắm tổng thầu Trung Quốc dành hết thầu phụ
cho người của họ; đem luôn lao động phổ thông từ Hoa lục sang. Hiện nay
trong 20 dự án nhiệt điện, Trung Quốc trúng tổng thầu EPC 15 dự án tỷ lệ
nội địa hoá 0%. Phần lớn các dự án của Tập đoàn Than và khoáng sản phía
Trung Quốc đều trúng tổng thầu, kể cả hai dự án bauxite Tây nguyên đầy
tranh cãi.
Một công trình xây dựng tại KCN Vũng Áng do nhà thầu Trung Quốc thi công. Courtesy photo.
Các chuyên gia đã cảnh báo an ninh năng lượng của Việt Nam nằm trong
tay Trung Quốc. Giả sử nhà thầu Trung Quốc vòi vĩnh không được bỏ ngang
thì gây thiệt hại rất lớn. Với thiết bị máy móc và công nghệ Trung Quốc
thì các nhà thầu khác khó lòng vào làm thay được.
Báo điện tử Đất Việt ngày 21/8/2014 trích lời bà Bùi Thị An, đại biểu
quốc hội đơn vị Hà Nội cảnh báo tình trạng nhà thầu Trung Quốc ngừng
thi công đòi thêm tiền ngày càng phổ biến. Bà An nêu ví dụ dự án nhiệt
điện Nông Sơn Quảng Nam năm 2008, nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ thi
công ì ạch đến năm 2012 thì bỏ hẳn trong khi công trình mới xây dựng
được một nửa khối lượng. Chưa hết, gần đây nhất chủ đầu tư dự án thủy
điện Vĩnh sơn-Sông Hinh cũng đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu
Trung Quốc nửa chừng vì họ ngừng thi công đòi tăng giá.
Theo lời Đại biểu Bùi Thị An, cần phải truy trách nhiệm đến cùng
người đứng đầu các công trình, cũng như những người đã duyệt thầu. Tất
cả mọi thứ cần phải được công khai minh bạch.
Người TQ trúng thầu ở mọi nơi
Về câu chuyện Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm về công nghệ Trung
Quốc và nhà thầu Trung Quốc, nhưng tại sao người Trung Quốc lại trúng
thầu ở mọi nơi mọi chỗ. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng
Việt Nam nhận định: “Rõ ràng việc lựa chọn bên trúng thầu không đúng và thực tế đã chỉ
ra. Còn tại sao tình trạng tiếp tục thì cũng chưa ai nói rõ lý do.
Nhưng chúng ta đều biết người Trung Quốc trong kinh tế rất coi trọng các
mối quan hệ họ gọi là ‘Guan Xi” và ở Việt Nam cái ‘Guan Xi’ này đã phát
huy tác dụng và do đó họ trúng thầu nhiều dự án. Trước khi thầu thì họ
đã mời các bên có liên quan sang nước họ tham quan để chứng tỏ năng lực
của họ. Trong quá trình tham quan thì họ đã ‘thế nào đó’ và rõ ràng cái
đó tác động kết quả lựa chọn thầu.”
Người Trung Quốc trong kinh tế rất coi
trọng các mối quan hệ họ gọi là ‘Guan Xi” và ở Việt Nam cái ‘Guan Xi’
này đã phát huy tác dụng và do đó họ trúng thầu nhiều dự án.
-TS Phạm Sỹ Liêm
Đề cao Luật Đấu thầu 2013 và hy vọng nó sẽ sớm có tác dụng giúp cải
thiện tình trạng khuất tất trong vấn đề đấu thầu. Tuy nhiên TS Phạm Sĩ
Liêm có thêm đề xuất ông nói: “Những dự án này phần lớn đều là dự án của nhà nước mà những dự án
người Trung Quốc tham gia phần lớn lại là những dự án vay tiền của
Trung Quốc mà vay tiền của Trung Quốc, vay vốn ODA thì người ta yêu cầu
phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, tư vấn Trung Quốc, các nước khác thì
cũng tương tự thôi. Các chủ đầu tư dự án nói chúng tôi phải chọn nhà
thầu Trung Quốc vì chúng tôi vay tiền vốn ODA của Trung Quốc, phải theo
điều kiện đặt ra. Nhưng theo tôi, chúng ta lúc cần cũng phải biết nói
không với vốn ODA. Chứ không có nghĩa cứ vốn ODA là phải chấp nhận.”
Về mặt chính thức Trung Quốc không phải là nước cung cấp viện trợ
phát triển (ODA) lớn cho Việt Nam. Trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ
có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ 14 với gần 900 dự
án FDI tổng vốn đăng ký 4,68 tỷ USD.
Tuy vậy theo trang mạng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VEF, dòng vốn Trung
Quốc chảy vào Việt Nam rất lớn và chưa được thống kê đầy đủ. Thực tế
Trung Quốc cung cấp vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho hầu hết các dự án
ngành công nghiệp, năng lượng của nhà nước Việt Nam, thông qua đầu mối
Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Rõ ràng bất kỳ sự lệ thuộc nào cũng kèm theo trái đắng, kể cả lệ thuộc vốn vay của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét