Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Di chúc Hồ Chí Minh : từ bản thứ nhất tới bản thứ hai (I) – (II)

Di chúc Hồ Chí Minh : từ bản thứ nhất tới bản thứ hai (I)

Trong bài này tôi tập trung vào hai vấn đề mà Hồ Chí Minh đã cắt bỏ và sửa đổi khi viết bản di chúc thứ hai, vào dịp sinh nhật năm 1968.
Như bài trước đã nói, văn bản cho phép nhận xét rằng di chúc năm 1968 là một di chúc mới, được viết lại hoàn toàn, viết lại từ phần mở đầu, có cấu trúc riêng, lô gic riêng. Đó là một văn bản mới, dùng để thay thế cho văn bản năm 1965, chứ không phải là để bổ sung cho văn bản năm 1965.


Chính trên cơ sở nhận xét này, trên quan niệm rằng đó là hai văn bản khác nhau, bản sau dùng để thay thế bản trước, mà tôi tiến hành các đối chiếu dưới đây. Ở đây tôi chỉ đề cập đến hai điểm, dĩ nhiên còn có những điểm khác.
  1. Cắt bỏ những nội dung liên quan đến Đảng trong di chúc 1968
Bản di chúc đánh máy năm 1965, sau phần mở đầu là phần nói về Đảng, với sự nhấn mạnh của Hồ Chí Minh, bằng cách gạch dưới cụm từ : « Trước hết nói về Đảng ». Phần nói về « việc riêng », tức là việc chôn cất, ông để ở đoạn cuối cùng của di chúc.
Như vậy có thể thấy, vào thời điểm năm 1965, Đảng là mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh. Ưu tiên số một trong di chúc dành cho Đảng. Và ông Hồ viết các ý sau đây về Đảng : đầu tiên ông ca ngợi công lao của Đảng, sau đó là một số lời khuyên nhằm xây dựng Đảng vững mạnh trong tư cách là « đảng cầm quyền » : phải đoàn kết, thực hành dân chủ, phê bình và tự phê bình, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải trong sạch, và phải là người đầy tớ của nhân dân.
Tiếp đó, sau « Đảng ta » ông nói đến « Đoàn viên thanh niên ta ». Ông căn dặn phải chăm lo bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành thế hệ cách mạng, thành những người « vừa hồng vừa chuyên ». Tiếp theo, ông đề cập đến cuộc « kháng chiến chống Mỹ ». Và trước khi nói về « việc riêng », ông nói đến « Phong trào cộng sản thế giới », ông tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam sẽ góp phần khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em quốc tế.
Trong bản di chúc viết tay năm 1968, Hồ Chí Minh bỏ hết toàn bộ những nội dung liên quan đến « Đảng ta », « Đoàn thanh niên ta », và « phong trào cộng sản thế giới ». Xin lưu ý độc giả là ông Hồ bỏ hoàn toàn những nội dung này.
Thay vào đó, liên quan đến đảng, là mấy câu ngắn ngủi nhằm nhấn mạnh « việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng ».
Điều gì khiến Hồ Chí Minh, trong vòng ba năm từ 1965 đến 1968, có những thay đổi quan trọng trong đánh giá về Đảng, khiến ông đi từ chỗ ca ngợi Đảng tới chỗ thấy rằng Đảng phải được chỉnh đốn lại ?
Việc chỉnh đốn Đảng trở thành việc quan trọng nhất, tại sao ? Hoặc phải đặt câu hỏi theo cách khác : vì sao phải chỉnh đốn Đảng ?
Ta cũng nhận thấy rằng, trong bản di chúc thứ nhất, Hồ Chí Minh chỉ nói đến Đảng, không một lời nào về Chính phủ. Trái lại, trong di chúc thứ hai, cụm từ « Đảng và Chính phủ » được lặp lại nhiều lần. Đảng không còn giữ vị thế độc tôn như trong bản di chúc thứ nhất nữa. Phải chăng trong quan niệm của ông về quyền lực chính trị đã có sự thay đổi : Đảng và Chính phủ là hai thực thể phân biệt và có vai trò ngang nhau trong cán cân quyền lực ?
Ông Hồ cũng xóa bỏ hoàn toàn câu « Đảng ta là đảng cầm quyền ». Ông hoàn toàn không kể đến công lao của Đảng, ông chỉ nói những việc Đảng phải làm đối với xã hội và đối với người dân. Như vậy, phải chăng, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh năm 1968, đảng cộng sản không còn được hình dung như là đảng cầm quyền tuyệt đối nữa ? Phải chăng, ông nghĩ rằng, việc chia sẻ quyền lực giữa đảng và chính phủ sẽ giúp giảm bớt các tệ nạn trong đảng ? Các tệ nạn mà ông phải nhìn thấy rất rõ, đến mức điều đầu tiên ông nói về đảng trong di chúc lần này là « chỉnh đốn đảng » ?
Một điểm khác cũng hết sức quan trọng : trong văn bản 1968, Hồ Chí Minh không hề nhắc đến « đạo đức cách mạng ». Đạo đức cách mạng là thứ mà ông nhấn mạnh nhiều lần trong di chúc thứ nhất, nhưng lại đã bị ông loại bỏ hoàn toàn khi viết lại bản di chúc lần thứ hai. Phải chăng ông đã nhìn thấy tính chất nguy hiểm của cái gọi là « đạo đức cách mạng » và không muốn biến nó thành sợi dây thòng lọng thắt cổ các thế hệ tương lai ?
Trong khi bỏ đi toàn bộ những nội dung liên quan đến Đảng, Đoàn và phong trào cộng sản thế giới, thì ưu tiên số một của ông Hồ trong bản di chúc thứ hai là : « Đầu tiên là công việc đối với con người ». Chữ « con người » được nhấn mạnh bằng cách gạch dưới, trong bản viết tay của ông. « Con người » là ai ?
Con người, theo những gì mà bản di chúc thứ hai kể đến, đó là : thương binh, liệt sĩ, thân nhân của họ, thanh niên trong các lực lượng vũ trang nhân dân, phụ nữ, cả các thành phần như : « trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… », và dĩ nhiên không thể thiếu « nhân dân », ông đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho dân. Và… tất cả những nội dung liên quan đến « con người » đều bị Bộ Chính trị cắt bỏ hết trong bản « di chúc » mà họ đem ra công bố, đồng thời, xin nhắc lại, họ cho công bố những gì mà Hồ Chí Minh đã tự cắt bỏ.
Ông Hồ của năm 1968 không còn tin rằng « các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại », cũng không còn tham vọng « Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em », không còn mong đào tạo thanh niên « vừa hồng vừa chuyên », như ông đã từng bộc lộ vào năm 1965. Và như trên đã nói, ông Hồ không còn nói chút nào về công lao của Đảng, trái lại ông nhấn mạnh vào việc cần phải chỉnh đốn Đảng. Những thay đổi này của Hồ Chí Minh là do « tình hình trong nước cũng như tình hình thế giới có rất nhiều thay đổi », như ông đã viết.
Chúng ta biết tình hình thế giới : năm 1968 là năm của mùa xuân Praha, năm của sự kiện « Tháng 5 năm 68 » tại Pháp. Năm 1968 cũng là thời điểm mà cách mạng văn hóa đẩy Trung Quốc vào tình trạng hỗn loạn dưới sự tung hoành của hồng vệ binh. Còn tình hình Việt Nam : cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân và thảm sát tại Huế. Xin nhắc lại : tôi không phân tích các sự kiện lịch sử. Tôi chỉ liệt kê một số sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam ở thời điểm 1968 mà theo tôi có thể có tác động tới sự thay đổi được thể hiện trong di chúc của Hồ Chí Minh.
Một vấn đề khác cũng cần phải quan tâm là : Hồ Chí Minh của năm 1969 nghĩ gì về Đảng ? Ngoài mấy câu mở đầu, ta không còn được biết ông viết gì trong di chúc năm 1969, lúc mà, như ông tự nhận : « tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt ». Ông đã viết gì vào dịp sinh nhật 79 tuổi ? Đã có những thay đổi nào trong suy nghĩ và nguyện vọng của ông ? Những điều cuối cùng mà ông muốn để lại là gì ? Phải chăng chính vì điều đó mà ông đã bị phản bội và bản di chúc chính thức đã biến mất ? Không rõ chúng ta còn cơ hội để có được câu trả lời rõ ràng và thuyết phục không ? Điều này tùy thuộc vào giới sử gia của nước nhà.
Paris, 26/4/2015
Nguyễn Thị Từ Huy


****************************

Di chúc Hồ Chí Minh : từ bản thứ nhất tới bản thứ hai (II)


2. Nguyện vọng về việc chôn cất.
Đọc cả hai bản gốc di chúc còn lại ta thấy rằng việc chôn cất sau khi chết là một việc vô cùng quan trọng đối với Hồ Chí Minh. Quan trọng đến mức trong bản di chúc thứ hai, ông đưa việc này lên đầu văn bản, thay vào vị trí dành cho Đảng trong bản di chúc thứ nhất.

Cần nhấn mạnh rằng mong muốn của ông Hồ về việc hỏa táng là không thay đổi. Đó là mong muốn duy nhất của ông.
Theo những gì được ông trực tiếp trình bày trong di chúc, thì ông muốn làm gương cho hình thức hỏa táng, vốn không phải là một truyền thống của người Việt, vì các lý do được ông giải thích rõ : « Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. »
Câu này được giữ nguyên trong cả hai văn bản. Chứng tỏ đó là ý nguyện bất di bất dịch của Hồ Chí Minh, điều mà ông đã suy ngẫm rất kỹ. Hơn nữa ông dùng chữ « yêu cầu », chứ không phải « đề nghị ». Đó là một mệnh lệnh. Để thấy rằng nguyện vọng này là một nguyện vọng hết sức quan trọng.
Tóm lại, những điều ông Hồ giữ nguyên trong cả hai bản di chúc : di nguyện chọn hình thức hỏa táng, không tổ chức tang lễ linh đình, tránh lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân.
Dưới đây là các thay đổi liên quan đến việc chôn cất tro, sau khi hỏa táng :
Ở văn bản năm 1965 có ba đoạn ngắn, tôi trích nguyên văn:
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ ngỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào fải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.
Ở văn bản năm 1968 cũng có ba đoạn, tôi trích nguyên văn :
Tro thì chia làm 3 fần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ ngỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên zao fó cho các cụ fụ lão.
Đối chiếu hai văn bản, ta thấy:
Ở văn bản 1965, Hồ Chí Minh đề nghị chôn toàn bộ tro di hài của ông trên một ngọn đồi ở miền Bắc, và ông gợi ý ở vùng gần Tam Đảo và Ba Vì. Ông cũng hình dung rằng ông có thể mất trước khi đất nước thống nhất nên đề nghị gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.
Ở văn bản năm 1968, Hồ Chí Minh thay đổi ý nguyện. Ông đề nghị chia tro ra ba phần, nói rõ là bỏ vào 3 cái “hộp sành”, cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, mỗi miền chọn một quả đồi để chôn tro di hài.
Điều thống nhất ở cả hai văn bản là ông đề nghị trồng cây lên đồi, biến nơi chôn cất thành một rừng cây. (Đọc đến đây hẳn quý độc giả không thể không liên tưởng đến sự kiện đang là thời sự : lãnh đạo thành phố Hà Nội « thực hiện di chúc Hồ Chí Minh » bằng cách quyết tâm triệt hạ bằng được 6.700 cây ở thủ đô, triệt hạ môi trường sống của người dân thủ đô và của chính họ. Đồng thời quý độc giả hẳn cũng không khỏi ngậm ngùi trước việc những người bảo vệ cây xanh bị chính quyền đàn áp bắt bớ).  Thậm chí ông Hồ còn dặn đến tận chi tiết nhỏ là việc chăm sóc giao cho các cụ phụ lão, tức là những người đã ở tuổi nghỉ ngơi, không còn lao động nữa.
Và mọi người dân Việt Nam đều biết, di nguyện của Hồ Chí Minh đã bị phản bội, cho tới tận lúc này, đã 46 năm kể từ khi ông mất. Ông Hồ bị phản bội từ di nguyện quan trọng nhất tới tận từng chi tiết nhỏ nhất của di chúc.
Hẳn còn có nhiều dịp, cho nhiều người, để phân tích vì sao Hồ Chí Minh chọn chết và chôn theo cách đó.  Cá nhân tôi cũng có những nhận định riêng của mình, nhưng lúc này chưa phải là lúc đi vào phân tích cụ thể. Như đã nói, ở đây tôi chỉ trình bày sự đối chiếu giữa hai bản di chúc năm 1965 và 1968 để thấy Hồ Chí Minh giữ lại điều gì, bỏ đi điều gì. Từ đó xác định điều gì quan trọng đối với ông, và điều gì đã thay đổi trong nhận thức của ông.
Từ đó để chúng ta cùng suy nghĩ về bi kịch của Hồ Chí Minh, và bi kịch của cả dân tộc.
Bi kịch ấy bắt nguồn từ chính con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn : chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Con đường mà một nửa châu Âu cũng đã lựa chọn, nhưng đã từ bỏ, hai thập kỷ sau khi Hồ Chí Minh mất. Hồ Chí Minh mất năm 1969, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Việc tôi đã làm trên đây là dựa vào các văn bản do Hồ Chí Minh viết, và tôi chỉ thuần túy nói về các văn bản này, về những gì mà văn bản trình bày, không đi ra ngoài văn bản, nghĩa là không nói đến Hồ Chí Minh ở những khía cạnh mà văn bản di chúc không bộc lộ.
Nghĩa là tôi ý thức được rằng Hồ Chí Minh, cũng như cuộc chiến tranh 54-75 ở Việt Nam, là nhân vật và sự kiện lịch sử chịu sự đánh giá từ nhiều phía và hết sức phức tạp. Và tôi cũng đã xác định rõ rằng ở đây tôi không tham gia vào việc đánh giá về Hồ Chí Minh vì đó không phải là mục đích của bài này, nhưng cũng không phủ nhận rằng tôi có thể làm việc đó vào một lúc khác.
Nói về một người đã chết thì dễ ở chỗ là họ chẳng còn sống để tự bảo vệ mình, nên ai muốn nói gì cũng được. Nhưng cũng khó là ở chỗ làm sao để công bằng đối với người đã chết, để không hiểu sai họ, cũng chính vì lý do là họ không còn sống để có thể tự bảo vệ mình.
Vậy, ý thức về sự công bằng khiến cho tôi tự nhủ rằng, nếu muốn đưa ra nhận xét hay kết luận về một người đã chết thì phải dựa vào bằng chứng cụ thể và xác thực, những bằng chứng được xác nhận. Đó là cách của tôi.

Dưới đây là một vài lời dành cho các bạn thanh niên, sinh viên đang bị tẩy não bởi phong trào « học tập tư tưởng Hồ Chí Minh », một chiến dịch tuyên truyền được đảng và Ban Tuyên giáo thực hiện từ nhiều năm nay.
Qua phân tích của tôi có lẽ các bạn cũng đã thấy rằng bản thân Hồ Chí Minh còn không quyết định được số phận của mình, không quyết định được về thân xác của mình. Làm sao ông ấy có thể quyết định tương lai cho cả dân tộc ?
Bản thân Hồ Chí Minh còn không biết được thể xác của ông ấy sẽ bị đối xử như thế nào, dù đã hết lòng dặn đi dặn lại từ bản di chúc này đến bản di chúc kia, thì làm sao ông ấy đảm bảo được cho các bạn con đường lên chủ nghĩa xã hội ? Làm sao ông ấy đảm bảo được tương lai cho các bạn ?
Chính các bạn mới là người quyết định tương lai của mình. Chính các bạn mới là người quyết định lựa chọn con đường nào cho các bạn và cho dân tộc, bởi các bạn là thành tố hợp thành dân tộc này. Chính các bạn mới là người lựa chọn xây dựng một xã hội như thế nào để có thể đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho tất cả các bạn. Chính các bạn, không ai khác, phải gánh lấy trách nhiệm đó.
Các bạn có trí tuệ là để tự chịu trách nhiệm về hành động, về suy nghĩ, về lựa chọn của các bạn. Nếu không, trí tuệ của các bạn sẽ dùng vào việc gì ?
Các bạn không thể đổ lỗi cho Hồ Chí Minh, một người đã chết, về việc các bạn là nạn nhân của cỗ máy lừa dối khổng lồ mà đảng đang lê khắp mọi thôn cùng ngõ hẻm trên đất nước này, đang lê khắp mọi trường đại học. Không ! Các bạn phải tự chịu trách nhiệm nếu để cho người ta biến các bạn thành nạn nhân, nếu để cho người ta lừa dối các bạn. Vì chính các bạn đã lựa chọn trở thành nạn nhân trong khi mà các bạn hoàn toàn có thể từ chối cái trò « học tập » dối trá đó.
Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm về những việc ông ấy đã làm khi còn sống (người ta sẽ còn phân tích nhiều về trách nhiệm của ông ấy).
Nhưng nay ông Hồ đã chết, ông ấy không còn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của các bạn ngày hôm nay.
Tôi có thể nói với các bạn rằng, cá nhân tôi, một người sinh ra sau khi ông Hồ chết, tôi phải chịu trách nhiệm về mọi việc tôi làm. Tôi không thể nào đổ lỗi cho một người đã chết trước khi tôi ra đời.
Nếu tôi thất bại thì đó là lỗi của tôi, vì tôi kém nên tôi thất bại.
Nếu tôi chọn sai đường, thì đó là lỗi của tôi, vì tôi thiếu hiểu biết nên tôi chọn sai đường.
Nếu tôi đặt niềm tin vào nhầm người, thì đó là lỗi của tôi, vì tôi không biết cách nhìn người.
Nếu tôi bị lừa, thì đó là lỗi của tôi, vì tôi đã không sử dụng trí tuệ của mình nên mới để cho người khác lừa.
Những gì tôi đã làm, tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác, lại càng không có lý do gì để đổ lỗi cho một người đã mất.
Tôi cũng không có lý do gì để đặt số phận mình vào lựa chọn của một người đã chết (một người mà ngay đến thân xác của mình còn không tự quyết định được, linh hồn không siêu thoát được suốt từ 46 năm nay). Tôi phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Các bạn cũng vậy. Các bạn là người chịu trách nhiệm về mọi việc các bạn làm, mọi điều các bạn nghĩ, mọi lựa chọn của các bạn. Các bạn là người chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do các bạn gây ra, hay mọi thành công mà các bạn đạt được.

Paris, 5/5/2015
Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét