Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Mãi lộ trước mặt chuyên gia chống tham nhũng

Tienphong

TP – Là cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Jairo Accuna Alfaro cùng cộng sự vừa đáp xuống sân bay Buôn Ma Thuột hơn chục phút đã chứng kiến cảnh mãi lộ ngay trên đường vào thành phố.
Ông Jairo và cô Huyền chia sẻ trải nghiệm mãi lộ mới nhất tại Hội thảo
Ông Jairo và cô Huyền chia sẻ trải nghiệm mãi lộ mới nhất tại Hội thảo

Hội thảo “Trao đổi chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2013” khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP VN ) phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức tại trung tâm tỉnh Đắk Lắk vào sáng 21/4. Ông Jairo Accuna Alfaro là trưởng nhóm tác giả báo cáo PAPI năm 2013, nên tối trước đó đã đáp chuyến máy bay từ TP Hồ Chí Minh lên Buôn Ma Thuột lúc 19h.Ông Jairo cùng trợ lý Đỗ Thanh Huyền lên taxi của hãng Quyết Tiến để vào thành phố. Xe vừa bon trên mặt đường quốc lộ 27 một đoạn ngắn thì bị 2 người mặc trang phục cảnh sát giao thông, cầm gậy điều khiển ra hiệu tài xế tấp vào lề đường, trình diện. Sau vài câu trao đổi với 2 người nọ, tài xế trở lại xe lấy tiền kẹp vào sổ giấy tờ cầm ra. Ông Jairo bèn xuống xe đi theo tài xế, nhưng “cảnh sát giao thông” ra hiệu buộc ông trở lại xe. Khi xong việc, xe chuyển bánh, cô Huyền và ông Jairo hỏi mãi, tài xế mới chịu nói anh vừa phải nộp 200 nghìn đồng dù không rõ mình phạm lỗi gì, cũng không có chứng từ hóa đơn.
Ông Jairo bảo nếu anh cần làm rõ sự việc, 2 chuyên gia UNDP sẵn sàng làm nhân chứng. Nhưng tài xế xin đừng “đụng đến mấy ổng” để anh “ còn đường làm ăn”.
Câu chuyện nhức nhối trên được ông Jairo Accuna Alfaro chia sẻ ngay trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo. Đã có 7 năm sống và làm việc cho UNDP tại VN, nói được một ít tiếng Việt, đây không phải là lần đầu tiên ông Jairo tận mắt chứng kiến hành vi mãi lộ nhưng ông vẫn đau lòng vì thực trạng này.
Ông nói: Mức độ chịu đựng của người tài xế taxi rất cao, dễ hiểu vì sao như thế, và chính điều đó lại tiếp tục tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng, đòi mãi lộ của cảnh sát giao thông. Trải nghiệm này cho thấy người tài xế taxi không biết, không tin về quyền của họ theo luật Phòng chống tham nhũng, hoặc chính quyền địa phương đã không điều hành tốt việc phòng chống tham nhũng trên địa bàn.
Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, ông Jairo kể: Tại quê hương Costa Rica của ông từng có thời nạn mãi lộ hoành hành. Các nghiệp đoàn taxi đã tự bảo vệ mình bằng giải pháp yêu cầu tài xế hễ thấy CSGT có dấu hiệu mãi lộ, lập tức phát tín hiệu cấp báo tới tổng đài; Hãng sẽ chi viện các xe gần đó tập trung tới hiện trường cùng yêu cầu CSGT phải có đủ các loại giấy tờ thủ tục, chứng cứ hợp lệ mới nộp phạt, từ đó nạn mãi lộ giảm hẳn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét