Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Từ “Biến cố Flushing” đến “Hội Thập Tam” ở Việt Nam: Liệu ĐCSTQ có đạt được mục đích?

Đaikynguyen

Quang Minh 12 Tháng Năm , 2015
Nguyễn Doãn Kiên (phải) cùng với một phụ tá, cả hai cùng mặc áo vàng in chữ Pháp Luân Công, giương cao biểu ngữ tuyên truyền đấu tranh chính trị ngay giữa quảng trường Ba Đình, Hà Nội (ảnh lấy từ trang web của Hội Thập Tam do Nguyễn Doãn Kiên tham gia điều hành)
Nguyễn Doãn Kiên (phải) cùng với một phụ tá, cả hai cùng mặc áo vàng in chữ Pháp Luân Công, giương cao biểu ngữ tuyên truyền đấu tranh chính trị ngay giữa quảng trường Ba Đình, Hà Nội , ngày 13 tháng 1 năm 2014 (ảnh lấy từ trang web của Hội Thập Tam do Nguyễn Doãn Kiên tham gia điều hành)


Dán cho học viên Pháp Luân Công cái mác “làm chính trị”, chụp cho những con người tập luyện môn khí công ôn hòa này cái mũ “tà giáo”, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ý định triển khai rộng rãi trên quy mô toàn thế giới những gì mà họ đã tập dượt trước đó vào năm 2008 ở Flushing, New York.
Tại Việt Nam, những ai quen thuộc với các tin tức về Pháp Luân Công sẽ có thể dễ dàng thấy được sự liên hệ giữa vụ việc nhóm người do một thanh niên tên Nguyễn Doãn Kiên dẫn đầu vận động chiến dịch “tử chiến Ba Đình” với sự việc đặc vụ Trung Cộng “giả vờ cảm tình viên” ở Flushing.
Vào ngày 13 tháng 1 năm 2014, nhóm người do Kiên dẫn đầu đã công khai treo biểu ngữ mang nội dung nhân danh Pháp Luân Công đả đảo chính quyền Việt Nam ở quảng trường Ba Đình, và sau đó, ngày 23 tháng 1 năm 2014, nhóm của Kiên tiếp tục quăng dây định giật đổ tượng Lê-nin tại công viên Lê-nin giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại Ba Đình, nhóm của Kiên đã bị công an giải đi không lâu sau khi họ vừa giương biểu ngữ vừa hô lớn kêu gọi người đi đường chú ý. Tại công viên Lê-nin, vụ giật đổ tượng bất thành do cáp bị đứt, theo thông tin từ chính nhóm của Kiên.
Cả 2 vụ việc dù diễn ra nhanh chóng nhưng ngay sau đó trên website của nhóm hoạt động này, người ta đã thấy nhiều bài viết, hình ảnh và cả video quay lại vụ việc, kèm theo những ghi chú biểu dương “chiến tích”.

Biến cố Flushing

Trong năm 2008, báo Epoch Times Anh ngữ đã xuất bản một mục báo với tựa đề “Biến cố ở Flushing” cập nhật liên tục về các hoạt động công kích ngày càng leo thang của các nhóm côn đồ được lãnh sự quán Trung Quốc thuê nhằm phá hoại các địa điểm phát tài liệu nói lên sự thật của học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công (còn được biết đến với tên gọi khác là Pháp Luân Đại Pháp) từ tháng 7 năm 1999 đã bị chính quyền Trung Quốc, do ông Giang Trạch Dân khi đó làm lãnh đạo, bức hại một cách nghiêm trọng. Kể từ đó đến nay, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã kiên trì chọn phương pháp phản kháng hòa bình, gửi đi các tài liệu vạch trần sự tàn ác của ĐCSTQ, thể hiện vẻ đẹp thanh bình của môn tập, thỉnh nguyện lương tâm và sự giúp đỡ của người dân khắp nơi trên thế giới. Và Flushing, thành phố New York nước Mỹ là một trong những địa điểm mà hoạt động thỉnh nguyện này diễn ra mạnh mẽ.
Ngày 31 tháng 5 năm 2008, đặc vụ ĐCSTQ đã cải trang thành các học viên Pháp Luân Công để lan truyền các tin đồn sai sự thật về Pháp Luân Công. Những người này mặc áo phông màu vàng của Pháp Luân Công, tuyên bố “làm rõ sự thật” cho người dân Trung Quốc trên đường phố Flushing, họ nói với mọi người tại địa điểm của cuộc biểu tình rằng “Trận động đất Tứ Xuyên là sự trừng phạt cho những người Trung Quốc”, và “Người Trung Quốc chết trong trận động đất vì nghiệp lực của họ.” Những người này còn nói Pháp Luân Công không đóng góp cứu trợ động đất. Họ đã cố tình xuyên tạc, làm hoen ố hình ảnh của Pháp Luân Công, gieo rắc sự hận thù trong những người Trung Quốc chưa biết sự thật.
Hoạt động “mặc áo vàng giả dạng Pháp Luân Công” tại Flushing chỉ là một bước thử nghiệm mang tính thăm dò, do chính cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang – cánh tay phải của Giang Trạch Dân, người đã vừa bị hạ bệ và đang bị xét xử trong chiến dịch “đả hổ” của Chủ tịch Tập Cận Bình – lên kế hoạch triển khai. Nếu thử nghiệm này thành công, phong trào “trá hình kích động” – sử dụng điệp viên có đào tạo bài bản, thâm nhập và giả dạng làm học viên Pháp Luân Công sau đó xuyên tạc, bịa đặt, tuyên truyền thù hằn – sẽ được triển khai nhân rộng tại nhiều thành phố khắp thế giới, những nơi có đáng kể người Hoa sinh sống, và tất nhiên cả những nơi đặc vụ Trung Cộng dễ dàng hoạt động.

Những email “kỳ lạ”

Ngày 20 tháng 4 năm 2011, một loạt các thư điện tử (email) lừa đảo đã được gửi tới các dân biểu, các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ ở Canada, Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy. Những người gửi email giả mạo, trá xưng là đại diện của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, và nội dung của các thông điệp được soạn ra nhằm mô tả Pháp Luân Công là kỳ quái, mang tính đe dọa, không khoan dung, và khiến người đọc dễ có ý tưởng rằng Pháp Luân Công không xứng đáng nhận được sự thông cảm hoặc sự tôn trọng.
Những email có tuyên bố kỳ lạ, nói rằng nếu người đọc email đã theo tập Pháp Luân Công, họ sẽ có được “khả năng đặc biệt” bao gồm “làm giàu mà không cần phải lao động.” Nếu không chấp nhận Pháp Luân Công, theo nội dung email, sẽ dẫn tới “bị chảy máu khắp nơi và bị tai họa”, và “thậm chí xuống địa ngục”.

Pháp Luân Công không bao giờ sử dụng sự ép buộc hoặc đe dọa như một phương tiện thuyết phục ai đó để bắt họ theo Pháp Luân Công

ông Trương Nhị Bình, người phát ngôn của Trung Tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp giải thích.
Rõ ràng các đặc vụ của Trung Cộng đang không ngừng tận dụng mọi thủ đoạn gian xảo để bôi nhọ Pháp Luân Công.

“Đột nhập trại lính” và Hội Thanh Quan ở Hồng Kông

Tại Hồng Kông, phe cánh chính trị của Giang Trạch Dân hoạt động khá mạnh mẽ. Theo điều tra của các nhóm hoạt động nhân quyền ở Hồng Kông, 2 tổ chức mang tên Hongkongers Come First (Người Hồng Kông Đi Đầu) và HKYCA (Hội Thanh Quan, gọi tắt của Hội Thanh Niên Quan Ái) chính là 2 công cụ kích động thù hằn của phe Giang.
Tháng 12 năm 2013, người của Hongkongers Come First đã đột nhập vào doanh trại Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông. Vụ việc này khiến nhiều người liên tưởng rằng đó chính là thứ “gợi cảm hứng” cho Nguyễn Doãn Kiên ra chiến dịch “tử chiến Ba Đình” đầy táo tợn.
Kể từ đầu năm 2013, Hội Thanh Quan tại Hồng Kông đã liên tục quấy nhiễu, gây rối tại các địa điểm phát tài liệu nói sự thật của học viên Pháp Luân Công. Điển hình là trong tuần từ ngay 22 tháng 3 năm 2014, một nhóm người của Hội Thanh Quan đã mặc áo vàng in các chữ của Pháp Luân Công, gỉa mạo làm học viên Pháp Luân Công, đứng gần chỗ các học viên chân chính, đồng thời phát các tài liệu trá hình, nội dung là vu khống xuyên tạc Pháp Luân Công. Khi phóng viên Epoch Times đến chụp hình thì nhiều người đã động tay chân, hung hăng bạo lực khiến cảnh sát Hồng Kông buộc phải can thiệp.
Theo các nguồn tin tiết lộ, tập đoàn Giang trước mắt thông qua Hội Thanh Quan, và các lực lượng “yêu Hồng Kông” để thâm nhập, và dùng bất cứ thủ đoạn nào nhằm có thể chĩa mũi nhọn vào Pháp Luân Công và tạo ra va chạm xung đột để vu khống Pháp Luân Công. Có thể dẫn ra một số ví dụ như ở hậu đài miệt thị Pháp Luân Công là “Phản Hoàng” và đòi “Hồng Kông độc lập”…Mục đích cuối cùng là dẫn đến việc vu khống cho Pháp Luân Công để buộc Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông áp dụng điều luật 23 tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công. Trước đó, tập đoàn Giang Trạch Dân đã mưu toan đề ra Điều 23 (luật chống lật đổ, cho phép chính quyền Hồng Kông tấn công bất cứ nhóm nào bị cấm bởi CHND Trung Hoa mà không cần điều tra, cảnh sát có quyền vào nhà dân và bắt người bất kì lúc nào mà không cần giấy phép hay bằng chứng) để nỗ lực ngăn chặn Pháp Luân Công.

“Tử chiến Ba Đình” và Hội Thập Tam ở Việt Nam

Kể từ năm 2011, ở Việt Nam xuất hiện một nhóm người khá “kỳ lạ”, dẫn đầu bởi một người tên Phạm Xuân Giao và phụ tá đắc lực của Giao là Nguyễn Doãn Kiên. Khác với các học viên Pháp Luân Công chân chính, những người luôn chọn phương pháp ôn hòa, thanh bình để nói lên sự thật về cuộc bức hại vô nhân tính và về vẻ đẹp của môn tập, nhóm của Giao và Kiên thường xuyên, vừa cả công khai lẫn ngụ ý, tuyên truyền các nội dung mang tính kích động sự hận thù của người dân Việt Nam đối với Pháp Luân Công. Giao và Kiên đã đi khắp các tỉnh thành ở Việt Nam trong năm 2011 và 2012, tổ chức các hoạt động mặc áo vàng in chữ Pháp Luân Công nhưng lại thực hiện các hành vi bùa chú, thờ cúng linh vật, ngồi thiền xếp thành các hình thù quái dị…đó đều là những điều không hề nằm trong giáo lý tập động tác rèn luyện thân thể và hướng nội đề cao tâm tính của Pháp Luân Công, theo nhận xét từ nhiều học viên Pháp Luân Công ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm 2013, nhóm do Giao và Kiên dẫn đầu đã công khai thành lập cái gọi là “Thập Tam Chân Truyền Đệ Tử”, đi kèm theo tên gọi còn có 4 chữ “Pháp Luân Đại Pháp” lấy trộm từ tên gọi của môn tập luyện tâm linh Pháp Luân Đại Pháp (một tên gọi khác của Pháp Luân Công). Nhóm Thập Tam tiếp đó tiến hành một loạt các hoạt động đầy màu sắc chính trị như : Vận động thoái Đảng cộng sản Việt Nam, công khai công nhận một người tên Đào Minh Quân làm Tổng thống Việt Nam do nhóm tự phong, vượt biên trái phép sang Trung Quốc, thực hiện chiến dịch “tử chiến Ba Đình” như đã đề cập ở phần trên, và mới đây nhất là tuyên bố tự thành lập tôn giáo, Phạm Xuân Giao tự phong mình làm “giáo chủ” bất chấp các quy định của luật pháp Việt Nam.

Không có gì phải nghi ngờ đối với việc Phòng 610 và tập đoàn họ Giang đứng đằng sau giật dây cho toàn bộ hoạt động của hắc hội Thập Tam tại xứ An Nam

theo một blogger tên Zi Ren, thành viên của một diễn đàn trực tuyến dành cho học viên Pháp Luân Công Việt Nam, nhận xét trong một bài blog.
Trong mọi hoạt động của hội Thập Tam, họ luôn “mặc áo vàng Pháp Luân Công” một cách cố ý. Mục đích là thuận theo mưu đồ của ĐCSTQ, chứng minh rõ sự lan rộng của “mô hình Flushing” sang nhiều nước trên thế giới, dùng hệ thống đặc vụ một cách tinh vi, thâm nhập, trá hình, xuyên tạc và vu khống Pháp Luân Công, khiến cho chính quyền và cả người dân của nhiều nước khác trên thế giới hiểu lầm về Pháp Luân Công, từ đó dễ bề tạo thêm thị trường, duy trì cuộc bức hại tàn bạo mà cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã khởi xướng.
Ngày 27 tháng 3 năm 2014, tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã xét xử Nguyễn Doãn Kiên và 3 người khác về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình Sự. Nguyễn Doãn Kiên – người tự xưng mình là “chính vương” (vua từ trên trời) – đã bị kết án 6 năm tù. Ba người còn lại – những người tự xưng là “hộ pháp” cho Kiên – lần lượt chịu mức án 5 năm, 5 năm và 4 năm tù.
Các hoạt động mang tính đặc trưng của học viên Pháp Luân Công – như tập các bài khí công mang đường lối thiền định ngoài công viên, tham gia các hoạt động gây quỹ từ thiện, tổ chức sinh hoạt trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm về quá trình tập luyện của bản thân – hiện tại vẫn được duy trì đều đặn tại các thành phố lớn và nhiều tỉnh thành khác nhau trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Bất chấp các hoạt động phá hoại ngày càng tinh vi từ chính quyền Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam hơn nữa đã thấy được vẻ đẹp yên bình và các tác dụng cải thiện cả sức khỏe lẫn tinh thần của môn tập này và đã bắt đầu tham gia tập luyện; và cũng ngày càng có nhiều người Việt Nam hơn nữa hiểu ra được bản chất tà ác, phi lý, vô nhân tính của cuộc đàn áp gây ra cho Pháp Luân Công tại Trung Quốc – theo nhận xét từ nhiều học viên Pháp Luân Công qua các diễn đàn chia sẻ.
Quan điểm thể hiện trong bài viết là của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Phụ trách Việt ngữ bởi: Quang Minh
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét