Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Đóng kịch, ngụy biện, đội lốt… là “tác phong cách mạng” của CSVN xưa nay, sẽ hết tác dụng


Ba bài viết đồng thanh và rất hay, rất trúng (vấn đề)
 
Phan Châu Thành (Danlambao)   Hôm nay đọc ba bài viết rất sâu sắc (nên rất hay và giá trị) của ba người rất có uy tín (với tôi) trên lề dân là ông Bùi Tín, Gs. Nguyễn Văn Tuấn và anh Đặng Xương Hùng, về cuộc sống không được sống thật (cả nước phải đóng kịch), về thói ngụy biện, và về sự đội lốt trong xã hội mà CSVN đã và đang tạo ra trên đất nước này – thật là “đã”!
Đã, vì làm sao CSVN phản biện được những sự thật hiển nhiên đó nhỉ – những điều mà tất cả mọi người dân, nhất là dân miền bắc trước 1975, đều có thể kiểm chứng rõ ràng.
Ông Bùi Tín liên tục trong loạt bài “Nhân ngày 30/4” đã có những bài viết xuất sắc, xứng đáng là cây đại bút-đại tá phó tổng biên tập báo ND đã quay nòng đại bác về hướng đảng CSVN để công phá. Hoan hô ông Bùi Tín! Chỉ một ví dụ về hai người chị mình, ông Bùi Tín đã lột tả tấn bi kịch đẫm xương máu và nước mắt của nhân dân Việt dưới chế độ CS…, còn hơn Ngô Tất Tố lột tả xã hội phong kiến qua cảnh chị Dậu bán ổ chó con và cho con gái nhỏ đi ở đợ nuôi chồng – vì đây là những người mẹ phải hân hoan đưa con trai mình vào chỗ chết. Ngô Tất Tố từng làm tôi rớt nước mắt vì chị Dậu thì hôm nay, tôi không ngờ, ông Bùi Tín đã làm tôi vừa rớt nước mắt và bặm môi ngồi gõ những chữ này.
Giáo sư Y khoa từ Úc, Nguyễn văn Tuấn, có rất nhiều bài viết ngắn gọn mà sâu sắc, lắng động, giá trị như những viên quặng lấp ló kim cương, và tôi luôn học hỏi được rất nhiều từ các bài viết của ông, hôm nay lại có bài “Ngụy biện” với phong cách đúng như thế. Rất cảm ơn Gs Tuấn, và mong được đọc ông thật nhiều nữa.
Và nhà ngoại giao trẻ đã sớm nhận ra vị thế “lầm chỗ” của mình, anh Đặng Xương Hùng, với một bài “tưng tửng” tên “Đội lốt” lột tả sự gian trá của chính thể CSVN hôm nay trên khắp mọi phương diện. Thật là một cây bút sắc xảo và nhiều hứa hẹn cho phong trào dân chủ cho Việt Nam.
Vài câu chuyện xin được họa theo, của tôi
Không thể nói thêm gì hơn ý của các tác giả trên từ các phương trời, tôi xin góp thêm lời ý của mình để hòa đối (họa theo đối đáp nhưng không đối nghịch, như những tiếng gà cùng gáy trước và báo hiệu hừng đông vậy) từ trong nước, về các ý “đóng kịch”, “ngụy biện” và “đội lốt” trên, để cảm ơn ba người đã nói hộ tôi và rất nhiều người dân trong nước.
Sống mà luôn phải đóng kịch (vì sợ nếu sống thật, sống đúng, sống tốt sẽ bị đảng hại chết) trong xã hội CSVN là một đại bi kịch của những người dân Việt, nhất là những cán bộ cộng sản (bị lừa). Ông, cha tôi đều phải trả giá đau thương vì đã dấn thân hết mình theo cộng sản, rồi phải sống khép kín, tròn vo lại, vì sự an toàn của gia đình, người thân. Nhưng làm sao để dạy con cháu mình sống đóng kịch trước đảng đây?
Đầu năm 1971, nhóm bạn thân chúng tôi 4 thằng học lớp 7, đều tròm trèm 16 tuổi và đều viết đơn tình nguyện đi bộ đội trong đợt tuyển quân rầm rộ, gọi là vét sạch – vì chỉ cần đủ 17 tuổi và sức khỏe loại B+ trở lên (trước đó thì phải loại A mới được). Cha mẹ chúng tôi cũng đều (phải) công khai ủng hộ con mình xung phong đi bộ đội trước tuổi như thế, (có lẽ) vì biết chúng tôi sẽ không được đi.
Một thằng bạn tôi là con ông bí thư thị trấn, bố nó đi đâu cũng khoe con trai xung phong đi bộ đội trước tuổi mà không được đi, đem con mình ra biểu dương khắp nơi. Nhờ thế nó được trường cấp 2 Thị trấn “đặc cách” cho vào Đoàn (không cần phấn đấu gì, vì nó rất quậy), trước sự ngưỡng mộ của bọn tôi.
Ai ngờ, ngay cuối năm đó lại có đợt tuyển quân bổ sung – đợt 2, và tiêu chuẩn thì hạ xuống sức khỏe B và trên 16 tuổi 6 tháng được coi là 17 tuổi. Trong nhóm tôi, thằng con ông bí thư hãnh diện rơi vào diện “đủ tiêu chuẩn” mới đó, nên thay vì vào lớp 8 cùng chúng tôi, nó “vinh dự được đi bộ đội”. Chúng tôi đến nhà chúc mừng và chia tay thì thấy ông bí thư ốm sụp nằm bẹp dúm, không dậy tiếp chúng tôi vui vẻ như mọi khi, mẹ nó thì khóc than oán trách chồng: “Ông ơi, ông giết con tôi rồi, ông ơi!”… Chưa đầy ba tháng sau nó viết cho chúng tôi: “…Chúng tao đã huấn luyện xong, mai là vào Nam, nghe đâu là vào thẳng Quảng trị…” Và khoảng dăm tháng sau nữa nhà nó nhận giấy báo tử của nó, bố nó năm đó (1972) xin nghỉ không làm cán bộ nữa, chuyển cả nhà lên miền núi ở, vì sợ em gái nó lại xin đi thanh niên xung phong…
Mất thằng con trai, như không còn gì để mất nữa, ông bí thư thị trấn không đóng kịch được nữa, nhưng cha mẹ chúng tôi đã không dám thế, còn phải đóng kịch dài dài – mà chúng tôi khi đó không nhận ra. Nhưng chúng tôi thì đã không đóng kịch, ít nhất là đến khoảng tam thập nhi lập. Bạn tôi đã không đóng kịch khi vĩnh viễn “nằm lại” Quảng Trị mà không có tro cốt để lại. Hai thằng bạn khác của tôi trong bộ tứ năm đó cũng không đóng kịch khi đi bộ đội 2 năm sau đó trước khi thi lại đại học sau 1980 với tư cách thương binh và bệnh binh. Tôi cũng không đóng kịch khi tự cam kết là đi học để về xây dựng đất nước. Tuổi trẻ không biết sống giả dối. Nhưng có lẽ sau đó ba thằng tôi cũng đã phải hòa vào “vở kịch lớn” của dân tộc đang diễn đến hôm nay, chỉ có thằng bạn mãi mãi “hơn 16 tuổi rưỡi” là không phải sống đóng kịch ngày nào mà thôi?!
Nói về “ngụy biện”, bài viết của Gs Nguyễn Văn Tuấn thật là sâu sắc, uyên thâm. Phải nói, chế độ CSVN đã nâng và tôn vinh ngụy biện lên thành nghệ thuật và công cụ tranh luận, nghiên cứu khoa học chính ở phạm vi toàn xã hội và trong mọi ngành nghề, suốt mấy chục năm qua rồi.
Tôi học hệ chuyên toán, và thấy những năm đó (trước 75) ai ai cũng chỉ nói về và suy tôn các lý thuyết và phương pháp ngụy biện toán học. Cuốn sách toán hàng đầu hồi đó là “Những phương pháp ngụy biện toán học có lý”, hình như của Ts. Nguyễn Cảnh Toàn (?). Tôi rất ghét “toán ngụy biện”, nhưng cứ phải sống trong cảnh các thầy và các bạn say sưa ra sức “chứng minh” những điều vô lý, ví dụ 1 lớn hơn 5, dựa trên “toán ngụy biện”, tức là dựa trên một mẹo lừa nhỏ đâu đó rất trẻ con mà bạn có thể không để ý như “căn của 4 có thể là +2 và -2” chả hạn, “vì +2 và -2 bình phương đều bằng 4”… Phải nói là, những bài “toán ngụy biện” như thế được tôn vinh quá làm tôi dần ghét môn toán, tôi không thi vào Tổng hợp Toán dù mình học chuyên toán và cũng không kém cỏi gì. Tôi luôn tin cuộc sống không cần ngụy biện, và ngụy biện là công cụ và biện pháp của sự gian dối.
Có cái gì đó không ổn trên bình diện đạo đức xã hội ở đây. Giống như câu chuyện rùa và thỏ chạy thi mà đêm trước họ nhà rùa đã phân công nhau đi nấp sẵn ở các lùm cây dọc đường sẽ chạy thi với thỏ để hôm sau lừa thỏ…- mà từ bé tôi đã cực kỳ phản đối họ nhà rùa đã lừa dối thỏ trong cuộc đua để thắng – thế mà cô giáo (và nền giáo dục CSVN) vẫn khen rùa “đoàn kết và thông minh” để dạy dỗ lớp trẻ…
Ví dụ góp thêm thứ ba của tôi là về “đội lốt”, là “dễ kiếm” nhất. Tôi rất thích bài viết “Đội lốt” của anh Đặng Xương Hùng và tất cả 6 ví dụ của anh. Tôi chỉ xin bổ sung, làm rõ cho ví dụ thứ 5.
Tôi được du học Đông Âu do thi đại học đủ điểm để đi học nước ngoài, nhưng khi sang đến đó trước 1975 tôi lại bị “giằng xé” giữa hai “đại sứ quán VN” ở Warsawa – một của nước VNDCCH và một của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN, vì tôi học ở miền Bắc nhưng cha tôi là cán bộ Miền Nam tập kết 1954 là người của Mặt trận. Cả hai sứ quán VN đó đều nhận là người sẽ quản lý và sử dụng tôi cho “hai chính phủ khác nhau” đó. Tôi thắc mắc và chỉ muốn được theo sự quản lý của “Sứ quán Miền Nam” thôi, và tôi làm thế. Một hôm tôi đến văn phòng ông Đại sứ của “Sứ quán Miền Nam” thì có ông Tùy viên Văn hóa của Sứ quán miền Bắc đến. Trước mặt ông Đại sứ Miền Nam, Tùy viên Văn hóa Miền Bắc (Thua Đại sứ 3 cấp, như cấp úy với cấp tướng) tuyên bố Đại sứ Miền Nam phải theo chỉ thị của Tùy viên Văn hóa Miền Bắc là không được quản lý tôi (và một số sinh viên khác như tôi) nữa, mà tôi sẽ phải do sứ quán Miền Bắc quản lý hoàn toàn. Ông “Đại sứ” của Mặt trận DTGPMN đã ngồi im không nói một câu nào…
Thế là tôi hiểu, Mặt trận chỉ là sự đội lốt hoàn toàn của CSVN mà thôi. Sau 1975 thì cái “đội lốt” Sứ quán Miền Nam mà tôi lỡ quí mến đó cũng biến mất ở Warsawa, thậm chí không được sát nhập vào làm một với Sứ quán Miền Bắc nữa – vì không có nhân viên Miền Nam nào ở lại cả…
Tất cả đều từ một sự dối trá và ngụy biện đầu tiên…
Chúng ta biết, dân Việt phải sống giả dối đóng kịch, là vì sợ chính quyền CS, vì chính quyền chỉ biết dùng bạo lực để ép dân theo mình, trong mọi vấn đề. Chính quyền CS luôn phải dùng bạo lực là vì mục đích thực sự của họ luôn phản nghịch với các quyền lợi của dân mà họ giả dối tuyên truyền để lừa dân, nên khi dân hiểu ra (mục đích thực của CS) và không theo thì CS phải dùng bạo lực ép dân theo.
Chúng ta biết, người Việt thời CS quen thói ngụy biện trong mọi tranh luận, là vì nếu không dùng ngụy biện (tức gian dối),thì không thể chúng minh được điều họ muốn dân tin (lừa dối), và sẽ lòi ra sự lừa dối của họ, và sự lừa dối đầu tiên là sự kiện thành lập đảng CS Đông dương – lừa dối và ngụy biện…
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Hương cảng, các đại diện của 3 đảng CS ở Đông dương hỏi Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh (Hồ Tập Chương) rằng giấy giới thiệu/ủy quyền và chỉ thị hợp nhất các đảng CS Đông dương thành một của Quốc tế CS 3 cho Quốc hay Hồ đâu, thì Quốc chỉ trả lời (mà Hồ kể lại sau năm 1946) bằng cách hỏi đốp lại: “Các đồng chí nghĩ rằng nếu tôi còn mang cái chỉ thị và ủy nhiệm đó của QTCS bên mình thì tôi có thể có mặt ở đây hôm nay sao?”
Đây là sự ngụy biện đánh lạc hướng hay tráo đổi vấn đề, từ việc ủy quyền chính thức của QTCS cho việc sát nhập các đảng CSĐD thành việc an toàn của người cầm cái ủy quyền đó (vốn chỉ là một mảnh giấy nhỏ). Tại sao bao nhiêu tài liệu, trao đổi, báo cáo, chỉ thị khác, thậm chí cả tiền bạc… giữa QTCS và Quốc cho các đảng CS ở Đông dương vẫn có thể chuyển đến nhau được (đến nay còn lưu lại, ghi nhận…), mà chỉ một mảnh giấy Ủy quyền và chỉ thị quan trọng nhất đó lại không được và Quốc/Hồ (có ý nói) đã phải hủy nó đi để an toàn, và không có gì lưu lại về sự tồn tại và nội dung của nó? Là vì không hề có quyết định chính thức cụ thể của QTCS 3 như vậy. Đó mới chỉ là chủ trương của QTCS 3 mà Hồ (Tập Chương, hay đảng CSTQ) nắm được và ra tay thực hiện thâu tóm các nhà CS VN, vì ý đồ của CS Tàu…
Cho đến nay, trong hồ sơ lưu trữ của QTCS cũng chưa thấy có một tài liệu hay dấu vết, chi tiết nào nói về Ủy quyền hay Quyết định hay Chỉ thị thành lập đảng CS Đông dương đó của QTCS cả. Nếu có thì nhất định phải có những dấu vết về công văn đó như ai, phong ban nào ra lệnh, khi nào, giao cho ai thực hiện việc sát nhật hay thành lập mới đảng CSDD đó… Và nếu có thì Quốc hay Hồ là người nhận công văn đó và nhận nhiệm vụ ghi trong nó phải là người nắm rõ nội dung của nó trước khi Hồ/Quốc “phải hủy đi vì lý do an toàn hoạt động”, và ngày 3/2/30 tại Hương cảng Quốc/Hồ phải trình bày lại cho các đại biểu các đảng CS về chi tiết nội dung của công văn/chỉ thị đó của QTCS và các chi tiết hoàn cảnh mà khiến họ đã phải ủy nó đi “cho an toàn”, nhất là phải cam đoan hay đảm bảo có thể kiểm chứng sự tồn tại của c/v đó trong hồ sơ của QTCS ở Moscow theo số mã hiệu c/v… Tất cả đều không có, không xảy ra điều gì như thế ngoài một câu hỏi ngụy biện đánh lạc hướng trên của Quốc/Hồ.
Tất cả chứng minh một điều: chính đảng CSVN đã ra đời trong sự bịp bợm, lừa dối và bằng những sự ngụy biện, đội lốt…
Ngày nay, sự đóng kịch, ngụy biện và đội lốt trong xã hội VN còn phổ biến và được nâng cấp lên, tinh vi hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng dường như lớp trẻ Việt dù đã bị ép dạy phải sống như đóng kịch từ nhỏ, họ vẫn là Tuổi trẻ! CSVN vẫn không thể đàn áp được bản năng sống thật của tuổi trẻ Việt Nam. Và họ đã nhìn ra những sự bịp bợm của CS, từ những sự bịp bợm đầu tiên…? Tôi mong thế!
Kết quả là chúng ta thấy, họ đã xuống đường! Tôi thấy lớp trẻ là tương lai đất nước hôm nay đã xuống đường trong hơn 90,000 công nhân đình công ở Pu-uyên Bình Tân, Sài gòn đòi quyền lợi của mình, trong hàng ngàn người dân xuống đường ở Quốc lộ 1 Bình Thuận phản đối nhà máy Nhiệt điện của tàu gây ô nhiễm, trong phong trào vì Hà Nội Xanh hiện nay, và tôi thấy Tuổi trẻ ở khắp mọi nơi khác nữa…đã và đang chuẩn bị xuống đường. Họ luôn sống thật! Và các trò đóng kịch, ngụy biện, đội lốt – “tác phong cách mạng” của CSVN xưa nay – sẽ hết tác dụng.
4/05/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét