Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Hòa giải dân tộc – Xây dựng một xã hội VN thực sự đoàn kết, hòa giải (phần 4)

Hòa giải dân tộc – Hành xử của chính quyền với hòa giải dân tộc (phần 3)
Hòa giải dân tộc – Tuyên truyền và dạy lịch sử (phần 2)
Hòa giải dân tộc – thực tế hiện nay (phần 1)

Chân Như, phóng viên RFA

2015-04-29
Chiến tranh Việt Nam: Binh lính hai giới tuyến
Chiến tranh Việt Nam: Binh lính hai giới tuyến Files photos

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai? Đó là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Và trong kỳ cuối của 8 đề tài về nhìn lại 40 năm, mời quý vị cùng đến với những suy nghĩa của giới trẻ về việc xây dựng một xã hội VN thực sự đoàn kết. Cùng với 3 bạn khách mời, Nguyễn Anh Tuấn, Mạnh Hiền và Sỹ Bình.


Chân Như: Lịch sử thế giới đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc nội chiến, chia tách rồi hợp nhất, Lịch sử Việt Nam cũng vậy ! Từ những gì diễn ra trong quá khứ, theo các bạn, người Việt hiện nay cần rút ra bài học gì để hòa giải, đoàn kết dân tộc sau cuộc chiến ?
Nguyễn Anh Tuấn: Từ những ví dụ về các quốc gia trong lịch sử của thế giới cũng như từ kinh nghiệm riêng của VN có cuộc nội chiến kéo dài thì em nghĩ có hai điều  mà người VN có thể rút ra bài học. Điều thứ nhất, những tác hại của việc chậm trễ hoà hợp hoà giải, như tụi em là những người sinh ra sau cuộc chiến khá lâu, thế mà hiện nay nếu theo dõi nhiều cuộc tranh luận trên mạng thì mình thấy cuộc chiến đó gần như là nó vẫn còn sống với thế hệ của tụi em chứ nó không phải là một thứ gì đó thuộc về dĩ vãng. Và đôi khi người ta bị chia rẽ với nhau vì những biểu tượng như lá cờ, bài hát, hoặc một số nhân vật lịch sử.  Và chính điều đó tạo ra một quốc gia thường xuyên bị chia rẽ và nhiều dự định lớn lao không thể tìm được một sự đồng thuận từ cộng đồng quốc gia để có thể có được thành tựu.  Do đó tác hại của việc chậm hoà giải hoà hợp rất to lớn nếu mình đặt trong sự so sánh với nhiều quốc gia đã thành công trong hoà hợp hoà giải.
Bài học thứ hai, một nước đã trải qua cuộc nội chiến lâu dài như VN thì những sự khoan dung, những cẩn trọng khi xem xét về lịch sử cần phải được đặt lên hàng đầu. Bởi đôi khi những sự kiện, những nhận định nó bị tác động rất nhiều từ cảm xúc cá nhân  vì trong một cuộc chiến tranh, bất kỳ người nào, gia đình nào cũng có những tổn thương mất mát. Do đó những nhận định của họ cần phải lý tính hơn và tránh những yếu tố cảm xúc thì quá trình hoà hợp hoà giải  mới có kết quả tốt được. Tuy nhiên, em cũng biết chuyện đó nó không phải dễ dàng nếu mà một người trải qua những sự đau đớn từ quá khứ mà nói họ ngay lập tức có cái nhìn lý tính, loại bỏ được cảm xúc thì rất khó. Chắc có lẽ thời gian sẽ giúp làm công việc đó tốt hơn.
Mạnh Hiền: Theo em cái đặc thù của đất nước ta nó khác với những nước đã hoà giải: nước ta hiện nay vẫn chịu sự cai trị của cộng sản. Chế độ CS thì chỉ muốn độc quyền lãnh đạo nên những người cộng hoà (VNCH) sẽ không chấp nhận điều đó. Vì vậy đối với đất nước ta chỉ có thể hoà giải sau khi sự độc tài chấm dứt
Chân Như: Theo các bạn, tại Việt Nam đang thiếu những điều kiện gì để thực sự đoàn kết và hòa giải?
Sỹ Bình: Để nói đến vấn đề hoà giải thì nó bị ảnh hưởng bởi quá khứ của lịch sử. Giờ đây, nếu muốn hoà giải được thì tất nhiên hai bên phải chấp nhận những đau thương mà đã diễn ra trong lịch sử.  Và tiếp sau đó là phải để ý đến những cái quan trọng nhất: đầu tiên, ví dụ như nền giáo dục, thì trong đó phần quan trọng nhất là lịch sử; Bởi vì phần lịch sử này nó ảnh hưởng đến sự hoà giải, cho nên phải trung thực.
Thứ hai, nền giáo dục văn hoá phải mang tính đạo đức cao và tính nhân văn.
Nguyễn Anh Tuấn: Em cũng đồng ý với ý kiến của Bình, đó là cần một số các điều kiện thuộc về phạm trù đạo đức cho quá trình hoà giải hoà hợp.  Bên cạnh đó thì em cũng nghĩ cần thêm một số các yếu tố nữa.
Thứ nhất, VN cần có một thể chế dung nạp, thay vì là loại trừ; Cho phép cùng tồn tại những khuynh hướng, những quan điểm chính trị khác nhau tuy đôi khi những cái nhìn đó còn xung đột, nhưng nó cho phép cùng tồn tại với nhau.  Chính quá trình cùng tồn tại với nhau nó tạo ra điều kiện mà các bên thông hiểu nhau và chính nó sẽ trở thành cái tiền đề cho sự hoà hợp hoà giải.
Một yếu tố thứ hai là em muốn nhìn cái quá trình hoà hợp hoà giải nó ở một phạm vi rộng hơn không chỉ chuyện hoà giải từ hai miền Nam Bắc mà em nghĩ rằng hoà hợp hoà giải nên là phần của quá trình hoàn thiện của mỗi quốc gia.  Chúng ta đều biết rằng mỗi quốc gia  là một định chế sống, bao hàm nhiều con người khác nhau và nó là một định chế sống theo nghĩa là nó luôn vận động hằng ngày hàng giờ.  Không có một quốc gia nào sinh ra vốn đã hoàn thiện ngay từ đầu.  Nếu mình nhìn vào nước Úc gần đây với sự kiện ông thủ tướng đã phải thay mặt cho quốc gia để xin lỗi những người thổ dân mà một thời gian khá dài chính phủ Úc đã có những chính sách đồng hoá biến dạng những truyền thống văn hoá của họ.  Từ đó mình mới thấy được một điều: không chỉ ở những nước cộng sản như VN mà ngay cả nhiều nước văn minh tiến bộ thì họ vẫn bắt buộc phải làm những việc hoà giải quốc gia như là một phần trong tiến trình hoàn thiện định chế quốc gia.  Từ góc độ như vậy, em muốn nhìn VN là một nước mà nó tiềm ẩn rất nhiều xung đột, một đất nước mà tràn ngập những chia rẽ như vậy thì em thấy cái nhu cầu hòa hợp hoà giải nó cần thiết hơn bao giờ hết.  Tuy nhiên, thời gian vừa qua, những dự định cho sự hoà giải hoà hợp ở VN đều không thành công. Anh không thể làm tốt việc hoà giải hoà hợp khi mà anh vẫn coi những người có quan điểm khác anh là những con người lầm lạc, lầm lỗi và bây giờ anh mở lòng bao dung với một thái độc kẻ cả thì dĩ nhiên anh không thể đạt được. Em nghĩ những dự định hoà hợp hoà giải nó cần thêm điều kiện thứ 2 đó là nó phải xây dựng được đầu tiên là một triết lý mới cho sự tồn tại của quốc gia mang tên Việt Nam.
Chân Như: Theo các bạn việc tôn trọng sự thật khách quan, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về sai lầm trong lịch sử của các bên trong tinh thần cầu thị có tác động thế nào tới quá trình hòa giải, đoàn kết dân tộc ?
Mạnh Hiền: Theo em vấn đề nhìn nhận sự thật trong lịch sử thì khi mà hai bên đều cho mình là phía chính nghĩa, nó sẽ gây ra cái xung đột. Bây giờ nếu như có một cái nhìn khách quan rõ ràng và hiểu rằng phía mình cũng có lỗi thì lúc đó sẽ dễ dàng bao dung cho nhau hơn, và quá trình hoà giải sẽ dễ dàng hơn.
Sỹ Bình: Theo Bình cái quan niệm mà nhìn nhận vấn đề chấp nhận và cầu thị của sự thật thì nó ảnh hưởng rất lớn đến thù hận, đến thời gian. Ông bà ta đã có câu “cái kim trong bị thì lâu ngày nó cũng sẽ lòi ra ngoài”. Anh nào cũng muốn có một cái tính chính danh. Tất nhiên con người thì ai cũng như vậy thôi. Tuy nhiên, trong lịch sử thì cái tính chính danh đó, đến một ngày nào đó, sự thật sẽ lật tẩy ra. Trong lịch sử VN mình thì nó mang cái tính chính danh quá lớn bởi vậy không có một sự thật nào được phơi bày cho cụ thể. Ví dụ như trong cải cách ruộng đất chỉ nói đơn giản là chính quyền đã sai sót một số vấn đề chứ cũng chẳng chi tiết cụ thể là những vấn đề gì. Điều đó đã cho thấy i lịch sử nó không được trung thực. Bởi  anh càng che dấu sự thật chừng nào thì nó lại càng âm ỉ chừng đó và nó sẽ gây thêm thù hận theo thời gian.  Bởi vậy quan trọng nhất là biết được sự thật càng sớm bao nhiêu thì nó càng tốt đẹp bấy nhiêu.
Chân Như: Trong tương lai, giả sử như tại Việt Nam có biến chuyển về chính trị, các bạn thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ hòa giải, đoàn kết dân tộc như thế nào? Tôn trọng sự tồn tại của nhau trong tinh thần dân chủ có phải là chìa khóa giải quyết vấn đề ?
Nguyễn Anh Tuấn: Em nghĩ câu hỏi này rất hay và cái vế thứ hai của câu hỏi với em nó là phần của câu trả lời.  Như khi nãy em có đề cập thì một thể chế dung nạp cái nền dân chủ tự do, nó cho phép tồn tại những cái quan điểm khác nhau và quan trọng là sự thể hiện của những cái quan điểm khác nhau thì nó được tôn trọng và nó được bảo vệ bằng một cái nền pháp quyền. Đây sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình dân chủ bởi vì khi những tiếng nói khác nhau mà bị cấm được nói lên chứ không như hiện nay chỉ có không gian cho một tiếng nói duy nhất thôi thì rõ ràng các bên không thể nào hiểu nhau được, mà nếu không hiểu nhau thì không thể nào mà có cái sự hoà giải hoà hợp được.  Thứ hai, em nghĩ những việc liên quan đến khi mình hình dung cái công cuộc hoà giải nó diễn ra như thế nào? Theo em thấy từ kinh nghiệm các nước chắc chắn nó phải có cái sự đại diện của định chế quốc gia, mặc dù những người như thủ tướng Úc hiện tại thì họ đâu có là người mà gây ra những chuyện đồng hoá và những chính sách tai hại trong quá khứ đâu mà là cha ông họ (cha ông ở đây là những thế hệ đi trước thôi) Tuy nhiên họ vẫn phải đại diện cho quốc gia trong tư cách là định chế để xin lỗi về những chính sách sai lầm đó. Và chỉ khi có những lời xin lỗi chính thức đối với những nạn nhân của hành vi kỳ thị trong lịch sử hoặc là những tổn thất tổn thương trong lịch sử thì khi đó nó mới xoa dịu được phần nào nỗi đau của những người bị tổn thương và từ đó cho họ một cơ hội để tha thứ và tiến đến quá trình hoà giải.
Em nghĩ mình khó mà nói về những sự thật lịch sử. Có những cái gọi là khách quan trong lịch sử bởi vì mọi người đều biết là khi mà nhìn về lịch sử thì mỗi người có những góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, có những sự kiện nó đã bị xuyên tạc thì nó cần phải được trở về đúng với cách mà nó đã diễn ra.  Và em nghĩ cũng cần có những ủy ban gọi là ủy ban sự thật lịch sử đóng vai trò trong giai đọan chuyển tiếp để cải chính lại những cái đã bị xuyên tạc. Bên cạnh đó, riêng đối với VN, cái quá trình hoà giải hoà hợp nó còn cần phải xét tới cả những sự xung đột về sắc tộc và tôn giáo chứ không chỉ là về ý thức hệ qua cuộc nội chiến vừa rồi.
Chỉ có như vậy mới tạo dựng được một chất keo kết dính mới cho một sự hoà hợp hoà giải có chiều sâu bền vững cho dân tộc Việt Nam. Nếu mình làm không có toàn diện, chỉ tập trung vào chuyện xung đột ý thức hệ mà bỏ qua những xung đột sắc tộc, tôn giáo trong lịch sử thì rất dễ diễn ra cái hiện tượng đó là hoà giải hoà hợp được cái khía cạnh này thì lại tạo ra những xung đột mới. Điều đó là điều đã diễn ra ở Myanmar thời gian gần đây.  Đó là cái hình dung của em về sự hoà giải hoà hợp ở VN trong tương lai.
Mạnh Hiền: Theo em khi mà có chuyển biến về mặt chính trị, lúc đó, em nghĩ  thể chế độc tài sẽ không còn tồn tại và sẽ là một thể chế đa nguyên tự do. Lúc đó những người đồng bào hải ngoại họ mang hận thù với chế độ CS mà thôi cho nên những người đó sẽ rất dễ để bỏ qua và ngồi vào cùng với dân tộc.
Sỹ Bình: Ta tưởng tượng Vn sẽ có chuyển biến về chính trị, thì cần những yếu tố như thế này. Thứ nhất là chấp nhận và thứ hai là phải bồi đắp, và như vậy hai bên mới hòa hợp được. Ngày xưa như lịch sử Việt Nam trong những diễn biến gần kết thúc thời kỳ lịch sử của mìên Nam thì HCM có nói một câu ‘đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Câu này nó rất có ý nghĩa nhưng thật sự trong lịch sử VN đã không mang lại một ý nghĩa gì trong câu nói này cả.  Tuy nhiên, sau này giả sử như Việt Nam mình có chuyển biến chính trị thì chúng ta phải đặt câu này lên đầu tiên và thực hiện nó một cách rất là có tình yêu thương bao quát. Cái này nó có thể giúp nhau gắn kết lại và xoá bớt những thù hận bởi vì câu nói này rất đơn giản và rất ý nghĩa nếu con người chúng ta biết vận dụng nó vào trong công cuộc hoà giải.  Bởi  khi đã chuyển biến lịch sử  rồi thì khả năng cái thể chế phải thay đổi mà đã thay đổi rồi thì bắt buộc mỗi bên đều phải làm tốt nhiệm vụ của mình.
Cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Nguyễn Anh Tuấn, Mạnh Hiền và Sỹ Bình.
Hòa giải dân tộc – Hành xử của chính quyền với hòa giải dân tộc (phần 3)
Hòa giải dân tộc – Tuyên truyền và dạy lịch sử (phần 2)
Hòa giải dân tộc – thực tế hiện nay (phần 1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét